10:00 13/10/2011

“Huyền thoại” một con đường

Mỗi chuyến đi là một chiến công, kể cả những chuyến đi thành công và những chuyến đi chưa thật trọn vẹn. Thành tích anh hùng mà “Đoàn tàu không số” đã làm nên đã thành huyền thoại một con đường: Đường Hồ Chí Minh trên biển

Bài 2: Chuyến đi 10 năm

Mỗi chuyến đi là một chiến công, kể cả những chuyến đi thành công và những chuyến đi chưa thật trọn vẹn. Thành tích anh hùng mà “Đoàn tàu không số” đã làm nên đã thành huyền thoại một con đường: Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Một buổi sáng đầu thu như bao mùa thu khác. Cũng tại điểm mốc K15 Đồ Sơn ngày ấy, hôm nay những cựu chiến binh của “Đoàn tàu không số” lại có mặt tại đây để ôn lại những kỷ niệm oai hùng của những năm tháng không thể nào quên. Dáng người tầm thước, quen với tính cách “ăn sóng, nói gió’, ông đã kể cho chúng tôi nghe về một chuyến đi 10 năm tưởng không có ngày gặp lại. Nay đã bước vào tuổi “thất thập” nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn, ông là Đỗ Xuân Tâm, Chi hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển ở Đồ Sơn.

Đứng dưới chân của tượng đài di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển K15, ông Tâm chậm rãi kể: “Đó là dịp giáp Tết Nguyên đán năm 1965, các cán bộ và thủy thủ trên tàu có biệt danh 187 hồi hộp chờ lệnh của trên rồi lên đường. Sau 3 ngày, 3 đêm lênh đênh trên biển, đúng 3 giờ sáng ngày mùng 1 Tết Nguyên đán, con tàu đã vào tới bến Thạch Phong, tỉnh Bến Tre mang theo hàng trăm tấn đạn dược. Vậy là chỉ sau 3 ngày rời bến K15 Đồ Sơn, toàn bộ số hàng hóa, đạn dược đã được bốc dỡ giao lại đầy đủ cho Quân giải phóng. Những chiến sĩ Quân giải phóng và thủy thủ “Đoàn tàu không số” rưng rưng nước mắt vì sung sướng khi con tàu cập bến an toàn, Bắc đã gặp Nam. Đêm mùng 3 Tết, con tàu lại được lệnh trở về ngoài Bắc để tiếp tục những chuyến hàng, tiếp tục những trận đánh mới…”.

Ông Đỗ Xuân Tâm (giữa), cựu chiến binh của “Đoàn tàu không số” đang kể về những năm tháng chiến đấu bên con tàu có biệt danh 187.

Sau chuyến đi thành công ấy, niềm vui nhân đôi đã đến với chiến sĩ trẻ Đỗ Xuân Tâm. Đó là ngày 28/2/1965, thủ trưởng Lữ đoàn 125 và Ban chỉ huy tàu 187 đã tổ chức đám cưới cho cặp đôi Đỗ Xuân Tâm và Nguyễn Thị Xuân tại quê hương Đồ Sơn. Khi đó ông Tâm 23 tuổi, còn bà Xuân 21 và cả hai vợ chồng năm đó đều là đảng viên chính thức. Sau lễ cưới, ông Tâm được đơn vị cho nghỉ phép 7 ngày vui duyên mới, nhưng mới được 3 ngày thì ông nhận lệnh về đơn vị gấp để làm nhiệm vụ đặc biệt. Ông chia tay người vợ trẻ như tàu rời bến với bao thương nhớ, gửi gắm niềm tin yêu nơi quê nhà.
Con đường trên biển Đông của “Đoàn tàu không số” ngày càng khó khăn. Đặc biệt từ tháng 4/1966 – sau sự kiện bến Vũng Rô bị lộ, con đường vận tải biển gần như ngừng trệ. Mãi đến ngày 10/6/1966, tàu 187 của ông Tâm lại được giao nhiệm vụ xuất kích. Trước giờ lên đường vào trận đánh mới, thủy thủ đoàn được các đồng chí lãnh đạo Lữ đoàn 125 và lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu tới thăm và giao nhiệm vụ. “Trước lúc lên đường, mỗi người không ai mang theo một dòng địa chỉ, không một tấm hình, toàn bộ tư trang đều là không số, kể cả chè tàu, thuốc lá cũng không có số hiệu, nhãn mác” – ông Tâm nhớ lại.

Rút chiếc khăn trong túi áo lau nhẹ những giọt mồ hôi, ông Tâm chậm rãi kể tiếp: “10 ngày lênh đênh trên biển, đến 20/6 thì tàu chúng tôi vào đến Vàm sông Ba Động, tỉnh Trà Vinh (đây là điểm của con tàu cần đến) thì bị máy bay của địch phát hiện và theo dõi. Trong bối cảnh ấy, thủy thủ đoàn đã xin ý kiến Bộ Tổng tham mưu cho “hủy tàu, bảo tồn bến”. Thuyền trưởng Phan Văn Xả cùng máy trưởng Vũ Xuân An đã thực hiện hủy tàu bằng dây cháy chậm; đồng thời phát lệnh cho cán bộ, chiến sĩ rời tàu bơi vào bờ. Chúng tôi bơi vào bờ dưới làn pháo sáng, đạn của tàu chiến và máy bay địch. Vào đến bờ, mỗi người một nơi, có đồng chí gặp được cơ sở, có người lạc vào rừng mắm, rừng sú vẹt”. Sau 3 ngày, đồng đội của ông Tâm được nhân dân Vàm sông Ba Động cùng bộ đội đơn vị 962 tìm kiếm đưa về căn cứ.

Sau chuyến đi ấy, đồng đội của ông Tâm đã phải nằm lại căn cứ Trà Cú (Trà Vinh) 3 tháng. Năm tháng cứ trôi đi, chiến tranh cả hai miền ngày càng khốc liệt. Năm 1967, ông Tâm được điều về làm máy trưởng chiếc tàu có mật danh 69. Từ khi về nhận nhiệm vụ tại tàu 69, ngày đêm, ông và các chiến sĩ bảo quản, bảo dưỡng các hệ thống thiết bị và máy móc sẵn sàng lúc nào có lệnh là lên đường. “Năm 1969, có thời gian chúng tôi đã ở gần căn cứ Năm Căn. Một căn cứ quân sự quan trọng nhất ở miền Tây Nam bộ. Anh em chúng tôi cùng Quân giải phóng đoàn 962 đã chiến đấu, lập nên những trạm tiền tiêu để bảo vệ con tàu, bảo vệ căn cứ. Nhiều đồng chí đã hy sinh cho con tàu và căn cứ được an toàn. Để giữ bí mật cho con tàu trong “Chiến dịch dọn cỏ U Minh” của địch, tôi và đồng đội có khi cả tuần phải ăn quả mắm thay cơm (quả mắm phải luộc qua 7 lần nước, chấm muối mới ăn được), có năm vào mùa gió chướng, nước ngọt không có, chúng tôi phải đục thùng phuy lấy nước mặn chưng cất (như nấu rượu) để lấy nước ngọt” – ông Đỗ Xuân Tâm kể lại.

Tháng 3/1973, ông Tâm được điều về Trường 373 do Quân khu 9 và Đoàn 962 thành lập để đào tạo cán bộ. Tháng 2/1975, nhà trường đã đào tạo được 32 học viên chuyên ngành về kỹ năng, kỹ thuật hàng hải, cơ điện. Đây là những hạt giống đỏ, nòng cốt cho việc tiếp quản những căn cứ hải quân của Mỹ - Ngụy sau ngày 30/4/1975 tại các quân cảng miền Tây Nam bộ. Như vậy, chuyến đi và cuộc chiến đấu mà ông Tâm tham gia đã kéo dài suốt 10 năm ròng rã. 10 năm ông không biết tin tức gì về gia đình, làng xóm. Bản thân ông cũng chỉ tiếp nhận thông tin qua Đài Tiếng nói Việt Nam về sự tàn phá của không quân và hải quân Mỹ đánh phá mang tính chất hủy diệt miền Bắc và quê hương Hải Phòng của ông mà thôi.

- Ông đi đằng đẵng 10 năm như vậy, khi gặp lại người vợ thân yêu, bà ấy có trách không? – tôi gợi hỏi.

Như chạm vào kỷ niệm thầm kín mà ông đã cất giấu bao năm, ông kể: “Một buổi trưa tháng 6/1975, tôi được thông báo có đoàn khách của Bộ Tư lệnh Hải quân và lãnh đạo Lữ đoàn 125 vào thăm. Tôi ra xe đón đoàn, bỗng dưng thấy xuất hiện trong đoàn một người con gái tay cầm chiếc nón lá miền Bắc bước ra. Thật ngạc nhiên, người đó chính là vợ tôi. Vừa nhìn thấy vợ, tâm trạng và tinh thần tôi như từ mặt đất bay lên trời, chứ không phải từ trên trời rơi xuống đất. Thật vui mừng, hồi hộp. Tôi đã nói lời biết ơn với các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư lệnh và Lữ đoàn 125 vì đã tạo điều kiện để vợ chồng tôi được gặp nhau sau 10 năm xa cách. Hôm nay Nam Bắc một nhà, Bắc Nam hạnh phúc chẳng mừng vui sao”, kể đến đó, ông Tâm rưng rưng nước mắt, giọng nói nghẹn ngào. Ông quay đi lau nước mắt.

“Tôi quay lại phía vợ và nhìn thật lâu. Bà ấy không thay đổi là mấy. Tôi hỏi vợ, sau 10 năm xa cách, nay gặp lại sao em không khóc? Vợ tôi nói: Vì chúng mình đều là đảng viên, tất cả đều hy sinh cho Đảng và hôm nay sự mong mỏi, chờ đợi và hy sinh đã được đền đáp, còn nước mắt thì đã chảy hết vào tim em rồi” – ông Tâm xúc động nói trong giọt lệ tuôn rơi. Tôi không dám nhìn ông lâu bởi sợ làm ông xúc động hơn. Xa xa, tiếng sóng biển vẫn dập dờn vỗ nhẹ vào 15 cây cột bê tông của cầu tàu chứng tích, nơi đã có hàng trăm chuyến tàu của “Đoàn tàu không số” từ đây ra khơi.

Tháng 5/1984, ông Tâm xuất ngũ. Trở về quê hương Đồ Sơn, ông Đỗ Xuân Tâm và bà Nguyễn Thị Xuân tiếp tục có thêm một cô con gái út. Đến nay 3 người con của ông bà đã trưởng thành, tốt nghiệp đại học và đang công tác ở các cơ quan nhà nước. Những chiến tích năm xưa luôn khích lệ, động viên ông vững vàng trong sóng gió và mọi tình huống trong cuộc sống thường ngày. Chia tay những cựu chiến binh của “Đoàn tàu không số”, tôi lại bồi hồi ngẫm về 4 câu thơ ông Tâm ngâm đọc:

“Anh nắm tay em về thăm cầu Đen (K15 Đồ Sơn)

Nơi mẹ tiễn cha xuống tàu không số

Vận chuyển đạn bom quân lương thuốc nổ

Vượt trùng dương vào tiền tuyến miền Nam…”.

Bài và ảnh: Viết Tôn

Bài cuối: Một thiên Anh hùng ca bất tử