04:14 21/04/2017

IMF đối diện thách thức mới khi 'vấp' quan điểm Tổng thống Trump

Trong suốt 70 năm hình thành và phát triển, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã quá quen thuộc với việc giải quyết các khủng hoảng tài chính và những tranh cãi về chính sách. Tuy nhiên, định chế tài chính này đang đối mặt với thách thức mới khi thường vấp phải sự phản đối của chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan những quan điểm trọng yếu.

Hội nghị thường niên mùa Xuân của IMF diễn ra trong tuần này tại Washington đã chứng kiến những bất đồng giữa IMF và Nhà Trắng. Trong khi Chính phủ Mỹ cam kết sẽ hủy bỏ nhiều quy định tài chính được đưa ra sau cuộc khủng hoảng năm 2008 thì IMF lại cảnh báo động thái này nếu được tiến hành “quá mức” sẽ làm tăng khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng khác.

Tòa nhà trụ sở IMF ở Washington.

IMF cũng cảnh báo nguy cơ về kinh tế do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhưng ông Trump lại nghi ngờ điều này và luôn tìm cách khôi phục ngành khai thác than đá, đồng thời đề cập đến khả năng rút khỏi Hiệp định Paris năm 2015 về chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Kể từ khi diễn ra chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, IMF đã nhiều lần quan ngại về các nguy cơ xuất hiện trở lại các biện pháp bảo hộ. Trong khi đó, tỷ phú Trump trong suốt chiến dịch này và kể cả sau khi đắc cử Tổng thống luôn khẳng định cam kết sẽ tăng cường những rào cản thương mại, hạn chế tình trạng nhập cư. Chưa dừng lại tại đó, Chính phủ Mỹ còn yêu cầu IMF chú ý hơn tới nỗ lực của các nước thành viên nhằm thay đổi tỷ giá hối đoái và tình trạng mất cân bằng, đặc biệt là trong thương mại – yếu tố được cho là gây tổn hại đến kinh tế Mỹ.

Tại thời điểm này, IMF một mặt vẫn giữ quan điểm chống bảo hộ, một mặt vẫn thể hiện quan điểm “dĩ hòa vi quý” bằng cách hoan nghênh các kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng và cắt giảm thuế doanh nghiệp của Chính phủ Mỹ. Thực tế cho thấy IMF đang đối mặt với tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi phải duy trì tính độc lập của tổ chức này mà không làm mất đi sự hậu thuẫn tài chính mạnh mẽ nhất của Mỹ. Cường quốc này cũng có thể khiến IMF gặp khó khăn trong nỗ lực trở nên chủ động hơn với các vấn đề xã hội và môi trường.

Ông Nathan Sheets, người từng phụ trách các vấn đề quốc tế tại Bộ Tài chính Mỹ , thậm chí nhận định chính phủ nước này có thể sẽ thực hiện một số bước đi tác động đến chương trình nghị sự của IMF và điều đó cũng có nguy cơ ảnh hưởng tới cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp, bởi chính phủ các nước Liên minh châu Âu đang kêu gọi IMF tham gia chương trình viện trợ cho Athens, nhưng Quỹ này sẽ phải nỗ lực thuyết phục Washington rằng đây là kế hoạch sáng suốt.

TTXVN/Tin Tức