01:08 15/01/2022

Huyện miền núi Thanh Hóa vươn tới xóa nghèo 

Là 1 trong 8 tỉnh được Chính phủ chọn để thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP về Định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011-2020 và Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015, những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được Đảng bộ, chính quyền các cấp ở tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm và thực hiện có hiệu quả.

Nhờ những chính sách thiết thực đó, nhiều hộ dân tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã quyết tâm vượt khó, mạnh dạn tìm tòi chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhiều gia đình ở các huyện miền núi Thanh Hóa đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Chú thích ảnh
Anh Phạm Văn Quý (xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) đã thoát nghèo nhờ được nhà nước hỗ trợ con giống. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN

Thoát nghèo vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương

Là một hộ nghèo, nhiều năm qua gia đình anh Phạm Văn Quý, thôn Lương Thiện, xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc cứ loay hoay với câu hỏi làm gì để sinh sống, để con cái học hành và thoát khỏi cái nghèo, cái khó bủa vây.

Năm 2016, khi gia đình anh Quý được Nhà nước hỗ trợ một con bò giống sinh sản, được vay vốn hỗ trợ sinh kế, vợ chồng anh đã chăm bò, nuôi thêm ngan, gà. Sau 5 năm, hiện gia đình anh Quý có 3 con bò và đàn ngan, gà gần 200 con chuẩn bị xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán tới đây. Năm 2019, gia đình anh Quý được ra khỏi danh sách hộ nghèo, đây như là động lực để gia đình anh vươn lên làm kinh tế, có của ăn của để.

Anh Phạm Văn Quý phấn khởi cho biết: "Tôi vẫn nhớ như in lần đầu tiên gia đình tôi có một tài sản lớn đó chính là con bò trị giá hơn 10 triệu đồng mà Đảng, Nhà nước hỗ trợ. Vợ chồng tôi đã quyết tâm làm ăn, chăn nuôi bò cho nó sinh sản để phát triển kinh tế. Đàn ngan, gà cũng cho thu nhập thường xuyên nên gia đình có tiền cho con đi học. Gia đình tôi cũng vừa hoàn thiện căn nhà mái bằng khang trang, sạch sẽ để đón năm mới 2022."

Còn anh Anh Lương Văn Tưởng, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc trước kia phải đi làm thuê trong miền Nam, sau đó anh về quê lập nghiệp. Trước khi trồng cam, cũng như các gia đình khác ở Kiên Thọ, anh Tưởng chủ yếu trồng mía, sắn, dứa… tuy nhiên, hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2019, nhờ được chính quyền hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, anh đã thực hiện mô hình trồng gần 1.000 gốc cam canh an toàn, tới nay sau gần 4 năm, mô hình này đã phát huy hiệu quả.

Hiện, mỗi năm gia đình anh Tưởng xuất bán khoảng 20-30 tấn cam an toàn. Với giá bán bình quân tại vườn 25.000 - 30.000 đồng/kg, mỗi vụ cam, gia đình anh Tưởng thu về từ 500-600 triệu đồng. Anh Lương Văn Tưởng được đánh giá là một trong các hộ tiên phong trồng cam, thoát nghèo và làm giàu từ cam ở mảnh đất Kiên Thọ này.

Anh Lương Văn Tưởng cho biết: "Ban đầu lúc mới đưa cây cam canh vào trồng thử cũng gặp không ít khó khăn nhưng nhờ sự động viên của chính quyền và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc của cán bộ khuyến nông, gia đình đã quyết tâm "ăn cùng cam, ngủ cùng cam". Do cây cam canh hợp thổ nhưỡng, khí hậu ở đây nên sinh trưởng và phát triển tốt. Lứa đầu tiên thu hoạch ngoài mong đợi của gia đình. Nhờ hiệu quả từ cây cam mang lại, hiện tôi đang thuê đất đồi, mở rộng diện tích thêm 4 ha trồng cam canh và cam lòng vàng. Hy vọng sẽ tiếp tục có những vụ cam bội thu."

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện Ngọc Lặc có 4.159 hộ nghèo và cận nghèo. Huyện này đang phấn đấu mỗi năm sẽ giảm bình quân 2,3% số hộ nghèo trở lên. Để đạt mục tiêu này, huyện sẽ đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân và chính quyền các cấp; đồng thời tập trung thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giảm nghèo về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh… cũng như chú trọng các mô hình liên kết, gắn phát triển sản xuất với chế biến, tiêu thụ    

Ông Phạm Văn Đạt, Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc khẳng định: Trong giai đoạn 2016-2020, từ các nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Ngọc Lặc đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn, tập trung hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và hỗ trợ nhân rộng mô hình giảm nghèo. Từ đó, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần quan trọng đạt được chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Đến nay, huyện có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu năm 2025 huyện Ngọc Lặc hoàn thành mục tiêu huyện nông thôn mới.
    
Trao cần câu không trao con cá

Chú thích ảnh
Anh Lương Văn Tưởng, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc thực hiện thành công mô hình trồng cam an toàn để vươn lên thoát nghèo với thu nhập 500 triệu/năm. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN

Ở huyện vùng núi cao Bá Thước - một trong số huyện nghèo của cả nước nằm trong Chương trình 30a của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, công tác giảm nghèo đã được triển khai một cách tích cực. Huyện đã vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đề ra những hướng đi, mô hình hiệu quả. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc nói chung, hộ nghèo và cận nghèo nói riêng, từng bước được cải thiện. Nếu như trước năm 2020 huyện Bá Thước còn 8 xã đặc biệt khó khăn thì đến nay nhờ sự triển khai có hiệu quả các chính sách giảm nghèo, huyện Bá Thước chỉ còn 1 xã đặc biệt khó khăn.

Với phương châm muốn giảm nghèo cho đồng bào phải tập trung giải quyết những vấn đề đang gây trở ngại như thiếu vốn, thiếu kỹ thuật sản xuất, thiếu việc làm, UBND huyện Bá Thước đã chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể khảo sát nhu cầu vay vốn của các hộ trên địa bàn và mạnh dạn cho bà con vay vốn phát triển sản xuất theo hình thức tín chấp.

Nhờ nguồn vốn vay từ chương trình giảm nghèo, chị Hà Thị Dự, thôn La Ca, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước đã thực hiện thành công mô hình bảo tồn, phát triển vịt Cổ Lũng để vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, cùng với áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, đàn vịt Cổ Lũng của gia đình chị Dự phát triển tốt, hiện chị đang nuôi gần 300 con cho hiệu quả kinh tế rất cao. Không dừng lại ở đó chị Hà Thị Dự còn đến vận động các hộ dân trong bản sống cạnh suối Nủa cùng chị nuôi vịt Cổ Lũng, gia đình chị sẽ cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi, xây dựng chuồng trại, chăm sóc…

Chị Hà Thị Dự, cho biết: "Ngoài nuôi vịt lấy thịt, trong một năm gia đình tôi còn hỗ trợ vịt giống cho bà con tham gia mô hình. Mấy năm gần đây, du lịch ở Pù Luông phát triển mạnh mẽ, nhờ đó, vịt nuôi đến đâu bán hết đến đó, thương lái đến tận nhà thu mua. Giá vịt thịt bán ra thị trường tương đối ổn định từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi từ 50-60%."

 Ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước khẳng định: Với phương châm "trao cần câu không trao con cá", nhiều năm qua huyện Bá Thước đã đưa ra những giải pháp giảm nghèo một cách bền vững, toàn diện. Trong số các chương trình hỗ trợ sinh kế cho người nghèo, huyện đã đánh giá và nhận thấy các chương trình hỗ trợ giống cây - con, đặc biệt hỗ trợ giống bò là hiệu quả nhất.

Kèm theo đó là tăng cường cơ sở hạ tầng như, điện, đường, trường, trạm y tế... và cả nhà ở cho hộ gia đình gặp khó khăn về nhà ở. Trong giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo tại huyện Bá Thước giảm nhanh, từ 25,31% xuống 2,26% năm 2020, bình quân mỗi năm giảm 4,61%. Hiện, Bá Thước đang phấn đấu thoát khỏi danh sách huyện nghèo trong một vài năm tới đây.

Ông Tạ Hồng Hải, Phó trưởng Ban dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho biết, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng và chính quyền các địa phương, công tác giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Tiếp tục công cuộc giảm nghèo, trong giai đoạn 2021-2025 Thanh Hóa sẽ thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi với mục tiêu phấn đấu giảm nghèo bền vững, bao trùm, hạn chế tái nghèo. Đồng thời từng bước cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người nghèo, đặc biệt là ở các địa bàn huyện nghèo, xã nghèo, khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản.

Đến cuối năm 2021, các mục tiêu giảm nghèo của tỉnh Thanh Hóa về cơ bản đã hoàn thành, thể hiện ở tỷ lệ giảm nghèo chung cả tỉnh, tỷ lệ giảm nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, tỷ lệ giảm nghèo ở các hộ là đồng bào dân tộc đều đạt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo của các huyện miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm giảm 4,62%; trong đó đối với 100 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc miền núi đã giảm được 6,84%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 5,82%/năm.

Đặc biệt, các khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn đều được hưởng các chính sách, chế độ và các dự án ưu tiên với nhiều giải pháp sát thực mang lại hiệu quả cao, giúp người nghèo từng bước chủ động vươn lên thoát nghèo. Hiện Thanh Hóa đang đặt mục tiêu sẽ giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân 1,5%/năm trở lên, phấn đấu đến năm 2030 sẽ không còn huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn.

Hoa Mai - Nguyễn Nam (TTXVN)