08:06 06/08/2012

Hy Lạp tạm thời được giải nguy

Ngày 5/8, Hy Lạp đã có cuộc họp với bộ ba nhà tài trợ quốc tế là Liên minh châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế về kế hoạch cắt giảm ngân sách thêm 11,5 tỷ euro trong 2 năm tới để được hưởng khoản cứu trợ mới trị giá 31,5 tỷ euro vào tháng 9 tới.

Ngày 5/8, Hy Lạp đã có cuộc họp với bộ ba nhà tài trợ quốc tế là Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về kế hoạch cắt giảm ngân sách thêm 11,5 tỷ euro trong 2 năm tới để được hưởng khoản cứu trợ mới trị giá 31,5 tỷ euro (39 tỷ USD) vào tháng 9 tới.


Trước thềm cuộc họp này, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yannis Stournaras đã nhắc lại cam kết chính phủ mới sẽ thực hiện những biện pháp cải cách cần thiết để vực dậy nền kinh tế, đẩy lùi nguy cơ phá sản. Ông Stournaras cũng cảnh báo rằng, vài tuần sắp tới là khoảng thời gian có ý nghĩa sống còn đối với Hy Lạp khi EU, ECB và IMF cân nhắc quyết định về khoản cứu trợ mới. “Nếu chúng ta đi sai đường, chúng ta sẽ phải rời khỏi Eurozone và rơi vào tình trạng phá sản”.


Kết quả cuộc họp không được công bố, song hãng tin Pháp AFP dẫn lời quan chức IMF Poul Thomsen cho biết: “Chúng tôi đã đạt được tiến bộ đáng khích lệ”.


Đây có thể xem là một tin tốt lành đối với Hy Lạp vốn đang bị xem là mắt xích yếu nhất trong số 17 nước thành viên Eurozone. Trước đó, Hy Lạp đã được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cứu thoát khỏi cảnh phá sản khi đồng ý bảo lãnh để Hy Lạp có thể vay 4 tỷ euro khẩn cấp. Biện pháp này giúp Hy Lạp huy động được 7 tỷ euro cần thiết, trong đó 3 tỷ euro được Ngân hàng Trung ương Hy Lạp bảo lãnh và 4 tỷ còn lại do ECB bảo đảm.


Trong khi đó, theo AFP, ECB đã tiến thêm một bước mới khi ám chỉ rằng ngân hàng này có thể bắt đầu mua trái phiếu không giới hạn của các nước thành viên bị khủng hoảng nợ công. Mục tiêu là để giảm chi phí đi vay của các nước này, góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone.


Trong cuộc họp hôm 2/8, Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết ECB có thể can thiệp trực tiếp vào thị trường trái phiếu theo chương trình thị trường chứng khoán SMP để giúp các nước thành viên gặp khó khăn. ECB cũng có thể cân nhắc thêm các biện pháp để xoa dịu thị trường trong bối cảnh chi phí đi vay của Italia và Tây Ban Nha đã gần chạm mức của Hy Lạp, Ailen và Bồ Đào Nha khi các nước này phải viện đến cứu trợ quốc tế. Trước đó, theo chương trình SMP, bắt đầu từ tháng 5/2010 và bị ngừng cách đây 4 tháng, ECB chỉ mua trái phiếu quốc gia ở mức hạn chế cả về thời gian và số lượng.


Ông Christian Schulz thuộc Ngân hàng Berenberg nhận định, ECB cuối cùng đã thực hiện được một bước có ý nghĩa, giúp loại bỏ nhiều khó khăn trước mắt. Ông cho rằng động thái của ECB có thể kéo các nhà đầu tư quay trở lại với thị trường trái phiếu chính phủ.


Thùy Dương