12:11 31/12/2014

Indonesia triển khai thêm thợ lặn tham gia tìm kiếm máy bay QZ8501

Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ Quốc gia Indonesia (Basarnas) đã triển khai một nhóm 21 thợ lăn, trong đó có 11 thợ lặn thuộc Hải quân. Trong hôm nay, số thợ lặn được bổ sung thêm 47 người để tham gia tìm kiếm.

Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ Quốc gia Indonesia (Basarnas) đã triển khai một nhóm 21 thợ lăn, trong đó có 11 thợ lặn thuộc Hải quân. Trong hôm nay, số thợ lặn được bổ sung thêm 47 người để tham gia tìm kiếm. Độ sâu an toàn cho các thợ lặn hoạt động là 20-30m. Tuy nhiên, vùng biển này có nơi sâu đến 40 - 50m.


Theo kế hoạch, hoạt động tìm kiếm máy bay mất tích của hãng hàng không Air Asia mang số hiệu QZ8501 được nối lại từ 6 giờ sáng ngày 31/12 với sự tham gia của hàng chục thợ lặn Indonesia. Tuy nhiên, hiện điều kiện thời tiết tại khu vực tìm kiếm không được thuận lợi, làm ảnh hưởng tới hoạt động tìm kiếm cứu hộ.


Điều phối viên cứu hộ của Không quân, ông S.B. Supriyadi cho biết thời tiết tại khu vực tìm kiếm hiện có mưa và gió do ảnh hưởng của bão, gây khó khăn cho việc vớt các thi thể. Theo ông Supriyadi, ngay khi thời tiết thuận lợi hơn, đội cứu hộ sẽ vớt các thi thể nạn nhân và đưa tới Pangkalan Bun, thị trấn có sân bay gần nhất với nơi xảy ra tai nạn. Hàng trăm cảnh sát, binh lính và nhân viên cứu hộ quốc gia đã sẵn sàng ở Pangkalan Bun chờ thực hiện nhiệm vụ.

Nỗi đau của thân nhân các hành khách trên máy bay QZ8501 sau khi nhận được thông tin mới về cuộc tìm kiếm máy bay mất tích, tại sân bay quốc tế Juanda ở Surabaya ngày 30/12. Ảnh: AFP/ TTXVN


Trong các ngày tìm kiếm trước đó, các máy bay trinh sát Indonesia đã phát hiện hàng chục thi thể trôi nổi trên biển và nhiều mảnh vỡ được cho là của chiếc máy bay xấu số này. Đến nay, đội tìm kiếm cứu hộ đã vớt được 6 thi thể nạn nhân, trong đó có một nữ tiếp viên hàng không.


Hiện, tổng cộng 30 tàu và 21 máy bay của Indonesia và nhiều nước khác, như Australia, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc và Mỹ, đang phối hợp tìm kiếm. Trung Quốc đã đề nghị cử một tàu khu trục và một máy bay quân sự tới giúp đỡ. Hải quân Mỹ cũng lên kế hoạch đưa tàu thứ hai tới khu vực tìm kiếm sau khi tàu khu trục USS Sampson đã được triển khai tại đây.


Liên quan đến công tác điều tra, các điều tra viên đang tập trung nghiên cứu các giả thiết ban đầu là tai nạn xảy ra do các phi công mất quá nhiều thời gian để đưa ra yêu cầu được nâng độ cao của máy bay nhằm tránh khu vực thời tiết xấu, hay vì họ đã cho máy bay hạ độ cao thấp hơn so với thời điểm cất cánh - một trong các nguyên nhân kỹ thuật cũng có thể khiến máy bay rơi. Theo các chuyên gia, thời tiết cũng có thể là một phần nguyên nhân.

Ngoài ra, các chuyên gia hàng không cho rằng sẽ dễ dàng tìm thấy thân máy bay vì khi rơi xuống nước máy bay mới gãy đôi. Ông Neil Hansford, một cựu phi công và là Chủ tịch công ty tư vấn Giải pháp Hàng không Chiến lược (SAS) cho biết: "Các mảnh vỡ được phát hiện cho thấy máy bay đã vỡ đôi khi rơi xuống nước".


Chiếc máy bay Airbus A320-200 đã bất ngờ mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu ngày 28/12 trong điều kiện thời tiết xấu khi bay qua biển Java (Indonesia). Trên máy bay có 162 người, hầu hết là người Indonesia. Hiện chưa tìm thấy người nào sống sót. Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết ưu tiên hiện nay là vớt các thi thể nạn nhân.


PV