12:10 13/12/2020

Huy động nhiều nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Kiên Giang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nông thôn, phấn đấu 100% số xã (117 xã) đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025; trong đó, có ít nhất 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và khoảng từ 7 - 9 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới.

Chú thích ảnh
Đường giao thông nông thôn ở huyện nông thôn mới Tân Hiệp (Kiên Giang). 

Ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, tới đây, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
 
Đồng thời, hướng tới nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung, công nghệ cao phát triển bền vững, hiệu quả, tăng giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản. Xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập của nông dân, bảo vệ môi trường, sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.
 
Để đạt mục tiêu 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong 5 năm tới, theo ông Đỗ Minh Nhựt, ngoài việc huy động nguồn lực nhân dân đóng góp kết hợp với các nguồn vốn khác, tỉnh tạo môi trường đầu tư thuận lợi, ổn định, thông thoáng để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
 
Ngoài ra, tỉnh sẽ triển khai mạnh các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để tạo ra sản phẩm nông sản hàng hóa chất lượng, giá trị kinh tế cao, giúp nông dân tăng cao thu nhập, nâng lên đời sống.
 
Mặt khác, trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh đổi mới và phát triển công tác đào tạo nghề cho nông dân, chú trọng đào tạo những nghề như nuôi trồng thủy sản thâm canh, chăn nuôi gia súc, gia cầm; sản xuất giống cây trồng, chế biến nông - lâm - thủy sản, cơ khí nông nghiệp. Đồng thời, củng cố lại các hợp tác xã nông nghiệp để nông dân tham gia các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh liên kết với doanh nghiệp nhằm chủ động trong sản xuất, tránh trình trạng “được mùa, mất giá”, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
 
Thời gian qua, chương trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Kiên Giang đã trở thành phong trào sâu rộng trong toàn tỉnh, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Hạ tầng kinh tế - xã hội và diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện nâng cao.
 
Đến nay, tỉnh có 79/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các chỉ tiêu nông thôn mới bình quân toàn tỉnh đạt 16,6 tiêu chí/xã, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn 50 triệu đồng/người/năm. Huyện Tân Hiệp của tỉnh đã đạt huyện nông thôn mới và tỉnh đề nghị Trung ương thẩm định công nhận 2 huyện Giồng Riềng và Gò Quao đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
 
Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn tỉnh có 80% đường liên ấp nhựa hóa, 99% hộ sự dụng điện an toàn, giải quyết việc làm từ 35.000 - 40.000 lao động/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh trên 99%...
 
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Đỗ Minh Nhựt chia sẻ: Để đạt mục tiêu đề ra trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng tiêu chí một cách bền vững ở các xã, nhất là các xã đã được công nhận nông thôn mới. Tỉnh chú trọng xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
 
Ngoài việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ vùng nông thôn, tỉnh còn tập trung đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp để giúp nông dân nâng cao thu nhập; phấn đấu giá trị sản lượng trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 130 - 170 triệu đồng/ha; trong đó, giá trị sản lượng bình quân trồng trọt từ 100 - 110 triệu đồng/ha và thực hiện tốt đề án mỗi xã một sản phẩm.

Tin, ảnh: Lê Huy Hải (TTXVN)