02:18 04/02/2015

Hy Lạp dùng đòn bẩy Nga đàm phán với chủ nợ

Chính phủ Hy Lạp đã có những động thái mang tính biểu tượng, thể hiện mối quan hệ tốt đẹp với Nga, đối đầu với Đức. Những bước đi này là một phần trong chiến lược của Athens trong các cuộc đàm phán sắp tới với các chủ nợ nhằm giảm bớt hoặc xóa nợ cho nước này.

Trong tuần đầu tiên lên nắm quyền, chính phủ Hy Lạp đã có những động thái mang tính biểu tượng, thể hiện mối quan hệ tốt đẹp với Nga, đối đầu với Đức. Những bước đi này là một phần trong chiến lược của Athens trong các cuộc đàm phán sắp tới với các chủ nợ nhằm giảm bớt hoặc xóa nợ cho nước này.

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis (phải) và Chủ tịch Nhóm Eurozone Jeroen Dijsselbloem trong cuộc gặp tại Athens ngày 30/1.


Athens hiểu rằng các cuộc đàm phán sẽ rất khó khăn vì hầu hết chính phủ và các thể chế trong Liên minh châu Âu (EU) phản đối xóa thêm nợ cho Hy Lạp. Hiểu được điều này, Hy Lạp đang tìm cách sử dụng càng nhiều đòn bẩy càng tốt để đàm phán, trong đó có việc thể hiện mối quan hệ tốt đẹp với Nga, điều mà EU không mong muốn đối với Athens. Ngoài ra, việc giữ mối quan hệ tốt đẹp với Moskva cũng đóng vai trò quan trọng với Athens nếu không may bị buộc phải rời khỏi Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Athens và Moskva vốn đã có quan hệ khá mạnh mẽ vì người dân 2 nước cùng theo đạo Cơ đốc Orthodox. Hy Lạp, như nhiều nước vùng Balkan, có mối quan hệ lịch sử gắn bó với Nga do sự ủng hộ của Nga hoàng chống lại Đế chế Ottoman vào thế kỷ 19. Hy Lạp và Nga vẫn có cùng quan điểm chính trị trong nhiều vấn đề, bao gồm việc Moskva ủng hộ Athens trong cuộc xung đột đảo Cyprus còn Athens ủng hộ quan điểm của Nga ở Kosovo. Ngoài ra, khoảng hơn 1 triệu du khách Nga thăm Hy Lạp mỗi năm. Hy Lạp có lợi ích chiến lược trong việc giữ mối quan hệ thân thiện với Nga. Hy Lạp phụ thuộc vào nguồn khí tự nhiên của Nga và việc định giá khí đốt luôn là vấn đề nhạy cảm.

Bên cạnh đó, dù một thỏa thuận giữa Athens và lãnh đạo EU là có thể, nhưng nếu không đạt được thỏa thuận này, Hy Lạp sẽ buộc phải rời bỏ Eurozone. Nếu điều đó xảy ra, đồng drachma của Hy Lạp sẽ mất giá trị nhanh. Điều này sẽ khiến chi phí nhập khẩu năng lượng đắt đỏ hơn, khiến mối quan hệ mật thiết với Nga là điều không thể thiếu. Ngoài lợi ích chiến lược, Hy Lạp cũng có nhu cầu trước mắt trong quan hệ gần gũi với Nga. Tháng 2/2014, Athens và Gazprom nhất trí cắt giảm 15% giá khí tự nhiên cho Hy Lạp nhưng nhu cầu khí của Hy Lạp đã giảm mạnh trong năm ngoái do tình hình kinh tế ảm đạm. 

Cuối cùng, Hy Lạp rất cần nguồn lực tài chính vào thời điểm này. Đảng Syriza vận động tranh cử với lời hứa thúc đẩy chi tiêu công nhưng nước này lại không có tiền. Các ngân hàng Hy Lạp đang ở thế rủi ro cao, không có khả năng vay mượn được từ các thị trường tài chính. Nếu vay được nguồn tài chính từ Nga sẽ là điều tuyệt vời với Hy Lạp. Ngày 29/1, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov tuyên bố Nga sẽ cân nhắc việc trợ giúp tài chính cho Hy Lạp nếu nước này cần.

Tình hình ở Ukraine đã đặt Hy Lạp vào tình huống khó xử vì Athens chịu sức ép của EU phải phê chuẩn các biện pháp trừng phạt chống lại Moskva. Trong tuần đầu tiên nắm quyền, Syriza cho biết Athens sẽ không tự động theo quan điểm của EU đối với các biện pháp trừng phạt Nga.

Việc nới lỏng cấm vận chống lại Nga không phải là ưu tiên của Hy Lạp. Tuy nhiên, những đe dọa phủ quyết các biện pháp cấm vận được xem là "con bài mặc cả" của Athens trong bối cảnh nước này muốn được giảm hoặc xóa nợ từ các chủ nợ là Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Các cuộc đàm phán nợ giữa Hy Lạp và chủ nợ sẽ sớm bắt đầu. Dù Hy Lạp sẽ tìm cách ở lại khu vực Eurozone, nhưng kịch bản nước này không còn trong khối đồng tiền chung vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn.

Hiện chưa rõ Hy Lạp có buộc phải rời khỏi Liên minh châu Âu nếu nước này rời khỏi Eurozone hay không. Các chuẩn mực của EU cho phép các quốc gia rời bỏ liên minh, nhưng luật liên quan đến các nước không tham gia sử dụng đồng tiền chung euro lại khá mơ hồ. Nếu Hy Lạp buộc phải rời khỏi EU, quốc gia này sẽ phải đánh giá lại các liên minh kinh tế, chính trị và quân sự của mình. Mặc dù kịch bản này khó trở thành hiện thực, nhưng Athens muốn chuẩn bị tinh thần cho mọi kịch bản có thể xảy ra.


Quang Tuyến (Theo mạng tin "Stratfor")