12:23 19/12/2012

Huyền thoại về cỗ máy quân sự La Mã - Kỳ 2: Tình đồng đội

Các chỉ huy trung đội “centurion” (từ 60 - 120 binh lính) không những có trách nhiệm duy trì kỷ luật, mà còn giúp khuếch trương và đề cao các tấm gương “virtus”. Họ cũng ý thức rõ danh tiếng của mình và quyết tâm duy trì hay củng cố “virtus” của bản thân.

Các chỉ huy trung đội “centurion” (từ 60 - 120 binh lính) không những có trách nhiệm duy trì kỷ luật, mà còn giúp khuếch trương và đề cao các tấm gương “virtus”. Họ cũng ý thức rõ danh tiếng của mình và quyết tâm duy trì hay củng cố “virtus” của bản thân.


 

Đội quân La Mã tiến vào pháo đài của người Dacian theo thế “mai rùa”, cũng là một kỹ thuật chiến đấu đỉnh cao của người La Mã.

 

Trong bộ phim truyền hình “Rome” từng được trình chiếu trên kênh HBO, có hai nhân vật được nhiều khán giả biết đến là Titus Pullo và Lucius Vorenus. Trong loạt phim này, Pullo chỉ là một lính lê dương bình thường dưới sự chỉ huy của Vorenus, song trong thực tế, cả hai đều là chỉ huy centurion.


Mùa Đông năm 54 trước Công nguyên, đội quân lính lê dương của Pullo và Vorenus bị bộ lạc chiến binh Nervii ở xứ Gaul bao vây. Bộ lạc Nervii là những đối thủ mà đội quân La Mã rất tôn trọng, không dám khinh thường. Tuy nhiên, với bản tính tị nạnh và ham lập công của mình, Titus Pullo không muốn quanh quẩn bảo vệ hay cố thủ trong thành, mà chỉ muốn xông trận giao chiến với kẻ thù, thậm chí còn muốn thách thức Vorenus tham chiến để cạnh tranh về “virtus” cũng như đọ lòng dũng cảm.


 

Phù điêu mô tả cảnh chiến binh La Mã dùng răng giữ thủ cấp của đối phương như là một chiến lợi phẩm.

 

Trong sử sách, Hoàng đế Julius Caesar viết rằng Pullo và Vorenus hay cãi cọ nhau và cạnh tranh khốc liệt vị trí chỉ huy cấp cao centurion trong đội quân lê dương. Trong một cuộc tấn công của các chiến binh Nervii, Pullo đã tuyên bố thẳng với Vorenus: “Sao lại do dự thế Vorenus? Ông đang đợi cơ hội nào đó để chứng minh lòng dũng cảm của mình à? Hôm nay sẽ quyết định sự cạnh tranh của chúng ta”. Ngay sau đó, Pullo đã xông thẳng ra ngoài thành và giao chiến với quân Nervii.
Về phần mình, Vorenus không thể cho phép Pullo có hành động hung hăng bất tuân lệnh như vậy. Ông hiểu rằng hành động liều lĩnh như vậy là nắm chắc phần chết, song danh dự và tiếng tăm còn quan trọng hơn. Nghĩ tới đó, Vorenus liền lập tức rời bỏ phòng tuyến và xông lên trước sự ngỡ ngàng của chính quân địch - các chiến binh Nervii.


Khi giáp chiến, Pullo ném ngay cây giáo của mình vào một kẻ địch. Ngay lập tức, đối phương đáp trả bằng cách ném một loạt mũi giáo vào Pullo, khiến lính lê dương này không có đường lùi và một mũi giáo đã xuyên thủng khiên, cắm vào bụng của Pullo. Theo ngay sát Pullo, Vorenus liền liều mình xông lên cứu đồng đội thoát khỏi vòng vây dày đặc của quân địch. Không may, Vorenus bất ngờ ngã xuống hố và bị quân địch bao vây. Tuy bị thương nhưng còn rất khỏe, Pullo liền vùng dậy hỗ trợ ứng cứu, cả hai người giết được một số quân địch và thoát khỏi vòng vây tháo chạy thành công về thành.


Trong quan niệm của người La Mã, những gì Pullo và Vorenus làm là nhằm gia tăng “virtus”. Đó là hình thức cạnh tranh anh hùng hữu hiệu, vinh quang và truyền cảm hứng nhất. Cho dù quân địch có hùng mạnh đến mấy, các centurion cũng đã thể hiện được tình đồng đội của họ. Hoàng đế Caesar từng nói rằng không thể quyết định ai là kẻ dũng cảm nhất trong đội quân La Mã.


Jacques Harmand, học giả nổi tiếng thời hiện đại về quân đội La Mã của thời Caesar, lại cho rằng Pullo và Vorenus là “những kẻ hung hăng điên khùng”. Hành vi hung hăng điên khùng không bị hạn chế đối với các centurion của Caesar. Trong trận chiến với người Giécmanh ở Ariovistus (năm 58 trước Công nguyên), Caesar đã chứng kiến nhiều lính lê dương đã lao như thiêu thân vào thế trận phòng thủ “mai rùa” (đan các tấm khiên thành khối thép phòng thủ) của quân Giécmanh nhằm xé toạc thế trận này từ trên cao. Những hành động “hung bạo” này là nét đặc trưng của các chiến binh La Mã bắt nguồn từ thời kỳ đầu tiên của đế chế.


Trong cuộc đụng độ bên ngoài thị trấn Fidenae vào năm 437 trước Công nguyên, tượng đài quân sự La Mã Cornelius Cossus đã giao chiến với Lars Tolumnius, vua của vùng Etruscan Veii. Cossus dùng giáo quật Tolumnius ngã ngựa, sau đó nhảy xuống ngựa và ra những đòn kết liễu vị vua này. Không dừng ở đó, Cossus còn lột giáp Etruscan, chặt đầu và gắn lên đầu ngọn giáo rồi lên ngựa phóng thẳng về phía hàng ngũ địch. Kỵ binh của xứ Etruscan hoảng sợ và tháo chạy khi chiến binh khát máu này xông thẳng tới với cái đầu thảm hại của vị vua xấu số.


Hành động lấy thủ cấp thường được gắn với những kẻ thù “man rợ” của Rome, đặc biệt là những kẻ tới từ xứ Gaul. Theo nhà chép sử Diodorus, trong thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, khi kẻ thù gục ngã, những người lính lê dương cắt đầu kẻ địch và buộc vào cổ ngựa. Họ mang chúng về nhà như là những chiến lợi phẩm và treo chúng lên tường nhà giống như treo đầu thú hoang mang về sau mỗi cuộc đi săn.


Một số học giả cho rằng người La Mã bắt đầu trở thành những kẻ săn đầu người từ khi giao chiến với các chiến binh xứ Gaul. Tuy nhiên, Cossus đã chặt đầu Tolumnius khoảng 50 năm trước khi người La Mã và người xứ Gaul trạm chán với nhau lần đầu tiên. Do đó, nhiều khả năng thói quen chặt đầu của người La Mã bắt nguồn từ thời tiền sử. Người La Mã vẫn duy trì truyền thống mà Romulus, con trai của Thần chiến tranh và là người xây dựng thành Rome, đã đánh bại vua Latin trong cuộc đấu tay đôi và sau đó chặt đầu vị vua này.


Lấy thủ cấp thường là hành động cuối cùng trong cuộc đấu tay đôi với kẻ thù, đồng thời cũng là biện pháp tối thượng để người La Mã xác định vị thế chiến binh của mình.


LAT

 

Đón đọc kỳ cuối: Săn đầu người