05:23 18/05/2011

Hy Lạp có là Lehman Brothers tiếp theo?

Một năm sau khi Hy Lạp nhận được khoản cứu trợ khẩn cấp từ EU và IMF, các bộ trưởng khu vực đồng euro (Eurozone) tiếp tục ủng hộ một khoản cứu trợ tương tự dành cho Bồ Đào Nha, thành viên thứ ba của EU đang lâm nạn “khủng hoảng nợ công”.

Một năm sau khi Hy Lạp nhận được khoản cứu trợ khẩn cấp từ EU và IMF, các bộ trưởng khu vực đồng euro (Eurozone) tiếp tục ủng hộ một khoản cứu trợ tương tự dành cho Bồ Đào Nha, thành viên thứ ba của EU đang lâm nạn “khủng hoảng nợ công”. Tờ “Người Bảo vệ” (Anh) ngày 17/5 nhận định, dường như Hy Lạp đang đóng vai trò là một Lehman Brothers - ngân hàng cách đây gần 3 năm đã sụp đổ vì nợ nần và gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Ngày 11/5, hàng nghìn người dân Hy Lạp đã tham gia tuần hành ở thủ đô Athens trong cuộc bãi công 24 giờ phản đối kế hoạch kinh tế khắc khổ của Chính phủ. AFP/TTXVN

Cách đây chưa đầy 3 năm, sự sụp đổ của Lehman Brothers đã tạo cú sốc lớn trong hệ thống tài chính toàn cầu, đe dọa sự tồn tại của hầu hết các ngân hàng lớn và gây ra cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Khủng hoảng đầu thập kỷ 1930. Trong khi các quan chức tài chính chủ chốt của châu Âu gặp nhau để thảo luận về cuộc khủng hoảng mới, một nỗi lo sợ bao trùm phòng họp: Nếu sự phá sản của một ngân hàng đầu tư cỡ vừa không có hoạt động bán lẻ có thể gây hậu quả thảm khốc như vậy, điều gì sẽ xảy ra nếu nước Hy Lạp tuyên bố vỡ nợ?

Liệu Hy Lạp có thể trở thành một Lehman khác hay không? Với cấu trúc của các thị trường tài chính hiện đại, với các giao dịch phái sinh móc xích lẫn nhau và các chuỗi nợ theo hình kim tự tháp, chỉ có một câu trả lời: Hy Lạp chắc chắn có thể là Lehman Brothers tiếp theo. Chỉ với nguy cơ vỡ nợ thôi Hy Lạp đã đe dọa tương lai của Eurozone cũng như "sức khỏe" của nền kinh tế thế giới. Vì vậy quốc gia này có tiềm năng gây họa còn lớn hơn cả Lehman Brothers.

Với lời cảnh báo u ám nói trên, Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nghĩ cần phải làm một điều gì đó, nhưng họ chưa biết phải làm gì. Công bằng mà nói, đó là một nhiệm vụ khó khăn. Nếu như được tạo ra từ các nước thành viên có sự tương đồng cơ bản về phát triển kinh tế và cơ cấu công nghiệp, có lẽ đồng euro đã có thể hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng với việc gom lại 17 nền kinh tế có năng suất lao động khác nhau, ngôn ngữ khác nhau và văn hóa kinh doanh khác nhau, cỗ xe Eurozone đang lao đến một vách đá.

Các nước yếu hơn, nằm bên rìa Eurozone, đã không thể kham nổi những quy định chung về từ bỏ kiểm soát lãi suất và tiền tệ. Khó khăn đang lan rộng ra ngoài biên giới ba nước cần cứu trợ là Hy Lạp, Ailen và Bồ Đào Nha. Thị trường nhà đất ở Tây Ban Nha bùng nổ và sụp đổ là kết quả của lãi suất thấp áp dụng cho toàn khu vực. Kinh tế Italia ngày càng mất khả năng cạnh tranh bắt nguồn từ một cơ chế tỷ giá thiếu linh hoạt.

Ngay từ đầu, nhiều người đã nhìn thấy cấu trúc của Eurozone sẽ gây khó cho các nước phải đối phó với kinh tế trì trệ. Do EU không phải là một quốc gia có chủ quyền, nên không có cơ chế chính thức để san sẻ nguồn lực từ các thành viên giàu có của Eurozone cho các thành viên nghèo hơn. Tương tự, do những rào cản nhất định về ngôn ngữ và hành chính, một người thất nghiệp ở Aten sẽ không thể kiếm được việc làm ở Amxtécđam.

Thay vào đó, để theo kịp nền kinh tế siêu cạnh tranh của Đức, các nền kinh tế yếu hơn sẽ phải cắt giảm chi phí, thông qua kiểm soát nghiêm ngặt về lương và chính sách chi tiêu khắc khổ. Đây chính là kịch bản mà Hy Lạp phải thực hiện năm ngoái, sau khi trở thành quốc gia EU đầu tiên lâm nạn và tiếp theo là Ailen và Bồ Đào Nha. Hậu quả là ngân sách chính phủ của Hy Lạp trong 4 tháng đầu năm 2011 bị thâm hụt nhiều hơn cùng kỳ năm 2010.

Không khó để giải thích tại sao. Những người lên chương trình tiết kiệm cho Hy Lạp đã đánh giá thấp sự nguy hiểm của cắt giảm chi tiêu công và tăng thuế đối với tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh đồng tiền không thể giảm giá. Từ xưa đến nay, mỗi khi chi tiền cứu trợ các nền kinh tế đang phát triển gặp nguy khốn, IMF luôn yêu cầu họ phải phá giá tiền tệ, giúp hàng xuất khẩu trở nên rẻ hơn. Nhưng bởi là thành viên của một đồng tiền chung, Hy Lạp không có một chiếc van an toàn để xả bớt sức ép khó khăn từ bên trong.

Hy Lạp cần có một hành lang để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng nợ. Nếu Hy Lạp thất bại, phần còn lại của EU cần chuẩn bị tinh thần để tung ra khoản cứu trợ thứ hai, thứ ba, thậm chí thứ tư để Aten có thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Đó là lý do tại sao thị trường đồn đoán rằng có thể Hy Lạp sẽ tuyên bố vỡ nợ hoặc từ bỏ Eurozone.

Chưa có dấu hiệu cho thấy chính phủ Hy Lạp sẽ đi theo một trong hai lối thoát nói trên. Tuyên bố vỡ nợ và rút khỏi đồng euro sẽ rủi ro rất lớn, nhất là khi số nợ của Hy Lạp sẽ phải được tính lại bằng một đồng tiền khác mà các chủ nợ sẽ coi chẳng khác gì giấy vụn. Trong ngắn hạn, gần như chắc chắn cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính của Hy Lạp sẽ ăn sâu hơn. Aten sẽ thích được EU cung cấp khoản vay thứ hai và được dàn xếp hoãn trả nợ trong một thời gian đủ lâu để lãi suất không còn là một vấn đề đau đầu.

Nhưng trong trường hợp khả dĩ nhất đó chỉ là một giải pháp tạm thời, bởi nó không giải quyết các điểm yếu về cơ cấu của Eurozone. Về vấn đề này thực sự chỉ có hai giải pháp. Thứ nhất là biến liên minh tiền tệ thành liên minh chính trị và thiết lập một cơ chế ngân sách cho phép chuyển giao nguồn lực trên một không gian tài chính đồng nhất. Giải pháp này sẽ hiện thực hóa tham vọng của những người thiết kế đồng euro, và sẽ chứng tỏ rằng giải pháp nửa vời đang thực hiện là không hiệu quả. Thứ hai là EU phải thừa nhận thất bại bằng cách thông báo kế hoạch thiết lập một Eurozone hai cấp, trong đó các thành viên yếu ở lớp ngoài được liên kết với lớp bên trong thông qua một cơ chế tỷ giá cố định nhưng có thể điều chỉnh.

Mặc dù sự sụp đổ của Lehman Brothers đã chứng tỏ các giải pháp hiện nay của EU đối với cuộc khủng hoảng đồng euro có nhiều hạn chế, với một cách tiếp cận lúng túng, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy cả hai giải pháp trên đây đã được xem xét. Tương lai của Eurozone sẽ không được định đoạt bởi Aten hoặc Lixbon, mà bởi Pari và Béclin. Cả hai thành viên “đại gia” này đã đổ quá nhiều tiền để đặt cược cho sự thành công của “Dự án Lớn” đồng tiền chung châu Âu, và vẫn quả quyết rằng sẽ không có thành viên nào vỡ nợ hoặc rút khỏi liên minh.

Tuy nhiên, người dân Đức đã khó chịu khi phải tham gia cuộc giải cứu Hy Lạp hồi tháng 5/2010, càng thêm hậm hực sau khi được yêu cầu giải cứu Ailen cuối tháng 10/2010, và tỏ ra giận dữ về việc phải thu dọn đống bừa bãi ở Bồ Đào Nha. Bất chấp kinh tế Đức khả quan, Thủ tướng Angela Merkel đang đối mặt với những rào cản chính trị mạnh mẽ khi muốn tiếp tục cứu trợ các nước khác. Bài toán chính trị đặt ra rất rõ ràng: Cắt bỏ khối u Hy Lạp và các nền kinh tế ốm yếu khác sẽ chấm dứt giấc mơ “liên minh tiền tệ là một câu lạc bộ nơi các nước châu Âu, lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, có thể cùng tồn tại với một chính sách tiền tệ chung”.

Vũ Hội (P/v TTXVN tại Anh)