09:10 18/09/2012

Indonesia đặt mục tiêu tăng mạnh xuất khẩu cà phê arabica

Chính phủ Indonesia sẽ tăng cường khuyến khích, hỗ trợ nông dân trồng cà phê tăng sản lượng loại sản phẩm arabica (cà phê chè) để đẩy mạnh xuất khẩu, đáp ứng thị trường trong nước và thu hút du lịch.

Với đánh giá nhu cầu tiêu thụ cà phê của thế giới đang tăng và sẽ lên đến đỉnh điểm vào năm 2020, Chính phủ Indonesia sẽ tăng cường khuyến khích, hỗ trợ nông dân trồng cà phê tăng sản lượng loại sản phẩm arabica (cà phê chè) để đẩy mạnh xuất khẩu, đáp ứng thị trường trong nước và thu hút du lịch.

Mục tiêu cụ thể là từ năm 2020 mỗi năm Indonesia sẽ xuất khẩu khoảng 200.000 tấn cà phê arabica, chiếm 30% tổng sản lượng cà phê trên toàn quốc. Hiện sản lượng loại cà phê này tại Indonesia chỉ đạt 150.000 tấn/năm - chiếm 20% tổng sản lượng.

Thứ trưởng Nông nghiệp Indonesia Rusman Heriawan mới đây cho biết, chính phủ nước này nhận thức được xu hướng gia tăng nhu cầu đối với loại cà phê arabica trên thị trường thế giới, nên khuyến khích nông dân trồng cà phê tập trung nâng diện tích và sản lượng canh tác loại cà phê này bắt đầu ngay từ năm 2012. Thực tế, tại Indonesia hiện nay có tới 96% trong tổng số khoảng 10 triệu nông dân canh tác trên khoảng 1,2 triệu hécta đất trồng cà phê làm việc tại các hộ nông dân nhỏ lẻ.

Bởi vậy muốn hiện thực hoá mục tiêu trên, chính phủ không thể tự quyết định, mà cần phải tổ chức thiết lập, liên kết quan hệ đối tác giữa các hộ nông dân với những nông trang, doanh nghiệp sản xuất lớn, đồng thời đầu tư, hỗ trợ về vốn, hạt giống, công nghệ canh tác, sản xuất và đóng gói.

Quan chức này cho biết thêm, Chính phủ Indonesia  cũng ý thức sâu sắc về tiềm năng thu hút du khách, cả trong và ngoài nước mà ngành cà phê mang lại thông qua các sản phẩm chất lượng cao và điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.

Trên phạm vi toàn thế giới, cà phê arabica có đẳng cấp cao hơn và được ưa chuộng hơn cà phê robusta (cà phê vối), bởi hương vị phong phú và chất lượng thơm ngon. Tuy nhiên, dù có tiềm năng nhưng hiện 80% số cà phê Inđônêxia sản xuất là loại robusta, được xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản và Đức, và thường được sử dụng như một chất độn.

Theo ước tính của nghiên cứu viên cao cấp Surip Mawardi tại Viện Cà phê và ca cao Indonesia , Indonesia còn được coi là một thị trường tiêu thụ lớn đang phát triển nhanh, với số dân hơn 240 triệu người, và một người có thể uống 1 kg cà phê/năm, trong khi mức bình quân của thế giới là 800 gam/năm.


Anh Ngọc (P/v TTXVN tại Giacácta)