11:00 04/11/2011

Hy Lạp "hun nóng" Hội nghị G20

Ngày 3/11, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã khai mạc tại thành phố Cannes (Pháp) với “món khai vị” nóng bỏng là cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp.

Ngày 3/11, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã khai mạc tại thành phố Cannes (Pháp) với “món khai vị” nóng bỏng là cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp. Diễn ra trong bối cảnh Khu vực đồng euro (Eurozone) đang hỗn loạn vì khủng hoảng nợ công, Hội nghị G20 được kỳ vọng sẽ tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ châu Âu cũng như chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Thủ tướng Đức A. Merkel (trái) và Tổng thống Pháp N. Sarkozy tại cuộc họp báo sau cuộc họp về tình hình Hy Lạp ở Cannes ngày 3/11. Ảnh: AFP/ TTXVN


Ngay trước thềm hội nghị, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc gặp thượng đỉnh khuôn khổ hẹp bàn về tình hình Hy Lạp, với sự tham gia của Chủ tịch thường trực Liên minh châu Âu (EU) Herman van Rompuy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso, người đứng đầu Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone Jean-Claude Juncker, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde và Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou.

Hai ngày trước, Thủ tướng Papandreou đã bất ngờ đưa ra quyết định trưng cầu ý dân về thỏa thuận cứu trợ mới của EU dành cho Hy Lạp, làm rúng động cả Eurozone. Theo đánh giá của giới phân tích, cuộc trưng cầu ý dân, dự kiến diễn ra ngày 4/12 tới, cũng có thể xem là cuộc bỏ phiếu về tương lai của Eurozone. Việc người dân Hy Lạp nói “Không” với thỏa thuận cứu trợ mới không chỉ đồng nghĩa với việc Hy Lạp phải ra khỏi Eurozone mà còn là việc Eurozone có nguy cơ bị tan rã.

Tại cuộc họp ngày 3/11, cả Tổng thống Sarkozy và Thủ tướng Merkel đều khẳng định rằng EU sẽ giúp Hy Lạp thoát khỏi “đầm lầy” nợ công, nhưng với điều kiện nước này phải tôn trọng những cam kết đã đưa ra. Tổng thống Sarkozy nói: "Chúng tôi quyết tâm cứu Hy Lạp nhưng Hy Lạp phải thực hiện những cam kết của họ… Chúng tôi muốn Hy Lạp tiếp tục ở trong Eurozone nhưng điều đó tùy thuộc vào quyết định của người Hy Lạp".

Tổng thống Sarkozy và Thủ tướng Merkel đã cảnh báo Thủ tướng Papandreou rằng, Hy Lạp sẽ không nhận được “dù chỉ là một xu” trong khoản cứu trợ tiếp theo trị giá 8 tỷ euro (11 tỷ USD) của EU và IMF nếu ông này không “giành chiến thắng” trong cuộc trưng cầu ý dân.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cũng khẳng định, IMF sẽ chỉ đưa ra quyết định về việc giải ngân khoản cứu trợ thứ 6 nói trên sau cuộc trưng cầu ý dân của Hy Lạp.

Trước sức ép trên và cả sự phản đối trong nội bộ đảng Pasok của mình, Thủ tướng Papandreou đã phải xuống nước trong quyết định tổ chức trưng cầu ý dân. Tối 3/11, Văn phòng Thủ tướng Hy Lạp đã ra tuyên bố cho biết, Thủ tướng Papandreou sẵn sàng từ bỏ cuộc trưng cầu ý dân về thỏa thuận cứu trợ mới của EU, bởi cuộc trưng cầu ý dân này không phải là lời giải cuối cùng cho vấn đề của Hy Lạp. Hơn nữa, cũng trong ngày 3/11, đảng đối lập Dân chủ Mới đã tuyên bố ủng hộ thỏa thuận cứu trợ mới của EU dành cho Hy Lạp.

Về cuộc khủng hoảng nợ công đang có nguy cơ “nhấn chìm” của Eurozone, Tổng thống Sarkozy của Pháp, nước đang đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên G20, hy vọng hội nghị lần này sẽ tìm ra “thuốc giải” cho cuộc khủng hoảng này, ngăn chặn tác động xấu của nó tới sự ổn định của nền kinh tế thế giới. Ông Sarkozy cũng như các nhà lãnh đạo châu Âu rất hy vọng, các nền kinh tế mới nổi như nhóm BRICS (gồm Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) sẽ tham gia giải cứu Eurozone, mà trước hết là tham gia tăng quy mô Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) lên 1.000 tỷ USD.

Trước giờ khai mạc Hội nghị G20, lãnh đạo các nước nhóm BRICS đã nhóm họp và nhất trí rằng, họ sẽ giúp Eurozone vượt qua khủng hoảng để tránh nguy cơ nền kinh tế thế giới rơi vào một cuộc suy thoái mới, nhưng với điều kiện EU phải đảm bảo rằng cơ chế giải quyết khủng hoảng của mình hoạt động hiệu quả. Một quan chức Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã tiết lộ với tờ Le Figaro (Pháp) rằng, Bắc Kinh có thể “rót” cho Eurozone 100 tỷ USD.

* Ngày 3/11, để xoa dịu mối lo về nợ công châu Âu của các thị trường tài chính thế giới, ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bất ngờ quyết định giảm lãi suất chủ chốt từ 1,5% xuống còn 1,25% tại cuộc họp dưới sự chủ trì lần đầu tiên của tân Chủ tịch Mario Draghi, vừa nhậm chức ngày 1/11.

Dương Anh