07:19 16/07/2015

Indonesia mùa giao thông thảm họa

Hàng năm, cứ vào thời điểm gần ngày lễ Eid của người Hồi giáo, những con đường ổ gà trên hòn đảo đông đúc dân cư Java của Indonesia lại rơi vào cảnh đại tắc nghẽn khi hàng triệu con người cùng phương tiện đổ ra đường, nhích từng mm một.

Hàng năm, cứ vào thời điểm gần ngày lễ Eid của người Hồi giáo, những con đường ổ gà trên hòn đảo đông đúc dân cư Java của Indonesia lại rơi vào cảnh đại tắc nghẽn khi hàng triệu con người cùng phương tiện đổ ra đường, nhích từng mm một.

Hàng trăm người Indonesia trên xe máy đợi lên phà ở cảng Merak, phía tây đảo Java ngày 15/7. Ảnh: AFP


Một lịch sử tắc đường

Mỗi năm, vào những ngày cuối tháng ăn chay Ramadan, các thành phố ở đất nước có phần lớn công dân là người Hồi giáo này bỗng trở nên trống trải khi những dòng người đổ về các ngôi làng để ăn mừng ngày lễ Eid cùng gia đình.

Nghi thức trở về hàng năm được biết đến dưới cái tên “mudik” này thường biến thành những màn tra tấn không thể tránh khi phải mất đến khoảng 24 tiếng đồng hồ để di chuyển hết chặng đường dài vài trăm km. Tình trạng chen chúc đặc biệt diễn ra ở hòn đảo Java, nơi có hơn một nửa dân số Indonesia sinh sống: 150 triệu người.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tắc nghẽn trầm trọng ở Indonesia là việc nhiều con đường ở quốc gia này vẫn trong trạng thái xưa nay thế: nhỏ, cũ kĩ và luồn lách qua những vùng đồi núi trong bối cảnh mỗi ngày có thêm nhiều phương tiện mới đổ ra đường theo nhịp độ phát triển của nền kinh tế.

“Về mặt tinh thần mà nói, chúng tôi đã chuẩn bị hết cả rồi”, cô Astri Wahyuni, chuẩn bị di chuyển đến một ngôi làng ở trung tâm Java từ thủ đô Jakarta cùng chồng và hai con nhỏ nhân lễ Eid sẽ diễn ra vào ngày 17/7, cho biết. Thông thường, quãng đường này sẽ mất 5 tiếng di chuyển. Nhưng vào thời điểm này trong năm, quãng thời gian đi lại có thể lên đến 25 tiếng đồng hồ.

Thiết bị bay và ứng dụng di động

Năm nay, trong một nỗ lực nhằm xử lý tình trạng phơi mặt ra đường cả ngày trời rùng rợn này, cảnh sát Indonesia đã tung ra hai giải pháp sử dụng đến công nghệ tiên tiến: Một, triển khai những thiết bị bay không người lái; hai, ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Tại thủ đô Jakarta, trung tâm dân cư đông đúc vốn đã có tình trạng giao thông tắc nghẽn nặng nề và càng trở nên nghẹt thở khi sắp bước vào kì lễ Eid, lần đầu tiên, cảnh sát cầu viện đến những thiết bị bay không người lái để giám sát giao thông khi dòng người càn quét qua thành phố.

Từ trên cao vùng ngoại ô của thành phố 10 triệu dân, thiết bị bay sẽ gửi trực tiếp hình ảnh về trung tâm điều khiển giao thông để lực lượng cảnh sát có thể nhanh chóng đưa ra quyết định khi có tình huống phát sinh như có điểm tắc nghẽn hay tai nạn giao thông.

Ngoài ra, một giải pháp khác được cảnh sát Indonesia sử dụng đến là việc triển khai một ứng dụng trên điện thoại thông minh cho phép các tài xế truy cập vào mạng lưới camera an ninh của cảnh sát thông qua máy thu phát để kiểm tra tình trạng giao thông trên những tuyến đường cao tốc trọng yếu.

Một gia đình sử dụng thiết bị di động trong lúc đợi tàu ở thủ đô Jakarta ngày 14/7. Ảnh: AFP


Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh trên thị trường ứng dụng di động sẽ diễn ra vô cùng ác liệt khi các công ty công nghệ đón đầu mùa lễ đã tung ra một loạt các ứng dụng được thiết kế đặc biệt dành cho “mudik”. Trong khi một số ứng dụng giúp xác định thánh đường hồi giáo gần nhất và thông báo cho lái xe thời điểm nên bắt đầu tuyệt thực trong thời gian ban ngày của tháng lễ ăn chay Ramadan, vô số ứng dụng bản đồ và định vị GPS khác lại nhằm xác định các trạm dừng chân, trạm xăng và điểm bắt xe.

Dù nhiều cải tiến công nghệ đã được áp dụng, song theo đánh giá gần như có rất ít dấu hiệu cho thấy mùa “mudik” năm nay sẽ khác biệt so với những năm trước khi những dòng xe và người kéo dài trên phố quen thuộc vẫn xuất hiện và vẫn có những báo cáo về số người thiệt mạng trong các vụ va chạm kể từ cuối cuần qua khi cuộc đại di chuyển bắt đầu.

Theo quan điểm của nhiều nhà quan sát, đầu tư vào giao thông công cộng và cơ sở hạ tầng là điều cần thiết để giải quyết tình trạng ùn tắc khủng khiếp này tại Indonesia. Tuy nhiên, một số người lại không muốn cảnh ùn tắc hàng năm này kết thúc bởi với họ, đó là một phần tinh thần của đợt lễ.

“Bạn có thể tận hưởng chuyến đi, có thêm nhiều kỉ niệm với gia đình. Tôi nghĩ đây là điều không thể thay thế bằng truyền thông xã hội -  một sự đặc trưng của truyền thống ‘mudik’ ”, cô Wahyuni chia sẻ.

Anh Tiếu (Theo AFP)