Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2025 có thể tăng ở mức thấp nhất kể từ năm 2009 (nếu không tính năm 2020 do ảnh hưởng đặc biệt của đại dịch COVID-19), phản ánh bức tranh không mấy khả quan của thị trường năng lượng trong bối cảnh cung vượt cầu và xu hướng chuyển đổi xanh ngày càng rõ nét.
Xe tải chở dầu thô tới nhà máy lọc dầu ở Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo báo cáo tháng 7 vừa được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố, được hãng tin TASS trích dẫn ngày 11/7, mức tăng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2025 chỉ được dự báo đạt khoảng 700.000 thùng/ngày. So với các ước tính trước đó, con số này đã bị hạ xuống 20.000 thùng/ngày do sản lượng cung ứng ra thị trường quý II/2025 thấp hơn dự kiến, trong khi nhu cầu tiêu thụ giảm đáng kể, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển.
Cũng theo IEA, triển vọng cho năm 2026 tiếp tục bị điều chỉnh giảm, xuống còn 720.000 thùng/ngày, giảm 20.000 thùng so với báo cáo trước. Đây được xem là tín hiệu cho thấy tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ đang chững lại, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế đẩy nhanh quá trình tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi sang các nguồn nhiên liệu ít phát thải và mở rộng sử dụng xe điện.
Hãng tin TASS dẫn số liệu chi tiết cho biết, tính riêng trong tháng 5/2025, tồn kho dầu thô toàn cầu đã tăng thêm 73,9 triệu thùng, nâng tổng lượng dự trữ lên khoảng 7,818 tỷ thùng. Dự trữ dầu thương mại ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng tăng thêm 44,5 triệu thùng trong tháng này, nhưng vẫn thấp hơn 54 triệu thùng so với cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu sơ bộ cho tháng 6 mà IEA công bố cho thấy xu hướng tồn kho tiếp tục tăng, đặc biệt tập trung ở các quốc gia ngoài OECD. Điều này cho thấy tình trạng dư cung vẫn hiện hữu, gây sức ép không nhỏ lên giá dầu thế giới trong bối cảnh nhu cầu phục hồi chậm.
Các chuyên gia thị trường năng lượng nhận định, mức tăng trưởng nhu cầu khiêm tốn cùng lượng tồn kho cao có thể sẽ buộc các nước xuất khẩu lớn và OPEC+ tiếp tục duy trì hoặc điều chỉnh linh hoạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng nhằm giữ giá dầu không rơi tự do.
Trước bối cảnh này, nhiều tổ chức tài chính và cơ quan nghiên cứu đã nhấn mạnh, áp lực từ xu hướng giảm phát thải carbon, sự bùng nổ của phương tiện giao thông chạy điện và các quy định khí thải nghiêm ngặt tại các nước phát triển sẽ còn tác động mạnh đến triển vọng dài hạn của dầu mỏ.
IEA cũng nhấn mạnh rằng, việc nhiều quốc gia theo đuổi mục tiêu phát thải ròng bằng 0 sẽ khiến dầu mỏ dần mất vị thế trụ cột trong cán cân năng lượng toàn cầu. Điều này đòi hỏi các quốc gia xuất khẩu lớn như các thành viên OPEC+, Saudi Arabia hay Nga cần đẩy nhanh đa dạng hóa nguồn thu, đầu tư mạnh vào các giải pháp năng lượng tái tạo, hydro xanh và công nghệ lưu trữ carbon.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia được tờ TASS dẫn lời cũng cảnh báo, các yếu tố địa chính trị phức tạp và rủi ro an ninh trên các tuyến vận tải dầu mỏ trọng yếu vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, có thể tác động bất ngờ đến cán cân cung - cầu trên thị trường năng lượng thế giới bất cứ lúc nào.