07:18 26/07/2018

Huyện Chương Mỹ nỗ lực vượt qua khó khăn do ngập lụt

Ngày 26/7, theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, tại địa bàn các xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), nước vẫn còn ngập sâu tại các vùng nuôi trồng thủy sản, rau màu, lúa, cây ăn quả. Do nước ngập, các công trình thủy lợi, gia súc, gia cầm cũng bị ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề.

Nước vẫn còn ngập tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội).

Ông Hoàng Minh Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, những ngày qua nước rút chậm, hiện nay vẫn đang ở mức báo động 3. Cuộc sống người dân hết sức vất vả, đi lại khó khăn, thiếu ăn và các hoạt động sản xuất bị đình trệ. Huyện đang phát động các lực lượng cùng nhân dân khẩn trương khắc phục tình trạng ngập, chờ khi nước rút để sản xuất. Hiện nay, nước sạch sinh hoạt đang thiếu nghiêm trọng, bởi nước ngập bị ô nhiễm. Sáng 26/7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã vận động Công ty Coca Cola Việt Nam hỗ trợ 300 thùng nước uống (khoảng 2.400 chai nhỏ 1,5 lít) cho nhân dân các xã ngập lụt của huyện.

Ngày 26/7, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã quyết định hỗ trợ nhân dân huyện Chương Mỹ khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra số tiền 500 triệu đồng từ Quỹ “Cứu trợ” thành phố. HĐND thành phố đã hỗ trợ người dân 1 tấn gạo, 100 thùng sữa, 100 thùng nước, 100 thùng mỳ, gần 100 triệu đồng.

Những ngày qua, lãnh đạo thành phố Hà Nội tập trung chỉ đạo và xuống tận địa bàn các huyện ngập lụt thăm hỏi động viên nhân dân. Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá cao sự nỗ lực, vào cuộc kịp thời và quan tâm sâu sát cuộc sống người dân của chính quyền địa phương. Huyện đã chủ động trong công tác chỉ đạo, cảnh báo kịp thời giúp không có thiệt hại về người và giảm thiểu thiệt hại về tài sản.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, Chương Mỹ là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất của bão số 3 gây ra và yêu cầu chính quyền và các lực lượng của huyện không được chủ quan, tiếp tục thống kê con số thiệt hại để thành phố có phương án, chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng mức, đảm bảo cuộc sống, ổn định sản xuất cho nhân dân. Bên cạnh đó, huyện cần chú trọng đảm bảo công tác an toàn tính mạng, không để xảy ra tình trạng trẻ đuối nước, bị điện giật và gấp rút làm vệ sinh tại trường học, các trạm y tế, khẩn trương bước vào năm học mới và chủ động phòng chống dịch bệnh.

Hiện nay, nước vẫn ngập sâu, diễn biến mưa bão còn phức tạp, nếu tiếp tục mưa, tình hình càng khó khăn, thành phố Hà Nội chỉ đạo huyện Chương Mỹ tiếp tục có những giải pháp hợp lý phòng chống những cơn mưa tiếp theo. UBND thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với địa phương rà soát lại hệ thống đê kè trên địa bàn để tham mưu cho thành phố có chính sách, đầu tư đẩy nhanh tiến độ một số dự án đã và đang thi công…

Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết, huyện đã huy động 100% cán bộ công chức các cơ quan thường trực tham gia phòng chống úng lụt… Thường xuyên nắm bắt thông tin, tổng hợp tình hình, tập trung lực lượng, huy động vật tư tại chỗ, phối hợp với các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn xử lý chống tràn trên các tuyến đê và di chuyển người, tài sản, vật nuôi ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Trước tình hình mưa ngập, huyện đã chỉ đạo vận hành 16 trạm bơm tiêu; huy động lực lượng tại chỗ gần 5.000 người, 132 phương tiện các loại, hơn 74.800 bao tải, có trên 800 hộ phải cắt điện để đảm bảo an toàn.

Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện bị thiệt hại hơn 1.200 ha lúa; 268 ha rau màu...; 42m2 nhà bị đổ sập; 830 m đường giao thông nông thôn bị sạt lở; 850 m kênh mương bị hư hỏng… Ngoài ra, 3 trường học, 4 di tích, 2.173 hộ bị ngập nước, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)