08:09 08/08/2011

Huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận): Sản xuất kinh doanh khó khăn vì giá điện tăng

Là huyện đảo cách TP Phan Thiết (Bình Thuận) 57 hải lí, người dân Phú Quý không chỉ khó khăn về phương tiện đi lại, mà nguồn điện nhiều năm nay cũng rất căng thẳng do phải dùng máy nổ để phát điện.

Là huyện đảo cách TP Phan Thiết (Bình Thuận) 57 hải lí, người dân Phú Quý không chỉ khó khăn về phương tiện đi lại, mà nguồn điện nhiều năm nay cũng rất căng thẳng do phải dùng máy nổ để phát điện. Dù chỉ được dùng điện bằng 2/3 thời gian của đất liền (16 giờ mỗi ngày), nhưng giá điện ở mức cao chót vót khiến sản xuất kinh doanh của huyện đảo lâm vào bế tắc.

Doanh nghiệp lao đao vì giá điện

Theo phương án tính giá điện mới thực hiện đầu tháng 7/2011, giá điện sản xuất kinh doanh tại huyện đảo Phú Quý tăng từ 4.770 đồng lên 6.647 đồng/kWh, nếu cộng cả thuế VAT thì doanh nghiệp (DN) phải trả 7.300 đồng/kWh. So với giá điện trong đất liền, giá điện tại Phú Quý cao hơn 4.000- 5.000 đồng/kWh.

Trước giá điện tăng quá cao, 5 nhà máy sản xuất nước đá, vốn là mặt hàng không thể thiếu để phục vụ cho tàu thuyền đi đánh bắt hải sản, đã đóng cửa, 4 nhà máy còn lại chuyển sang sản xuất bằng máy dầu nhưng hoạt động cầm chừng, vì giá dầu cũng quá cao. Ông Võ Thành Ca - Chủ DN Nhà máy nước đá Thanh Bình, cho biết: “Trước đây, giá điện 1.100 đồng/kWh, DN có thể ổn định sản xuất. Nhưng khi giá điện lên 7.300 đồng/kWh, các DN sản xuất nước đá bằng điện đã buộc phải đóng cửa”. Theo tính toán của ông Ca, sản xuất 1 cây đá cần 4,5 kWh điện. Chính vì giá điện cao, nên dù giá 1 cây đá tại đất liền chỉ 11.000-12.000 đồng thì nhà sản xuất đã có lãi còn ở huyện đảo phải bán 35.000 đồng thì DN vẫn chưa đủ vốn. Do giá bán đá quá cao so với đất liền, dân đi biển không lấy đá ở đảo nữa khiến DN nước đá ở đây buộc phải đóng cửa.

Ngay cả nhà máy nước đá tự trang bị máy nổ để sản xuất cũng lao đao vì giá dầu tăng quá cao.


Theo báo cáo thẩm tra phương án giá bán điện mới tại đảo Phú Quý của Sở Công Thương, đối với điện sinh hoạt bán lẻ theo giá bậc thang cho kWh từ 0-50 (hộ nghèo và hộ thu nhập thấp) là 1.863 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT), với hộ bình thường là 2.329 đồng/kWh. Từ kWh thứ 51 trở đi là 3.105 đồng/kWh. Với các khu vực công cộng, hành chính sự nghiệp, bệnh viện, trường học từ 2.046 -2.582 đồng/kWh. Với khu vực sản xuất kinh doanh dịch vụ là 6.647 đồng/kWh. Toàn huyện sẽ phải trả thêm cho ngành điện 12,599 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 70,23%.

Anh Đàm Văn Hùng – Chủ DN Sài Gòn Đảo, chuyên sản xuất nước uống và nước đá tinh khiết bức xúc: “DN tôi đã phải thông báo sang nhượng cơ sở sản xuất. Nhưng giá điện cao, chẳng ai dám liều, nên việc sang nhượng không thành”. Hiện DN này vẫn phải cho cơ sở hoạt động cầm chừng, với sản lượng giảm chỉ còn 1/3. Không chỉ vậy, chất lượng sản phẩm cũng không được như trước. Trước đây máy chạy 1 giờ ra sản phẩm, giờ giảm xuống còn 50-55 phút để tiết kiệm điện.

Trong khi đó, giá nước đá tinh khiết bán tại huyện đảo cũng ngoài sức tưởng tượng, khi ngất ngưởng ở mức 2.500 đồng/kg. Nhiều hàng quán đành vào đất liền mua nước đá, vì trừ chi phí vận chuyển, giá chở về cũng chỉ 1.800 đồng/kg. Theo anh Hùng, nếu giá điện lên 7.300 đồng/kWh, anh không thể cạnh tranh với DN ở đất liền.

Không chỉ DN nước đá gặp khó khăn, mà các cơ sở chế biến, sản xuất hải sản cũng rơi vào tình trạng bế tắc, phải thu hẹp sản xuất. Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ DN Việt Hoa, cho biết: “Giá điện lên cao khiến các DN chế biến hải sản Phú Quý rơi vào bế tắc. Trước đây, chúng tôi lấy 10 mặt hàng chế biến với số lượng khoảng 400 – 500 tấn hàng/năm. Từ khi giá điện tăng 5.300 đồng/kWh đến nay, chúng tôi chỉ lấy những mặt hàng không cần giữ lạnh mà phơi khô để giảm chi phí tiền điện. Nhân công cũng giảm từ 100 lao động chỉ còn chưa tới 10 người”.

Giá điện còn tăng

Theo Điện lực huyện Phú Quý, nhà máy điện của huyện đảo này chỉ trang bị được 6 tổ máy chạy dầu diesel, với tổng công suất 3MW. Tuy nhiên, các tổ máy rất hiếm khi phát hết công suất, chỉ dao động bình quân từ 2MW - 2,2MW mỗi ngày nên lượng điện chỉ đủ cho sinh hoạt và sản xuất chế biến của một số doanh nghiệp nhỏ. Trong khi đó, mỗi lít dầu diesel sản xuất được khoảng 4kW điện và giá bán điện được tính như thủy điện của đất liền. Vài năm nay, do giá dầu ngày càng tăng cao, bình quân mỗi năm ngân sách phải bù lỗ hàng chục tỷ đồng cho việc phát điện bằng chạy máy dầu trên huyện đảo Phú Quý. Chính vì không thể “gồng” được việc bù lỗ giá điện, Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận đã trình UBND tỉnh công văn điều chỉnh giá điện năm 2011 theo đề nghị của Tổng Công ty điện lực Miền Nam về phương án giá điện năm 2011 áp dụng tại huyện đảo Phú Quý.

Ông Huỳnh Văn Hưng – Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quý cho biết: Việc tăng giá điện năm 2011 là bước đi trong lộ trình chung thực hiện thị trường hóa giá điện. Như vậy, với giá điện mới 6.647 đồng/kWh từ ngày 1/7/2011, tỉnh sẽ giảm bù lỗ hơn 38,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo tính toán của Sở Công Thương Bình Thuận, giá điện mới này chỉ bằng 54,39% giá thành sản xuất, phân phối điện, và ngân sách vẫn phải bù lỗ hơn 25,6 tỷ đồng. Chính vì vậy, đây không phải là mức giá cuối cùng, mà sắp tới giá điện sẽ còn tăng cao hơn nữa cho đến khi ngân sách không còn phải bù lỗ.

Bài và ảnh:Hải Yên