05:18 04/05/2018

Hy vọng cho một nền hòa bình, thống nhất

Bảy thập kỷ bị chia cắt và 65 năm sau thỏa thuận đình chiến, người dân trên Bán đảo Triều Tiên vẫn đang phải đối mặt với nhiều sự nguy hiểm và cay đắng.

Chính vì thế khoảnh khắc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bước qua đường ranh giới tại Làng đình chiến Panmunjom và được chào đón nồng ấm bởi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 27/4 vừa qua, đã trở thành một khoảnh khắc lịch sử, mang tính biểu tượng cho niềm hy vọng về một nền hòa bình và thống nhất của người dân trên Bán đảo Triều Tiên. 

“Tôi không thể kìm nước mắt. Thật tuyệt vời, đó là khoảnh khắc vĩ đại trong cả cuộc đời tôi”, mục sư Chankuk Kim đã thốt lên như thế khi nói về sự kiện trên. Vợ chồng ông Kim sống tại Hàn Quốc, nhưng bố mẹ hai bên lại đang sống ở Triều Tiên. “Bạn bè chúng tôi thường nói chuyện với nhau, liệu ‘thống nhất’ có thực sự xảy ra trong đời chúng tôi không. Tôi không nghĩ thế, có thể trong đời con cháu chúng tôi, Bắc – Nam sẽ thực sự gặp nhau và sẽ hòa bình”, ông nói. 

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba vừa qua rõ ràng là kỳ họp thượng đỉnh ấn tượng nhất, mở ra những tia nhìn lạc quan nhất cho một nền hòa bình và thống nhất lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên. Tại Panmunjom, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí ngừng tất cả các hành động thù địch và tiến tới ký Hiệp ước hòa bình trong năm nay nhằm thiết lập nền hòa bình lâu dài trên bán đảo; khẳng định mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo; tổ chức đoàn tụ gia đình ly tán trong chiến tranh cũng như cùng thực hiện một loạt dự án hợp tác nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cân bằng và thịnh vượng. 

Trong 3 nội dung chính được thống nhất tại Panmunjom, có thể thấy xu thế hòa giải và cải thiện quan hệ liên Triều có cơ hội cao được thực hiện. Trong khi đó, cam kết về việc thực hiện phi hạt nhân hóa được nhận định sẽ là một tiến trình gian nan. Đây không phải là câu chuyện của riêng hai miền Triều Tiên, mà nó liên quan đến nhiều nước khác, trong đó có Mỹ - quốc gia đảm bảo “chiếc ô hạt nhân” cho Hàn Quốc. Phi hạt nhân hóa luôn là mục tiêu đặt ra trong các nỗ lực ngoại giao quốc tế đa phương từ trước đến nay, mà trọng tâm là các cuộc đàm phán 6 bên vốn đã đổ vỡ gần 10 năm trước. Vì thế, việc cụ thể hóa mục tiêu này sẽ là nhiệm vụ chính của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới. Đây sẽ là phép thử trên con đường hướng tới một tiến trình ngoại giao cho cuộc khủng hoảng hạt nhân và vẽ lại bản đồ địa chính trị đã bị đóng băng kể từ sau chiến tranh Triều Tiên.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từ khi vận động tranh cử đã coi cải thiện quan hệ với Triều Tiên là hòn đá tảng trong chính sách ngoại giao của ông, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng đã có những cử chỉ, cam kết đầy thiện chí. Ông Donald Trump thì đang khao khát sẽ trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên chắp nối hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Vì vậy, nhiều hy vọng đang đặt vào cuộc gặp đối mặt lần đầu tiên trong lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều, tiếp đó là cuộc gặp thượng đỉnh ba bên Mỹ-Hàn-Triều, và thượng đỉnh liên Triều lần thứ tư tại Bình Nhưỡng vào mùa thu.

Tất nhiên, sau hơn 70 năm chia rẽ, việc hàn gắn sẽ khó có thể diễn ra một cách nhanh chóng và dễ dàng. Người dân bán đảo Triều Tiên có thể sẽ phải mất hàng chục năm nữa để chứng kiến đất nước thống nhất. Nhưng sự thành công của hội nghị thượng đỉnh liên Triều có thể dẫn tới những bước tiến triển thực sự trên con đường chấm dứt quân sự hóa trên bán đảo, mở đường cho xây dựng mối quan hệ mới giữa hai miền, qua đó cải thiện an ninh và ổn định ở khu vực Đông Á. Từ đây, người dân bán đảo Triều Tiên hoàn toàn có thể hy vọng về một con đường hoà bình do chính họ tạo ra, chứ không phải do bất cứ siêu cường nào.

Thu Hằng