06:19 20/06/2020

Hy vọng cho người tị nạn

Hiện trên thế giới có gần 80 triệu người phải rời bỏ nhà cửa do xung đột, bạo lực và bị ngược đãi, tăng gần gấp đôi trong vòng 10 năm. Đối với những người này, một mái nhà, một vùng đất quê hương, một nơi chốn trở về vẫn là những giấc mơ và hy vọng ngóng chờ từng ngày.

Chú thích ảnh
Người di cư Trung Mỹ từ Guatemala vượt sông Suchiate vào Mexico ngày 20/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Bảy năm trước, Dharamveer Solanki, một tín đồ theo đạo Hindu, đã rời nhà ở thành phố Hyderabad tại Pakistan để sang Ấn Độ với mong muốn trở thành công dân nước này. Hiện Solanski sống trong một khu tập trung người tị nạn ở ngoại ô New Delhi, cùng hàng trăm người Pakistan theo Ấn Độ giáo, những người đã lựa chọn rời khỏi Pakistan nơi đa số dân theo Hồi giáo.

Quyết định rời khỏi đất nước của những người như Solanki bắt nguồn từ một đạo luật mà Chính phủ Ấn Độ đưa ra vào cuối năm ngoái, theo đó tạo điều kiện cấp quyền công dân cho người thuộc 6 tôn giáo thiểu số từ Afghanistan, Bangladesh và Pakistan di cư đến Ấn Độ từ trước năm 2015. Trong nhiều năm, cam kết về việc cung cấp nơi ăn chốn ở cho các tín đồ đạo Hindu đã thu hút ngày càng nhiều người đổ về Ấn Độ. Trong 15 tháng tính đến tháng 3/2019, Bộ Nội vụ Ấn Độ đã xử lý 16.121 đơn xin thị thực dài hạn từ các công dân Pakistan. Trong những năm trước đó, số lượng thị thực được cấp đã tăng từ hàng trăm đến hàng nghìn.

Dòng người di cư hiện đã tạm thời dừng lại do biên giới phải đóng cửa để kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Solanki vẫn đang chờ chính quyền Ấn Độ cấp quyền công dân, vì quá trình này cũng bị trì hoãn do sự bùng phát của đại dịch COVID-19. Trong thời gian chờ đợi, anh sống tại một khu định cư ở rìa phía Bắc thủ đô New Delhi. Nơi này là một cụm các túp lều dựng từ xi măng, gạch và gỗ, không có điện hay nước, nằm bên lề một con đường đông đúc. Khoảng 600 người sống ở đây, phần đông kiếm sống bằng cách bán hàng rong, hoặc như Solanki, đi làm thuê. Cách đó vài cây số, một khu định cư mới hơn nằm trong rừng, bên dưới một đường cao tốc cầu vượt gọi là Signature Bridge. Hàng trăm người sống ở đây, trong những túp lều bằng gỗ, không có điện, nước. Solanki không biết về Ngày Người tị nạn thế giới mà Liên hợp quốc (LHQ) đặt ra, nhưng khi biết ngày này sẽ diễn ra trên toàn thế giới vào ngày 20/6, anh chia sẻ mong muốn: “Luật quốc tịch đã được thông qua. Chúng tôi nên sớm có được đất đai và lợi ích như những công dân của một đất nước”.

Trong khi đó, tại Dải Gaza, vào Ngày Người tị nạn thế giới, Marwan Kuwaik, một người Palestine 70 tuổi, sẽ vẫn dành cả ngày để lang thang trên các khu phố, kiếm sống bằng nghề bán hàng rong. Ở Gaza, Kuwaik kiếm được khoảng 30 shekels (8,50 USD) mỗi ngày. Ông là một trong số 1,4 triệu người Palestine tị nạn được LHQ xác nhận tại vùng đất nghèo đói và đông đúc này, nơi nền kinh tế nhiều năm không thể khởi sắc do bị phong tỏa. “Tôi nuôi sống gia đình 15 người của tôi bằng công việc này trong suốt 40 năm qua, ngay cả trong các cuộc chiến tranh, áp đặt lệnh giới nghiêm và đóng cửa”, ông Kuwaik cho biết.

Cha mẹ của ông Kuwaik là một trong số hàng trăm nghìn người Palestine đã bỏ trốn hoặc bị buộc rời khỏi nhà của họ ở vùng đất ngày nay thuộc Israel trong cuộc chiến năm 1948. Ông được sinh ra 2 năm sau đó ở Gaza và sống ở khu định cư người tị nạn từ đó đến nay. Khi được hỏi về Ngày Người tị nạn thế giới, ông Kuwaik cho biết: “Hiện tại chúng tôi vẫn không có giải pháp. Tình hình tồi tệ nhưng chúng tôi vẫn còn hy vọng”.

Anh Solanki và ông Kuwaik không phải là những người duy nhất đang phải sống trong cảnh tạm bợ và hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn sẽ sớm đến. Theo một báo cáo mới do Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) công bố, tính đến cuối năm 2019 trên toàn cầu đã có 79,5 triệu người phải sống trong các trại tị nạn, chờ đợi xin quy chế tị nạn hoặc phải rời bỏ nhà cửa và di chuyển đến nơi khác trong nước. Đây được xem là một con số kỷ lục và tăng gần 9 triệu người so với một năm trước đó. Cụ thể, gần 46 triệu người trong số trên phải rời bỏ nhà cửa và di chuyển đến nơi khác trong nước, 29 triệu người đã vượt biên ra nước ngoài tị nạn, trong khi 4,2 triệu người đã xin tị nạn tại một quốc gia khác. Cũng theo báo trên, trong năm 2019 đã có thêm 11 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, chủ yếu tại những nước và khu vực có xung đột, trong đó có Syria.

Theo người đứng đầu UNHCR, ông Filippo Grandi, 1% dân số thế giới đã không thể trở về nơi ở của họ do chiến tranh, tình trạng ngược đãi, vi phạm quyền con người và những hành động bạo lực khác. Xu hướng này bắt đầu diễn ra từ năm 2012, và điều này có nghĩa là càng có nhiều xung đột thì càng có nhiều hành động bạo lực khiến nhiều người phải rời bỏ nhà cửa. Điều này đồng nghĩa tạo ra sức ép và gánh nặng to lớn đối với các nước phải tiếp nhận người tị nạn. Ông Grandi nhấn mạnh sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế và việc có được các nguồn lực để giúp các nước thoát khỏi khủng hoảng và tái thiết sẽ giúp thế giới giải quyết gần như triệt để vấn đề người tị nạn.

Hiện nay, vấn đề người tị nạn và nhập cư không chỉ là thách thức của riêng mỗi quốc gia mà đã trở thành cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu. Cuộc khủng khoảng nhập cư làm chao đảo châu Âu suốt mấy năm qua đã tạm lắng xuống với số người di cư, tị nạn tới châu Âu bằng đường biển trong năm 2018 giảm rõ rệt, còn hơn 113.000 người, so với hơn 168.000 người năm 2017 và hơn 359.000 người năm 2016.

Tuy nhiên, sóng ngầm di cư vẫn đang diễn ra khi số người chết do cố gắng thâm nhập vào Liên minh châu Âu (EU) bằng đường biển vẫn tăng mạnh. Đây vẫn đang là thách thức lớn nhất với EU trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy đang gia tăng và ngày càng nhiều chính trị gia theo đuổi chủ trương bài người nhập cư.          

Giải pháp bền vững và toàn diện cho vấn đề người tị nạn vẫn là tập trung vào ngăn ngừa và giải quyết xung đột bằng con đường chính trị, củng cố môi trường hòa bình, an ninh toàn cầu. Tuy nhiên, người đứng đầu UNHCR, ông Filippo Grandi lo ngại trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang còn quá nhiều chia rẽ và việc thiết lập hòa bình quá khó thực hiện như hiện nay, dòng người phải tìm kiếm tị nạn  vào năm tới thậm chí sẽ còn tăng mạnh hơn năm nay. Với chủ đề “Mọi hành động đều có ý nghĩa”, Ngày Người tị nạn thế giới 20/6 năm nay muốn nhắc nhở thế giới rằng mọi người, kể cả người tị nạn, có thể hợp tác để hướng tới cách tiếp cận và giải pháp tổng thể cho vấn đề người tị nạn.

Minh Ngọc (TTXVN)