09:17 08/09/2021

Indonesia sẵn sàng đảm nhận vai trò trung tâm sản xuất vaccine

Chính phủ Indonesia cho biết đã sẵn sàng đảm nhận vai trò trung tâm sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của khu vực giữa bối cảnh thế giới cần tăng gấp đôi sản lượng vaccine.

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Rome, Italy diễn ra từ ngày 5-6/9/2021, Bộ trưởng Y tế Indonesia, Budi Gunadi Sadikin cho biết năng lực sản xuất vaccine ngừa COVID-19 trên toàn thế giới phải tăng gấp đôi và Indonesia sẵn sàng đóng góp vào chuỗi cung ứng vaccine ngừa COVID-19 toàn cầu.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Denpasar, trên đảo Bali, Indonesia, ngày 2/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Đối mặt với đại dịch COVID-19 toàn cầu, các nước cần phải tích cực phát triển năng lực sản xuất vaccine điều trị và chẩn đoán tại địa phương. Để làm được điều này, cần phải đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ và tri thức cũng như nâng cao năng lực trong nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là từ các nước phát triển sang phần còn lại của thế giới. Điều này có thể được thực hiện nhanh chóng thông qua cơ chế hợp tác đa phương.

Cũng theo ông Budi, Indonesia đã chứng kiến hai bước quan trọng trong nỗ lực giải quyết những thách thức về sức khỏe hiện tại và tương lai là khuyến khích tiếp cận công bằng với vaccine thông qua cơ chế COVAX và tăng gấp đôi năng lực sản xuất vaccine trên toàn thế giới để có một hệ thống y tế linh hoạt hơn. Cho đến nay, ít nhất 40% dân số thế giới đã được tiêm một liều vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, 4/5 số liều được tiêm cho các công dân tại các nước có thu nhập trung bình và cao.

Mặt khác, chỉ có 20% nguồn cung vaccine toàn cầu được cung cấp cho các nước đang phát triển, mặc dù họ chiếm gần một nửa dân số thế giới. Do đó, thông qua cuộc họp G20, Indonesia đang thúc đẩy cải cách hệ thống y tế toàn cầu, trong đó tăng cường vai trò trung tâm của WHO trong việc chuẩn bị và ứng phó với đại dịch, phát hiện và cảnh báo sớm, chia sẻ thông tin nhanh chóng và thực hiện phương pháp vì sức khỏe con người, động vật và môi trường. Đây chỉ đơn giản là một nỗ lực để tạo ra một hệ thống y tế mạnh mẽ và phục hồi.

Indonesia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn ngừa và quản lý các bệnh lây truyền và không lây nhiễm, cũng như đầu tư vào sức khỏe trẻ em trong việc hỗ trợ đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vốn đã bị cản trở bởi đại dịch COVID-19.

Cuộc họp các Bộ trưởng Y tế G20 đã đưa ra Tuyên bố Bộ trưởng Y tế G20. Tuyên bố này bao gồm cam kết phục hồi sau đại dịch, hợp tác trong việc xử lý đại dịch, cách tiếp cận “One Health” đối với sức khỏe con người-động vật-môi trường và khả năng tiếp cận dược phẩm và thiết bị y tế dễ dàng và nhanh chóng.

Tại nhiệm kỳ đảm nhận vai trò Chủ tịch G20 năm 2022, Indonesia cam kết tiếp tục nỗ lực để đảm bảo một tương lai khỏe mạnh, bền bỉ hơn và an toàn hơn cho thế hệ tiếp theo.

Đình Ánh (P/v TTXVN tại Jakarta)