03:16 05/03/2012

Hy vọng mới cho đàm phán sáu bên

Thỏa thuận vừa đạt được giữa Mỹ và Triều Tiên đã và đang nhận được sự hoan nghênh rộng rãi của cộng đồng quốc tế và được coi là bước tiến cơ bản mở ra cơ hội nối lại đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sau ba năm bị gián đoạn.

Thỏa thuận vừa đạt được giữa Mỹ và Triều Tiên đã và đang nhận được sự hoan nghênh rộng rãi của cộng đồng quốc tế và được coi là bước tiến cơ bản mở ra cơ hội nối lại đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sau ba năm bị gián đoạn. Động thái trên cũng góp phần quan trọng làm hạ nhiệt bầu không khí vốn rất “nóng bỏng” trong thời gian qua trên bán đảo Triều Tiên.


Trong các tuyên bố riêng rẽ ngày 29/2, cả Mỹ và Triều Tiên đều khẳng định rằng Bình Nhưỡng sẽ tạm thời ngừng chương trình làm giàu urani ở cơ sở hạt nhân Yongbyon, không tiến hành thử hạt nhân và tên lửa tầm xa, sẵn sàng cho phép các thanh sát viên Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trở lại . Đổi lại, Oasinhtơn sẽ trợ giúp 240.000 tấn lương thực cho người dân Triều Tiên. Lịch trình cụ thể sẽ do hai bên thảo luận và ấn định trong thời gian tới.


Theo các nhà phân tích, cả Mỹ và Triều Tiên đều đã có sự cân nhắc đến lợi ích chính trị ở trong nước trước khi đi đến thỏa thuận trên. Triều Tiên hiện đang rất cần sự hỗ trợ cả về kinh tế và chính trị từ phía Mỹ để củng cố quyền lực của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un. Trong khi đó, Oasinhtơn cũng không muốn vấn đề Triều Tiên trở nên căng thẳng vào thời điểm chính trường nước này trở nên nóng bỏng với cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm nay. 



Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-Un trong một buổi thị sát nhà máy sản xuất đạn súng thể thao ở Bình Nhưỡng, ngày 24/2. Ảnh: AFP/TTXVN



Rõ ràng, thỏa thuận trên là một bước nhượng bộ lớn của Triều Tiên. Dư luận quốc tế nhìn nhận đó là một sự thay đổi và là bước đi đúng hướng. Điều đó cũng cho thấy một thực tế là tình hình Triều Tiên vẫn khá ổn định sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-il qua đời và lập trường của Bình Nhưỡng trong vấn đề hạt nhân đã mềm mỏng hơn. Nhà nghiên cứu Ted Carpenter ở Viện Cato tại Oasinhtơn cho rằng giới lãnh đạo mới của Triều Tiên đang thể hiện thiện chí sẵn sàng linh hoạt hơn và quan điểm như vậy có thể giúp làm hạ nhiệt bán đảo Triều Tiên. Giáo sư Chi Hee-gwan của Đại học Inje (Hàn Quốc) cũng nhận định rằng thỏa thuận Mỹ - Triều là bước tiến tích cực cho tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Với việc tiến trình giải giáp hạt nhân bị đình trệ trong suốt hai năm qua, thì thỏa thuận trên thực sự là một sự thay đổi lớn.


Có thể xem việc Bình Nhưỡng đồng ý ngồi vào bàn đàm phán với Oasinhtơn và việc hai bên đạt được thỏa thuận mang tính đột phá là động thái ngoại giao đầu tiên của Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un. Những tuyên bố tích cực từ cả hai bên đang được chờ đợi sẽ là luồng sinh khí mới giúp “hồi sinh” tiến trình đàm phán sáu bên, vốn đình trệ từ tháng 4/2009.


Với bầu không khí đối thoại được hình thành từ thỏa thuận Mỹ - Triều, một số nhà quan sát lạc quan cho rằng đàm phán sáu bên có thể sẽ được nối lại ngay trong nửa đầu năm 2012. Thậm chí, chuyên gia Kim Young-soo của Hàn Quốc còn nhận định rằng trong nửa đầu năm nay có thể diễn ra từ 1-2 phiên đàm phán. Tuy nhiên, các bên sẽ phải mất nhiều thời gian hơn nữa để có thể ngồi lại với nhau và có được các quyết định cụ thể.


Kể từ khi được khởi động hồi tháng 8/2003, đàm phán sáu bên (gồm Triều Tiên, Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc) đầy ắp những văn kiện nhấn mạnh nghĩa vụ tương ứng của mỗi bên để cuối cùng đi tới một giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Thế nhưng, sự gián đoạn gần 3 năm qua của tiến trình đàm phán cho thấy giá trị thực sự của những văn kiện đó chỉ có được khi tất cả các bên đều nỗ lực và nghiêm túc thực hiện các cam kết của mình. Đặc biệt, Mỹ và Triều Tiên cần có những bước đi cụ thể để giảm thái độ thù địch và tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau. Và trước mắt , Mỹ có lẽ cần hạn chế phô diễn sức mạnh quân sự của họ thông qua các cuộc tập trận xung quanh bán đảo Triều Tiên để không làm khu vực nóng trở lại.


Dư luận hy vọng tuyên bố tạm ngừng làm giàu urani của Bình Nhưỡng và khoản viện trợ lương thực của Oasinhtơn có thể tạo tiền đề cho những đàm phán sâu rộng hơn, không chỉ song phương mà còn với cả các bên liên quan. Khi cánh cửa ở cơ sở hạt nhân Yongbyon tạm đóng, cũng là lúc cánh cửa đàm phán mở ra. Dẫu biết rằng cho dù đàm phán sáu bên có được tái khởi động thì cũng không có nghĩa là đã tìm được giải pháp cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, song không thể phủ nhận rằng động thái mới trong quan hệ song phương Mỹ - Triều đang thắp lên những tia hy vọng mới .


Trung Sơn