05:16 13/05/2020

Huyện đảo Lý Sơn kiên quyết xử lý tình trạng khoan giếng trái phép

Mùa khô hàng năm là thời điểm huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đối mặt với thực trạng thiếu nước sản xuất trầm trọng. Do đó, nhiều hộ dân đã tự khoan giếng khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép, dẫn đến tình trạng cạn kiệt các mạch nước ngầm.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng kiểm tra một điểm có các giếng khoan trái phép. 

Tại mương nước ở cánh đồng Sũng của huyện đảo Lý Sơn, nhiều máy bơm nước chưa được cơ quan chức năng cấp phép đã được người dân "ngụy trang" bằng nhiều thùng xốp, cành cây để lén lút khai thác nguồn nước ngầm.

Ông Đặng Tấn Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, cơ quan chức năng huyện Lý Sơn đã phát hiện gần 20 giếng khoan do các hộ nông dân trồng hành tỏi lén lút khoan để khai thác nguồn nước ngầm. Nắng hạn kéo dài, thiếu nước tưới tiêu cho cây trồng chính là nguyên nhân của tình trạng này. Người dân thường lợi dụng ngày nghỉ, ban đêm để khoan giếng trái phép. Khi bị phát hiện họ sẵn sàng bỏ lại máy móc để rời khỏi hiện trường nhằm trốn tránh trách nhiệm, khiến cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề xử  phạt.

Việc người dân tự ý khoan, đào giếng để tìm nguồn nước ngọt dẫn đến số lượng giếng nước ở Lý Sơn tăng nhanh. Nếu năm 2014, toàn huyện đảo có 546 giếng thì đến cuối tháng 4/2020 đã tăng lên 2.100 giếng, khiến trữ lượng nước ngầm bị khai thác vượt mức cho phép.

Trong khi đó, lượng nước được phép sử dụng theo khuyến cáo chỉ ở mức 16.000 m3/ngày nhưng hiện nay khai thác thực tế hơn 23.000 m3/ngày. Do thiếu nước ngọt để sản xuất nông nghiệp, người dân trên đảo Lý Sơn lo lắng sẽ phải giảm diện tích trồng hành, tỏi (đặc sản của đảo Lý Sơn), dẫn đến thu nhập bị ảnh hưởng.

Ông Võ Thôn, người dân ở thôn Tây An Vĩnh, huyện Lý Sơn cho biết: Mỗi năm nông dân Lý Sơn trồng 2 vụ hành, 1 vụ tỏi và một số cây trồng khác như ngô, lạc, vừng... Cây hành, tỏi phải thường xuyên tưới nước nếu không sẽ bị sâu bệnh hoặc chết nên nhu cầu nước ngọt phục vụ tưới tiêu là rất lớn. Những giếng nước cũ trước đây đã không còn cung cấp đủ nguồn nước phục vụ tưới tiêu nên người dân phải tự khoan giếng để tìm nguồn nước phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, số lượng giếng ngày một nhiều thêm là do có những giếng đầu mùa khô có nước nhưng đến giữa mùa lại hết nước, người dân lại phải khoan giếng khác. "Chúng tôi cũng biết nếu tự ý khoan giếng sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt nhưng nếu không khoan giếng thì không sản xuất nông nghiệp được. Nông dân Lý Sơn sống dựa vào hành tỏi, luôn cần nhiều nước tưới tiêu hơn các cây trồng khác”, ông Thôn lý giải.

Chú thích ảnh
 Một giếng khoan ngay ruộng để phục vụ tưới tiêu, sản xuất. 

Để bảo vệ nguồn tài nguyên nước trên đảo, chính quyền địa phương đã tăng cường việc kiểm tra và xử phạt hành chính đối với các hộ dân tự ý khoan giếng trái phép. Từ giữa tháng 4 đến ngày 10/5, UBND huyện đảo Lý Sơn đã xử phạt và yêu cầu lấp 8 giếng khoan không phép. Để bảo vệ nguồn nước ngầm đang suy kiệt mạnh và ngăn nạn xâm nhập mặn, chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp căn cơ hơn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Đặng Tấn Thành cho biết thêm: UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, xử phạt những hộ dân tự ý khoan giếng. Ngoài ra, để giảm lượng nước tưới tiêu trên đảo, UBND huyện đang tuyên truyền người dân chuyển đổi từ trồng hành, tỏi sang trồng những loại cây khác như dưa hấu, lạc.

Đồng thời, để bảo vệ và tăng cường nguồn tài nguyên nước ngầm, UBND huyện đang tăng cường công tác trồng rừng, trồng cây xanh; đầu tư xây dựng các hồ chứa nước Giếng Tiền, An Bình nhằm dự trữ nước mưa để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Huyện cũng đề xuất cơ quan chức năng cấp trên có những giải pháp để tăng cường nguồn nước ngầm và vận chuyển nước ngọt từ đất liền ra đảo.

Bài và ảnh: Đinh Thị Hương (TTXVN)