11:06 23/11/2016

Indonesia đẩy mạnh chống rác thải nhựa trên biển

Theo bài viết của tác giả Arif Havas Oegroseno và Casper Klynge trên báo “Jakarta Post” (Indonesia), rác thải nhựa trên các đại dương ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh vật biển, qua đó cũng gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của con người khi sử dụng các nguồn tài nguyên biển này.

Tháng 1/2016, báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã kết luận rằng: Với đà tăng của các loại rác thải nhựa trên biển như hiện nay, đến năm 2050, khối lượng các loại rác thải này sẽ ngang bằng với khối lượng của các loài cá trên khắp các đại dương. 

Một nghiên cứu mới đây của APEC ước tính, các nước thành viên của tổ chức này hàng năm phải chi trả tới 1,3 tỷ USD để xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường biển. Hơn nữa, cũng theo báo cáo của APEC, hàng năm thế giới phải chi trả số tiền từ 80 tỷ USD đến 120 tỷ USD cho việc sản xuất bao bì bằng nhựa. 

Một vùng biển ngập rác thải ở Indonesia.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có các nghiên cứu cụ thể về tác động của các loại rác thải nhựa đối với sức khỏe con người. Tuổi thọ của các phân tử nhựa từ rác thải bằng nhựa là rất lâu, chúng trôi nổi, hòa trộn vào nước biển và trôi dạt đến các quốc gia dọc theo các đại dương. Ví dụ, một vỏ chai bằng nhựa cần đến 400 năm mới có thể bị phân hủy, sau khi bị phân hủy, nó biến thành các hạt vi nhựa, thâm nhập vào các nguồn hải sản và cuối cùng là nằm trên bàn ăn của chúng ta. Do đó, những thách thức về ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa gây ra mang tầm thế giới và đòi hỏi các quốc gia phải chung tay để giải quyết. 

Với Indonesia nói riêng, nước này cũng đang phải đối mặt với những thách thức về rác thải nhựa. Indonesia có thể là nước thải ra các loại rác thải nhựa làm ô nhiễm môi trường biển nhiều thứ hai thế giới. Hàng năm, các đảo của quốc gia này thải ra 1,3 triệu tấn rác thải nhựa vào môi trường biển. 

Indonesia đã xác định được những thách thức do rác thải nhựa gây ra. Indonesia tích cực tham gia các diễn đàn toàn cầu và khu vực nhằm nâng cao nhận thức của người dân về những tác hại do rác thải nhựa gây ra đối với các đại dương. Gần đây nhất Indonesia đã có những đóng góp quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh Đại dương Thế giới được tổ chức tại thủ đô Washington DC (Mỹ) và chương trình môi trường biển tại Hội nghị cấp cao APEC được tổ chức ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản) vào tháng 9/2016. 

Ngoài ra, Indonesia tích cực hợp tác với Đan Mạch trong việc chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật để có thể thu gom, xử lý các loại rác thải nhựa trên biển, qua đó biến một phần các loại rác thải này trở nên có ích đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, giải pháp hiệu quả nhất để đối phó với tình trạng này là tuyên truyền và có biện pháp ngăn chặn người dân đổ các loại rác thải nhựa xuống biển, do có tới 80% số lượng các rác thải này tuồn xuống lòng đại dương là từ đất liền. Bên cạnh đó, cần có các ưu tiên cho các chương trình cụ thể nhằm ngăn chặn, hạn chế tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường biển. Chẳng hạn, hiện tại ở Indonesia đã có chương trình “Chiến lược từ đất liền cho một đại dương không rác thải nhựa”, được coi là một mô hình thành công và cần được nhân rộng trên toàn quốc. 

Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư hệ thống xử lý rác thải ở hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước, dựa trên kinh nghiệm của Đan Mạch, quốc gia hiện xử lý tái chế tới 95% lượng rác thải, trong đó một phần được biến thành năng lượng điện phục vụ sinh hoạt. Indonesia và Đan Mạch đang tích cực hợp tác để thực hiện hai dự án tái chế rác thải tại Cilacap và Semarang. Đan Mạch đã tích cực chia sẻ, chuyển giao cho Indonesia các công nghệ để xử lý các loại rác thải này. Hiệu quả của hai dự án nói trên được coi là hình mẫu để có thể nhân rộng trên toàn quốc với quy mô lớn. 
TTK