11:09 13/11/2011

IEA: Nga sẽ là nền tảng của hệ thống năng lượng toàn cầu

Trong báo cáo “Tình hình năng lượng thế giới năm 2011” vừa công bố, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định, trong vài thập kỷ tới, Nga sẽ là "nền tảng của hệ thống năng lượng toàn cầu".

Trong báo cáo “Tình hình năng lượng thế giới năm 2011” vừa công bố, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định, trong vài thập kỷ tới, Nga sẽ là "nền tảng của hệ thống năng lượng toàn cầu".

IEA dự báo Nga sẽ là nền tảng của hệ thống năng lượng toàn cầu. Nguồn Internet.



Các chuyên gia dự đoán, trong tương lai gần, giá dầu mỏ có thể tăng đến 150 USD/thùng, còn Mỹ sẽ nhường lại danh hiệu là nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất, trước tiên, cho Liên minh châu Âu (EU), và sau đó cho Trung Quốc.

Đến năm 2015, EU sẽ vượt qua Mỹ về nhập khẩu dầu mỏ, và sau đó tới năm 2020 – Trung Quốc sẽ là quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Theo dự báo, trong những năm tới, nhập khẩu dầu mỏ ở Mỹ giảm đáng kể do các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng mới cho xe hơi và xe tải, cũng như sản xuất dầu mỏ và khí tự nhiên ở trong nước Mỹ, tăng lên.

Các tác giả của báo cáo khẳng định: "Nhu cầu ngày càng tăng trong lĩnh vực giao thông vận tải và những khoản chi phí khai thác các mỏ nguyên liệu ngày càng tăng lên xác nhận kỷ nguyên dầu giá rẻ sắp kết thúc". Họ dự đoán, tới năm 2035, giá một thùng dầu thô sẽ là 120 USD (tính theo tỷ giá của năm 2010). Hơn nữa, tới năm 2015, việc giảm một phần ba đầu tư vào lĩnh vực khai thác các mỏ và nguyên liệu ở Trung Đông và Bắc Phi sẽ đẩy giá dầu lên tới 150 USD/ thùng.

Các nhà phân tích lý giải tình hình căng thẳng đang tạm thời suy yếu trên thị trường là do kinh tế tăng trưởng chậm lại và người ta đang chờ đợi sự trở lại của dầu mỏ Libi. Tuy nhiên, các xu hướng dài hạn đang xác định nhu cầu năng lượng cao ở Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như Inđônêxia, Braxin, các nước Trung Đông. Chẳng hạn, năm 2035, nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc sẽ cao hơn các chỉ tiêu của Mỹ gần 70%. Đồng thời, “sự gia tăng nhu cầu về dầu mỏ diễn ra trong ngành giao thông vận tải của các nước có nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng".

Báo cáo lưu ý rằng sự gia tăng mạnh nhất việc khai thác dầu mỏ sẽ diễn ra ở Irắc, Arập Xêút, Braxin, Cadắcxtan, Canađa. Trung Đông và Bắc Phi sẽ bảo đảm hơn 90% sự gia tăng khai thác dầu mỏ trên thế giới.

Về khí đốt thiên nhiên, IEA chỉ ra rằng “năm 2035, Nga sẽ là quốc gia sản xuất khí đốt lớn nhất và là nguồn chính cho sự gia tăng cung cấp khí đốt của thế giới”. Khi dự đoán "kỷ nguyên vàng của khí đốt," bản báo cáo cũng đánh giá rất lạc quan triển vọng của than trong việc đáp ứng nhu cầu của thế giới về năng lượng. Hiện nay Trung Quốc tiêu thụ một nửa số than được khai thác trên thế giới. Vào những năm 2020, Ấn Độ sẽ trở thành nhà nhập khẩu than lớn nhất thế giới.

Các tác giả của bản báo cáo gọi Nga là "nền tảng của hệ thống năng lượng thế giới trong những thập kỷ tới". Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, các nhân tố trên, cũng như nhu cầu lớn và giá năng lượng thuận lợi, tuyệt nhiên không bảo đảm cho Nga những triển vọng thuận lợi, bởi vì các mỏ dầu và khí đốt chủ yếu ở Tây Xibiri đang cạn kiệt và tương lai – là các mỏ khó khai thác.

IEA cho rằng vào năm 2035, Nga sẽ khai thác 9,7 triệu thùng dầu mỏ mỗi ngày và tới thời điểm này, khai thác khí đốt sẽ tăng 35%. Đồng thời, như trước đây, chủ yếu Nga sẽ tiếp tục xuất khẩu năng lượng sang các thị trường truyền thống ở châu Âu, mặc dù thị phần ở châu Á tăng lên./.

TTXVN/Tin Tức