04:15 04/04/2012

IMF kêu gọi Mỹ đóng góp nhiều nguồn lực hơn nữa

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde vừa lên tiếng kêu gọi Mỹ hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu, thông qua những đóng góp lớn hơn nữa cho thể chế tài chính đa phương gồm 187 quốc gia thành viên này.

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde vừa lên tiếng kêu gọi Mỹ hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu, thông qua những đóng góp lớn hơn nữa cho thể chế tài chính đa phương gồm 187 quốc gia thành viên này.

Phát biểu tại thủ đô Oasinhtơn (Mỹ), bà Lagarde cho biết IMF cần nhiều nguồn lực hơn nữa để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính trên toàn cầu. Bà Lagarde nói: "Nếu các nền kinh tế châu Âu tiếp tục suy yếu, sự phục hồi của kinh tế và thị trường lao động Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, Mỹ cần có đóng góp lớn trong việc giải quyết khủng hoảng tại châu Âu nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung".



Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde. Ảnh: AFP/TTXVN



Bình luận của bà Lagarde được đưa ra tròn 64 năm sau khi Tổng thống Harry Truman ký hiệp ước Marshall, cung cấp khoản vay đầy bất ngờ để hỗ trợ châu Âu tái thiết sau chiến tranh. Theo người đứng đầu IMF, tỷ lệ phần đóng góp/GDP của các thành viên cho thể chế tài chính này hiện ở mức thấp hơn nhiều so với quá khứ. 60 năm trước, tỷ lệ đó thậm chí còn cao gấp 3-4 lần sao với mức tương ứng hiện tại. Vì vậy, bà Lagarde muốn các thành viên đóng góp thêm ít nhất 500 tỷ USD vào ngân quỹ bổ sung để giúp IMF đối phó với các cuộc khủng hoảng tài chính khác trong tương lai, hay trước mắt là giải cứu Eurozone. Tuy nhiên, tại cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra hồi tháng 2 vừa qua, đại diện G20 đều chung quan điểm rằng họ chỉ nâng phần đóng góp trong IMF nếu bản thân Eurozone chịu "mở hầu bao" trước.

Về phần mình, các quan chức Mỹ và ngay cả Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner vẫn rất thận trọng trong việc tăng quy mô tài chính hỗ trợ cho IMF hay thực sự bơm thêm tiền mặt cho thể chế tài chính này. Tính đến nay, Oasinhtơn vẫn chưa phê chuẩn đề xuất năm 2010, nhằm cung cấp thêm 63 tỷ USD cho IMF theo thỏa thuận hạn ngạch đóng góp mới. Trong bối cảnh chính nước Mỹ đang phải vật lộn với tình hình nợ công cao, thì việc tăng ngân quỹ hỗ trợ đóng góp cho IMF hay cứu trợ hàng chục tỷ USD cho châu Âu có thể là hành động mang tính chất "tự sát chính trị", nhất là khi cuộc chạy đua bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ mới đang nóng dần lên.

Việt Khoa (Theo AFP)