07:01 18/07/2013

Huyền thoại Nelson Mandela - Kỳ cuối

Sau khi được thả tự do, ông Nelson Mandela ngay lập tức kêu gọi các cường quốc không giảm áp lực với chính phủ Nam Phi để đòi cải cách hiến pháp.

Tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi


Sau khi được thả tự do, ông Nelson Mandela ngay lập tức kêu gọi các cường quốc không giảm áp lực với chính phủ Nam Phi để đòi cải cách hiến pháp. Một mặt, ông tuyên bố cam kết hướng tới hòa bình, mặt khác ông khẳng định cuộc đấu tranh vũ trang của ANC sẽ tiếp tục cho đến khi nào người da đen chiếm đa số ở Nam Phi được quyền bầu cử.

 

Ông Mandela nhậm chức Tổng thống Nam Phi năm 1994.

 

Năm 1991, ông Mandela được bầu làm chủ tịch đảng ANC, còn người bạn thân thiết và đồng nghiệp Oliver Tambo được bầu làm chủ tịch quốc gia. Mandela tiếp tục đàm phán với Tổng thống de Klerk về cuộc bầu cử đa sắc tộc đầu tiên ở Nam Phi. Người Nam Phi da trắng sẵn sàng chia sẻ quyền lực, tuy nhiên, nhiều người da đen muốn chuyển giao quyền lực hoàn toàn. Quá trình đàm phán thường xuyên căng thẳng và nhuốm màu bạo lực. Với cái tài của mình, Mandela đã phải cân bằng giữa một bên là áp lực chính trị và một bên là các cuộc đàm phán căng như dây đàn.


Nhờ nỗ lực hủy bỏ chế độ Apartheid, ông Mandela và Tổng thống de Klerk cùng được trao giải Nobel Hòa bình năm 1993. Nỗ lực của họ đã có kết quả khi ngày 27/4/1994, Nam Phi tổ chức cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên. Nelson Mandela đã nhậm chức tổng thống ngày 10/5/1994, trở thành tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi, trong khi ông de Klerk đảm nhiệm chức phó tổng thống.


Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Mandela đã thực hiện chuyển giao chế độ cầm quyền từ tay người da trắng thiểu số sang người da đen đa số. Ông đã tận dụng niềm đam mê thể thao của người Nam Phi để thúc đẩy hòa giải giữa người da đen và da trắng, khuyến khích người da đen ủng hộ đội bóng rugby quốc gia từng bị ghét bỏ. Tổng thống Mandela cũng có công lớn trong vực dậy nền kinh tế Nam Phi đang trên bờ sụp đổ.


Kể từ khi hết nhiệm kỳ tổng thống năm 1999, ông Mandela trở thành đại sứ cấp cao nhất của Nam Phi, đi đầu trong chiến dịch chống HIV/AIDS và giúp Nam Phi giành quyền đăng cai World Cup năm 2010. Ông cũng tham gia vào đàm phán hòa bình ở CHDC Cônggô, Burunđi và các nước khác ở châu Phi.


Ông Mandela và vợ năm 1958.

 

Năm 2004, ông Mandela rút lui khỏi công chúng để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình - thứ mà ông đã phải hi sinh để theo đuổi tham vọng chính trị của mình. Trong mối quan hệ với vợ mình, bà Winnie Madikizela, ông Madela đã cảm thấy cực kỳ có lỗi vì những gì mà vợ ông đã phải chịu đựng, ông hối tiếc vì đã không có thời gian chăm lo cho gia đình. Tuy nhiên, với một “chiến binh” như Mandela, vợ và gia đình luôn xếp thứ hai sau tình yêu lớn ông dành cho ANC và cuộc đấu tranh tự do.


Bà Winnie kết hôn với ông Mandela đúng vào thời điểm quan trọng trong cuộc đấu tranh giành tự do ở Nam Phi. Cùng chung lý tưởng với ANC và cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa Apartheid, hai vợ chồng ông không thể tận hưởng một cuộc sống gia đình bình thường. Dù chịu nhiều áp lực nhưng tình yêu mà hai người dành cho nhau tiếp tục lớn dần.


Trong gần 20 năm sống đời tù nhân trên đảo Robben, đối với ông Mandela, Winnie là trụ cột hỗ trợ và niềm an ủi không thể thiếu. Bà chấp nhận gánh nặng nuôi dạy con cái một mình. Bà chịu đựng những cuộc khủng bố từ chính phủ da trắng và không bao giờ ngừng tin tưởng vào cuộc đấu tranh giành tự do của chồng. Sự ngoan cường của Winnie đã củng cố tình yêu, sự tôn trọng của ông Mandela và khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ.


Tuy nhiên, căng thẳng nảy sinh do những khác biệt giữa ông Mandela và vợ đã khiến họ đi đến quyết định chia tay. Ông nói rằng quyết định chia tay không phải xuất phát từ việc bà Winnie ngoại tình.


Trong cuốn tự truyện, ông Mandela viết: “Có lẽ tôi bị lóa mắt trước một số điều nhất định vì phải chịu nỗi đau khi không thể hoàn thành vai trò của một người chồng với vợ tôi và người cha với các con tôi. Tôi cho rằng cuộc sống của vợ tôi khi tôi ở trong tù còn khó khăn hơn tôi, sự trở về của tôi cũng khó khăn với cô ấy hơn là với tôi. Cô ấy đã lấy một người mà người đó sẽ sớm rời bỏ cô ấy; người đàn ông đó trở thành thần thoại, và rồi thần thoại đó trở về nhà và xét cho cùng lại chỉ là một người đàn ông bình thường.


Ông Mandela và ông Klerk nhận giải thưởng Nobel Hòa bình ngày 10/12/1993.

 

Như tôi về sau đã nói trong đám cưới của con gái Zindzi, dường như số mệnh của những người đấu tranh cho tự do là phải có cuộc sống cá nhân bất ổn. Khi cuộc đời của bạn là đấu tranh, giống như cuộc đời tôi, hầu như không còn chỗ cho gia đình. Đó luôn là hối tiếc lớn nhất của tôi và là phần đau đớn nhất trong lựa chọn của tôi”.


Ông nói trong đám cưới đó: “Chúng tôi chứng kiến con cái trưởng thành mà không có sự dìu dắt của chúng tôi. Và khi chúng tôi ra khỏi tù, con tôi nói chúng con nghĩ rằng chúng con có một người bố và một ngày nào đó bố sẽ quay về. Nhưng thật thất vọng, bố chúng con về và ông ấy bỏ chúng con một mình vì giờ ông ấy đã là người cha của cả dân tộc”.


Ông Mandela kết luận: “Là cha của cả dân tộc là một vinh dự lớn lao, là một người cha của gia đình là một niềm vui lớn hơn. Nhưng đó là niềm vui mà đến nay tôi có quá ít”.


Vào sinh nhật thứ 80, Nelson Mandela kết hôn với bà Graca Machel, quả phụ của cựu Tổng thống Môdămbích. Ông vẫn tiếp tục đi khắp thế giới, gặp gỡ các lãnh đạo, tham gia hội nghị và giành được nhiều giải thưởng. Phần lớn công việc của ông liên quan đến Tổ chức Mandela, một quỹ từ thiện mà ông thành lập.


Thùy Dương