10:00 06/10/2011

“Huyền thoại” một con đường

Những chuyến đi và hàng trăm câu chuyện thần kỳ về lòng dũng cảm, đức hy sinh, sự tài trí; những câu chuyện cảm động về tình đồng đội, tinh thần chịu đựng gian khổ, xông pha nơi hiểm nguy, đối mặt trực diện với kẻ thù; những huyền thoại của “Đoàn tàu không số”, trở thành bất tử - Đường Hồ Chí Minh trên biển - mãi mãi lưu truyền trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Bài 1: Mỗi chuyến đi là một chiến công
Chiều phố cảng oi bức đến ngột ngạt. Chúng tôi hẹn gặp ông qua cuộc điện thoại. Ông nhận lời tiếp. Ông là Thượng tá Trần Văn Hữu, Chủ tịch Hội Truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Ngôi nhà 154 phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng mà vợ chồng ông Hữu sinh sống đã trở thành trụ sở của Hội Truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển. Những ngày này, nhà ông luôn đông khách ra vào. Đón chúng tôi từ đầu phố, ông Hữu vui vẻ nói: “Mấy hôm nay tôi tiếp anh em cựu chiến binh “Đoàn tàu không số” và phóng viên báo chí đến tìm hiểu, viết bài nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển, vui lắm”. Ông bắt đầu kể về những chiến công của “Đoàn tàu không số”, về những hy sinh thầm lặng mà ông và đồng đội đã trải qua.

Những cựu binh đoàn tàu không số ra thăm lại bến cũ ở Đồ Sơn - nơi chiếc tàu đầu tiên rời bến vào Nam ngày 11/10/1962.
Ảnh: Trọng Đức - TTXVN


Tháng 2/1964, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, “tân binh” Trần Văn Hữu tạm biệt quê hương Văn Hải, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) lên đường nhập ngũ. Ông được huấn luyện tại E173 ba tháng, sau đó biên chế về “Đoàn tàu không số”. Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng cũng là ngày ông chuyển về Lữ đoàn 125. Năm 1977, ông được đơn vị cử đi học, sau đó về công tác tại cơ quan tham mưu Quân chủng Hải quân cho đến ngày nghỉ hưu năm 1993.

Ông kể: “50 năm trước, ngày 23/10/1961, Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân, được thành lập để vận chuyển vũ khí, trang thiết bị cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Với 6 chiếc thuyền gỗ thô sơ ban đầu đưa từ miền Nam ra và 38 cán bộ, chiến sĩ làm nòng cốt trong ngày đầu thành lập, trong 14 năm thực hiện nhiệm vụ trên con đường biển mang tên Bác, lực lượng vận tải biển của Hải quân đã phát triển thành một binh đoàn vận tải chiến lược trên biển, hình thành nhiều tuyến, mở hàng chục bến bãi khắp các tỉnh ven biển miền Nam, len lỏi vào chiến trường Khu 5 khốc liệt, vào tận cửa ngõ Sài Gòn, đến tận cùng đất nước. Những con đường dọc ngang trên biển mà 2/3 quãng đường đó nằm trong vùng kiểm soát của Mỹ - Ngụy. Các bến bãi bốc hàng đều nằm trong vùng kìm kẹp, lùng sục, truy quét, vây ráp, đánh phá ác liệt suốt ngày đêm của địch… nhưng những tuyến đường vận chuyển hàng hóa cho miền Nam vẫn hoạt động suốt 14 năm liên tục. Lực lượng vận tải biển của hải quân đã huy động hàng trăm lượt tàu đi trên 65.000 hải lý, vận chuyển trên 80.000 lượt người, trên 152.000 tấn vũ khí, đạn dược và hàng ngàn tấn hàng hóa góp phần nuôi dưỡng, duy trì, phát triển cuộc chiến tranh cách mạng, chi viện đắc lực cho nhiều chiến trường, nhiều chiến dịch lớn, nhiều địa bàn trọng yếu mà đường bộ chưa vươn tới được, góp phần vào thắng lợi trọn vẹn của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Gắn liền với những chiến công thầm lặng của “Đoàn tàu không số” còn biết bao kỷ niệm vui buồn, những nhiệm vụ đặc biệt được những chiến sĩ của “Đoàn tàu không số” giấu kín trong lòng mỗi khi chào tạm biệt người thân, quê hương lên tàu làm nhiệm vụ. Bà Vũ Thị Chinh, vợ của thượng tá Trần Văn Hữu, tâm sự: “Năm 1969, chúng tôi cưới nhau, khi đó tôi đang công tác trong ngành giáo dục và chỉ biết chồng mình là chiến sĩ hải quân. Cưới nhau xong được một tuần thì ông ấy lên đường làm nhiệm vụ. Và biền biệt từ đó, mỗi năm chỉ về tranh thủ một vài lần. Năm 1970, sau kỳ nghỉ hè, tôi nhận được điện của chồng mời ra thăm đơn vị. Mừng và xúc động lắm nên hôm sau tôi dậy sớm để bắt xe ra Hải Phòng và phải đến 9,10 giờ đêm mới ra đến nơi. Vậy nhưng khi vừa đặt chân đến đơn vị thì tôi được biết ông ấy vừa nhận nhiệm vụ đặc biệt và đã lên tàu trước khi tôi đến. Ngày hôm sau, tôi lại trở về quê nhà trong tâm trạng bâng khuâng và tôi hiểu ông ấy cũng mong chờ giây phút vợ chồng gặp nhau nhiều lắm, nhưng vì nhiệm vụ mà ông ấy không thể ở lại, dù chỉ vài giờ nữa vợ sẽ ra thăm”.

Vì Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” sẵn sàng hy sinh tình cảm riêng tư và xác định ra đi là cảm tử, chấp nhận gian nguy, đương đầu với khó khăn thử thách, quyết tâm đưa được hàng tới bến. Mỗi chuyến đi là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, với thiên nhiên, sóng gió, với mọi khó khăn thử thách… và vượt lên tất cả là chiến thắng bản thân mình, đòi hỏi cao ý chí kiên định, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo và ý thức chấp hành kỷ luật nghiêm minh. Lúc nguy hiểm nhất, các tàu và cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” sẵn sàng lao thẳng vào tàu địch, chiến đấu đến phút cuối cùng để bảo vệ vũ khí, đạn dược, hàng hóa, giữ bí mật về chủ trương, về con đường, con tàu và bến bãi.

Bài 2: Chuyến đi 10 năm

Viết Tôn