01:22 21/01/2022

IMF kêu gọi các nước đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để góp phần phục hồi kinh tế

Ngày 21/1, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng không chỉ các ngân hàng trung ương cần chống lại lạm phát mà các nhà hoạch định chính sách khác cũng đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực này, trong đó có việc chấm dứt đại dịch COVID-19 thông qua việc thúc đẩy tiêm chủng.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Vienna, Áo. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp theo hình thức trực tuyến của một ủy ban Diễn đàn kinh tế thế giới, bà Georgieva cho rằng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), cơ quan mới đây đánh tín hiệu có thể bắt đầu nâng lãi suất, "đang hành động có trách nhiệm do tỉ lệ lạm phát tại Mỹ đang trở thành một mối lo ngại về kinh tế và xã hội". 

Tổng giám đốc IMF nhấn mạnh, điều quan trọng đối với các ngân hàng trung ương là nhanh chóng ứng phó với lạm phát và thông báo rõ ràng về bất kỳ việc siết chặt chính sách tiền tệ nào. Tuy nhiên, theo bà, các nhà hoạch định chính sách khác cũng cần hành động ứng phó, nhất là bằng cách tăng cường nỗ lực đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng trên thế giới.

Bà Georgieva nêu rõ: "Trước nhất, chúng ta cần thừa nhận tầm quan trọng của cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. 86 nước trên thế giới vẫn chưa đạt mục tiêu tiêm chủng cho cho ít nhất 40% dân số vào cuối năm 2021". Theo bà Georgieva, lạm phát là hiện tượng cụ thể xảy ra ở từng nước, buộc các nhà hoạch định chính sách trong năm 2022 đưa ra các chính sách ứng phó phức tạp hơn so với trong năm 2020.

Bà Georgieva bày tỏ tin tưởng FED quan tâm tới  việc vừa chống lạm phát vừa vẫn bảo vệ sự phục hồi kinh tế của nước này. Trong khi đó, việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ có thể gây khó khăn cho những nước có khoản nợ cao chủ yếu bằng đồng USD, và gây phương hại cho sự phục hồi yếu kém của một số quốc gia. 

Minh Châu (TTXVN)