12:22 07/12/2020

Indonesia dành gần 45 triệu USD để mua vaccine phòng COVID-19

Ngày 7/12, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết trong năm nay, chính phủ nước này chi gần 45 triệu USD để mua vaccine phòng bệnh COVID-19. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Tangerang, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Sri Mulyani Indrawati nêu rõ chính phủ đã chi khoản ngân sách trên để mua 3 triệu liều vaccine của công ty công nghệ sinh học Sinovac và 100.000 liều vaccine của công ty Cansino, đều của Trung Quốc. Vào giai đoạn đầu, 1,2 triệu liều vaccine của Sinovac đã được chuyển đến Indonesia trong ngày 7/12 và sẽ được sử dụng vào đầu năm 2021. Ở giai đoạn tiếp theo, 1,8 triệu liều vaccine Sinovac sẽ được chuyển đến Indonesia trong tháng 1/2021.

Ngoài ra, Chính phủ Indonesia cũng chi khoảng 19,6 triệu USD để mua các vật tư y tế hỗ trợ cho chương trình tiêm chủng vaccine như ống tiêm, bông tẩm cồn và các hộp đựng an toàn. Bên cạnh đó, nước này cũng dành khoảng 13,4 triệu USD mua các trang thiết bị lưu trữ và bảo quản vaccine như tủ lạnh, thiết bị theo dõi nhiệt độ, đồ bảo hộ cá nhân… Tham gia chương trình tiêm chủng vaccine này có 10.134 trung tâm y tế cộng đồng và 2.877 bệnh viện.

Cùng ngày, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen thông báo ông đã yêu cầu Bộ Y tế và Bộ Kinh tế-Tài chính nước này chuẩn bị ngân sách để mua 1 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cung cấp miễn phí cho nhân dân. 

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Thủ tướng Hun Sen khẳng định: “Hiện một số nước đã sản xuất và sẽ bán cho các nước khác. Tôi khuyến nghị Bộ Y tế thảo luận với các đối tác phát triển, đặc biệt là Tổ chức Y tế Thế giới, để cân nhắc chọn mua vaccine của nước nào”. Nhà lãnh đạo Campuchia cho biết thêm ông đã chỉ đạo Bộ Kinh tế-Tài chính chuẩn bị ngân sách mua 1 triệu liều vaccine trong giai đoạn một để tiêm phòng cho những người làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao. 

Thủ tướng Hun Sen cho biết hai bộ trên sẽ tìm kiếm thêm sự hỗ trợ để đảm bảo toàn bộ người dân Campuchia được tiêm phòng vaccine phòng COVID-19. Trong giai đoạn tiếp theo, Campuchia có thể mua từ 2-3 triệu liều vaccine. 

Tối 7/12, theo thông báo của Bộ Y tế Campuchia, số ca lây nhiễm COVID-19 cộng đồng tại Campuchia đã tăng lên 33 người. Bệnh nhân mới nhất là một sinh viên 22 tuổi, người đã mua sắm tại cửa hàng Zando hôm 27/11, sau đó có phản ứng dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. 

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại trung tâm thương mại ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 9/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tính đến tối 7/12, Campuchia đã phát hiện 349 ca mắc COVID-19. Mặc dù dịch bệnh COVID-19 tại nước này đang diễn biến phức tạp và nhiều ngày qua liên tục có các ca lây nhiễm cộng đồng, Thủ tướng Hun Sen ngày 6/12 một lần nữa khẳng định nước này sẽ không tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan tới những diễn biến phức tạp hiện nay của dịch COVID-19.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nguồn Nhân lực Hungary Miklos Kasler cho biết khoảng 3.000 - 5.000 người Hungary có thể tham gia thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga.

Trên trang mạng Facebook, ông Kasler cho biết một đoàn chuyên gia y tế của Hungary đã nhận được "thông báo chi tiết" về vaccine của Nga tại Moskva, và nhận thấy vaccine đang được sản xuất với công nghệ mới nhất và áp dụng các quy chuẩn của WHO.

Vaccine đầu tiên trên thế giới ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga do Trung tâm Gamaleia phát triển đã được đăng ký tại Nga ngày 11/8. Các nhà phát triển đánh giá hiệu quả của vaccine này là hơn 95%. Vaccine Sputnik V đòi hỏi hai liều tiêm cách nhau 21 ngày. Ngày 5/12, Moskva đã bắt đầu phân phát các liều vaccine này cho các nhóm có nguy cơ cao nhất thông qua 70 cơ sở y tế.

Trần Long - Nguyễn Hằng (TTXVN)