01:00 04/01/2011

I-400: Bí mật lớn nhất trong Thế Chiến II - Kỳ I: Con đẻ của tham vọng

Khi Thế Chiến II chấm dứt vào năm 1945, Hải quân Mỹ đã thu được những phi đội tàu ngầm Nhật Bản trên Thái Bình Dương, gồm 5 tàu ngầm “Samurai” Sen Toku I-400 . Những chiếc tàu ngầm này sau đó đã bị đánh chìm nhằm giữ cho công nghệ chế tạo loại phương tiện chiến tranh này không lọt vào tay Liên Xô.

Khi Thế Chiến II chấm dứt vào năm 1945, Hải quân Mỹ đã thu được những phi đội tàu ngầm Nhật Bản trên Thái Bình Dương, gồm 5 tàu ngầm “Samurai” Sen Toku I-400 . Những chiếc tàu ngầm này sau đó đã bị đánh chìm nhằm giữ cho công nghệ chế tạo loại phương tiện chiến tranh này không lọt vào tay Liên Xô. Quân đội Mỹ đã không lưu lại bất cứ thông tin nào về địa điểm những tàu ngầm này bị nhấn xuống. Theo những tài liệu công bố sau đó, tất cả các cơ quan tình báo phe Đồng minh hầu như không hề biết đến sự tồn tại của những chiếc tàu ngầm lớn nhất thế giới lớp I-400 cho đến khi chiến tranh kết thúc.

Kỳ I: Con đẻ của tham vọng

Các tàu ngầm lớp Sen Toku I-400 do hải quân Nhật Bản đóng là loại tàu ngầm lớn nhất trong Chiến tranh Thế giới thứ II cho đến khi các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân được phát triển vào những năm 1960. I-400 còn là tàu ngầm chở máy bay có thể mang 3 chiếc thủy phi cơ Aichi M6A Seiran. Chúng có thể nổi lên mặt nước, phóng máy bay và nhanh chóng lặn xuống trước khi bị phát hiện. Tàu ngầm này cũng được trang bị ngư lôi để thực hiện tác chiến tầm ngắn.

Các chỉ huy tàu ngầm I-400 chụp ảnh chung.

Tàu ngầm lớp I-400 được thiết kế để có thể hoạt động ở bất cứ nơi nào trên thế giới và quay trở về. Nhật Bản bắt tay vào chế tạo loại tàu ngầm này từ tháng Giêng năm 1941 tại xưởng hải quân Kure ở Hiroshima và dự kiến cho ra một đội tàu 18 chiếc vào năm 1942. Tuy nhiên trong vòng một năm, kế hoạch đã được rút lại còn năm chiếc, và cuối cùng chỉ có ba chiếc được đóng.

Tàu ngầm lớp I-400 là sản phẩm trí óc của Đô đốc Isoroku Yamamoto, Tư lệnh Hạm đội Liên hợp Nhật Bản. Ngay sau cuộc tấn công Trân Châu Cảng tháng 12/1941, ông Yamamoto đã nảy ra ý tưởng đưa chiến tranh đến Mỹ bằng việc tiến hành các cuộc không kích nhằm vào những thành phố duyên hải ở bờ phía Đông và phía Tây của Mỹ với việc sử dụng máy bay hải quân được phóng từ tàu ngầm. Ông đã ủy thác cho Đại tá hải quân Kameto Kuroshima nghiên cứu khả thi chủ trương này.

Sau đó, ông Yamamoto đệ trình đề xuất của mình lên Trụ sở Hạm đội vào ngày 13/1/1942, trong đó, ông kiến nghị đóng một đội tàu gồm 18 chiếc tàu ngầm cỡ lớn có khả năng thực hiện ba chuyến đi và về đến bờ biển phía Tây nước Mỹ mà không phải tiếp liệu hoặc một chuyến đi và về đến bất cứ nơi nào trên thế giới. Những tàu ngầm này cũng phải có khả năng mang và phóng ít nhất hai máy bay chiến đấu được trang bị một ngư lôi hoặc bom có trọng lượng 800 kg. Đến ngày 17/3, kế hoạch thiết kế tổng thể đội tàu này đã được hoàn tất. Công việc đóng tàu I-400 được tiến hành tại xưởng đóng tàu Kure vào ngày 18/1/1943, tiếp đến là bốn chiếc tàu ngầm khác: I-401 (tháng 4/1943) và I-402 (tháng 10/1943) tại Sasebo; I-403 (tháng 9/1943) tại Kobe và I-404 (tháng 2/1944) tại Kure. Trong số này chỉ có ba chiếc được đóng hoàn tất là I-400, I-401 và I-402.

Sau cái chết của Đô đốc Yamamoto trong một chuyến thị sát đến quần đảo Solomon tháng 4/1943, số tàu ngầm trong kế hoạch được giảm từ 18 xuống 9, sau đó là 5 và cuối cùng là 3. Trên thực tế chỉ có hai chiếc I-400 và I-401 được đưa vào hoạt động. Chiếc I-402 được hoàn thành vào ngày 24/7/1945, ba tuần trước khi chiến tranh kết thúc nhưng chưa bao giờ được hạ thủy.

Hầm chứa máy bay của tàu ngầm I-400.

Mỗi chiếc tàu ngầm được trang bị bốn động cơ điêzen công suất 1.680kW (2.250 mã lực) và mang đủ nhiên liệu để đi một vòng rưỡi quanh Trái Đất, nhiều hơn cần thiết để có thể đến được nước Mỹ dù ở bờ Đông hay bờ Tây. Tàu dài tổng cộng 120 mét, trọng lượng rẽ nước 5.900 tấn, gấp hơn hai lần so với các tàu ngầm thông thường của Mỹ lúc bấy giờ. Thân tàu cứng có một bộ phận độc nhất hình số 8 có thể tạo sự ổn định và độ bền cần thiết để chịu sức nặng của một khoang chứa máy bay khổng lồ trên tàu. Để xếp máy bay nằm dọc đường tâm của tàu, buồng chỉ huy được chuyển tới cửa tàu.

Khoang chứa máy bay chống thấm nước hình trụ nằm khoảng giữa tàu thuộc boong trước, cao 31 mét và có đường kính 3,5 mét. Cửa vào có thể được mở từ bên trong bằng hệ thống thủy lực hay mở từ bên ngoài bằng cách xoay một tay quay lớn được kết nối với một hệ thống thanh răng và bánh răng trụ tròn. Cánh cửa này được thiết kế để chống thấm nước với một lớp đệm cao su dày 51mm.

Trên nóc khoang chứa máy bay được trang bị ba khẩu trung liên phòng không ba nòng 25 li Kiểu 96 chống nước, trong đó hai khẩu ở phía sau bánh lái và một khẩu ở phía trước. Một khẩu 25 li nòng đơn được đặt trên bệ cao nằm ngay sau đài chỉ huy. Ngoài ra, một khẩu 140 li Kiểu 11 cũng được đặt ở phía sau khoang máy bay, có tầm bắn 15.000 m. Tám ống phóng ngư lôi được gắn vào vòm, bốn ống phía trên và bốn ống phía dưới.

Nằm trong một khoang mở thuộc phần mạn trái phía trước tàu, ngay dưới bong trước, là một chiếc cần cẩu gập dùng để cẩu thủy phi cơ Seiran lên tàu. Cần cẩu này có cần trục vận hành bằng hệ thống điện tử và có thể nâng khoảng 4,5 tấn lên độ cao 8 mét nhờ một động cơ trong tàu và có thể vươn xa 11,8 mét. Các tàu ngầm I-400 được lắp đặt một hệ thống cân bằng đặc biệt cho phép chúng lặn và đứng yên trong khi đợi máy bay trở về. Tuy nhiên, hệ thống này hoạt động ồn và bị hoài nghi về tính hiệu quả. Hai mạn tàu được lắp hai hệ thống dây cáp khử từ song song, chạy dọc từ phần đuôi tàu đến mũi tàu nhằm khử tĩnh điện, thường tích tụ khi thân tàu trượt xuống nước và làm hỏng dần lớp thép trên vỏ tàu.

Các thiết bị điện tử trên các tàu I-400 gồm một rađa phòng không Mark 3 Model 1 trang bị hai ăngten riêng biệt. Thiết bị này có thể phát hiện máy bay ở phạm vi 80 km, mặc dù các nhà vận hành Nhật Bản sau đó thừa nhận những máy bay bay trong tầm của rađa cũng có thể không bị phát hiện. Tàu cũng được trang bị các bộ rađa đối không/đối đất Mark 2 Model 2 với những chiếc ăngten hình sừng đặc biệt và thiết bị phát hiện sóng rađa kết nối với một ăngten đẳng hướng và một ăngten phi định hướng cố định. Ngoài ra, các tàu cũng trang bị hai kính tiềm vọng do Đức sản xuất, dài khoảng 12,2 mét. Một dùng cho buổi đêm và một dùng vào ban ngày.

Tháng 5/1945, tàu I-401 được được lắp đặt hệ thống thông hơi do Đức cung cấp. Đây là thiết bị hút không khí bằng thủy lực cho phép tàu vận hành các động cơ điêzen và sạc lại pin trong khi vẫn ở độ sâu quan sát bằng kính tiềm vọng. Quá trình này diễn ra tại Kure khi tàu I-401 được sửa chữa sau khi bị hư hỏng vì dính thủy lôi của Mỹ.

Chiếc tàu I-402 được hoàn thành ngay trước khi chiến tranh kết thúc, nhưng trong quá trình đóng đã được chuyển đổi thành tàu chở dầu và không bao giờ được trang bị máy bay.

Huy Lê (Tổng hợp)

>> Đón đọc kỳ II: Kế hoạch tấn công kênh đào Panama