11:00 09/11/2011

Hy Lạp sắp có chính phủ mới

Trong ngày đàm phán thứ hai 8/11 (giờ VN), hai chính đảng lớn nhất Hy Lạp đã tiến gần đến thỏa thuận về người đứng đầu chính phủ liên minh đoàn kết dân tộc được kỳ vọng sẽ đưa “đất nước của những vị thần” thoát khỏi nguy cơ phá sản.

Trong ngày đàm phán thứ hai 8/11 (giờ VN), hai chính đảng lớn nhất Hy Lạp đã tiến gần đến thỏa thuận về người đứng đầu chính phủ liên minh đoàn kết dân tộc được kỳ vọng sẽ đưa “đất nước của những vị thần” thoát khỏi nguy cơ phá sản.

Phóng viên báo chí Hy Lạp và nước ngoài vây bên ngoài nơi diễn ra cuộc thương lượng giữa hai chính đảng lớn của Hy Lạp.

Cùng ngày, đương kim Thủ tướng George Papandreou đã triệu tập một cuộc họp nội các khẩn cấp. Kênh truyền hình quốc gia NET cho biết, tại cuộc họp này, ông Pepandreou đã đề nghị các thành viên trong nội các của mình từ chức để tạo điều kiện cho việc thành lập chính phủ liên minh đoàn kết dân tộc.

Danh tính của tân thủ tướng dự kiến được công bố vào ngày 9/11 (giờ VN) cùng các thành viên khác của nội các sau khi kết thúc thương lượng giữa Thủ tướng Papandreou và lãnh đạo phe đối lập chính Antonis Samaras.

Giới truyền thông Hy Lạp nhận định, nhân vật gần như chắc chắn sẽ ngồi vào ghế thủ tướng là cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ông Lucas Papademos. Là giáo sư kinh tế tốt nghiệp Đại học Harvard (Mỹ), nhà kỹ trị này giành được sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế nhờ những kinh nghiệm về tài chính mà ông tích lũy được trong thời gian là “cánh tay phải” cho Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet. Tuy nhiên, hãng tin Pháp AFP cho biết, ông Papademos lại muốn kéo dài nhiệm kỳ của chính phủ liên minh mới đến sau ngày 19/2/2012, thời điểm dự kiến diễn ra cuộc bầu cử trước thời hạn, đồng thời đề nghị các thành viên của đảng Dân chủ bảo thủ tham gia nội các mới, kế hoạch mà cho đến nay vẫn bị phe đối lập phản đối.
Theo AFP, bên cạnh ông Papademos còn có 2 ứng cử viên khác là thanh tra viên châu Âu Nikiforos Diamantouros và cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Panagiotis Roumeliotis.

Trong khi đó, tại cuộc họp ngày 8/11 (giờ VN) ở Brúcxen (Bỉ), các bộ trưởng tài chính Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã kêu gọi chính phủ liên minh mới tại Hy Lạp thông qua "bằng văn bản" các điều khoản mà nước này cam kết để được nhận khoản giải ngân tiếp theo vào cuối tháng 11này. Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone, Jean-Claude Juncker, nêu rõ: "Chúng tôi yêu cầu Aten gửi cho chúng tôi một văn bản có chữ ký của cả hai đảng tham gia chính phủ liên minh mới của Hy Lạp, trong đó tái khẳng định cam kết thực thi các cải cách, theo các điều khoản của hai kế hoạch giải cứu mà cộng đồng quốc tế đã dành cho Hy Lạp".

lLiên quan đến cuộc khủng hoảng nợ đang làm chao đảo Eurozone, Tây Ban Nha đang ngày càng gia tăng nguy cơ rơi vào suy thoái.

Ngày 8/11, Ngân hàng Tây Ban Nha BBVA cho biết, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm chạp đã tác động tiêu cực đến sức tăng trưởng yếu ớt của nền kinh tế Tây Ban Nha. Sau khi đạt tỉ lệ tăng trưởng thấp 0,4% và 0,2% trong quý I và II/2011. nền kinh tế Tây Ban Nha đã “dậm chân tại chỗ” trong quý III. Theo dự báo của nhiều tổ chức tài chính uy tín như Golsman Sach và Natixis, nền kinh tế này sẽ đạt mức tăng trưởng âm trong quý IV năm nay và quý I/2012. Với việc hai quý liên tiếp sụt giảm, nền kinh tế Tây Ban Nha sẽ rơi vào suy thoái.

Trong khi đó, giới lãnh đạo châu Âu đang rất lo ngại khả năng Italia trở thành nạn nhân tiếp theo của nợ công.

Ngày 8/11, Thủ tướng Phần Lan Jyrki Katainen đã cảnh báo, khoản nợ của Italia lớn đến mức Eurozone dù muốn cũng không đủ khả năng giải cứu. Thủ tướng Phần Lan đề nghị chính phủ Italia thay những lời hứa suông bằng những hành động kiên quyết và nhanh chóng, nếu Rôma muốn tự cứu mình.
Ủy ban châu Âu (EC) cùng ngày đã hối thúc Rôma cam kết cắt giảm thâm hụt ngân sách và cho biết sẽ cử một đoàn chuyên gia tới Italia trong tuần này để đánh giá xem liệu chính phủ của Thủ tướng Silvio Berlusconi có tuân thủ các biện pháp đã cam kết nhằm giảm gánh nặng nợ hiện nay hay không.
Hiện chi phí đi vay đối với Italia, nền kinh tế lớn thứ ba châu Âu, đã vọt lên mức cao nhất kể từ khi đồng euro ra đời năm 1999.

Minh Dương (tổng hợp)