09:06 03/09/2014

Huy động mọi nguồn lực để nâng sức cạnh tranh

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về việc nâng cao sức cạnh tranh của các loại thịt Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về việc nâng cao sức cạnh tranh của các loại thịt Việt Nam.



Xin ông cho biết, nguyên nhân chính khiến một số loại thịt của chúng ta có giá cao hơn so với các nước khác?


Nguyên nhân chính là do con giống của chúng ta chưa đạt tiêu chuẩn, năng suất thấp, không phù hợp với điều kiện từng vùng, chưa chọn được các giống lợi thế ở các vùng. Thứ hai, giá thức ăn chăn nuôi cao, dịch bệnh xảy ra nhiều, chưa xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học… Tất cả các yếu tố đó làm cho giá thành các sản phẩm thịt trong nước sẽ bị “đội lên”, sức cạnh tranh kém đi. Hơn nữa, chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ chi phí cao hơn tập trung, hiện chúng ta có khoảng 4 triệu hộ chăn nuôi lợn, 8 triệu hộ chăn nuôi gia cầm.


Thực tế, thịt bò Australia trong thời gian qua được nhập về Việt Nam khá nhiều, ví dụ chỉ một công ty ở Long An đã nhập tới 150.000 con/năm, còn hàng loạt các công ty nhập khẩu khác. Ngoài ra, chúng ta còn nhập qua đường tiểu ngạch từ Campuchia, Lào….

 

Vậy chúng ta phải làm gì để hạ giá thành các sản phẩm, để cạnh tranh với thịt nhập ngoại, thưa ông?


Trước hết, chúng ta phải giải quyết khâu giống, mấu chốt là chủ động xây dựng các nguồn sản xuất giống nội địa có chất lượng cao. Tăng cường đầu tư khoa học để có được những loại giống mang tính chất chủ lực cho địa phương. Như vậy, mới tăng được năng suất, hạ giá thành sản phẩm, cạnh tranh với thị trường. Ngoài ra, chúng ta sẽ nhập giống chất lượng cao như: gà nhập từ Thái Lan, Malaysia, Đức, Mỹ; Vịt từ Anh, Pháp; Lợn từ Đan Mạch, Mỹ, Australia; Bò từ Australia, Mỹ.


Cục đã có đề án tăng cường quản lý giống vật nuôi và trình Bộ trưởng để ban hành thông tư về quản lý giống vật nuôi. Khi chất lượng giống vật nuôi được tăng cường; năng suất, chất lượng tăng, sản phẩm chăn nuôi sẽ có tính cạnh tranh cao hơn. Song song với việc cải thiện giống, chúng ta tiến hàng liên kết giữa người chăn nuôi để tạo thành các tổ hợp tác, kết nối với thị trường .


Hiện nay, chăn nuôi nông hộ vẫn còn nhiều. Trong đề án tái cơ cấu, các hộ ở quy mô vừa phải liên kết với nhau, tạo ra các mô hình lớn, như vậy mới cạnh tranh được với thị trường. Sắp tới Chính phủ sẽ ban hành chính sách về chăn nuôi nông hộ, mục đích không phải tăng số lượng mà để tăng quy mô, an toàn sinh học và chất lượng hơn.


Trong thời gian qua, người nông dân được hưởng lợi ít, trong khi khâu trung gian, thương lái có lãi rất cao. Do đó, chúng ta sẽ thành lập các liên kết chuỗi. Đây cũng là một trong những nội dung của tái cơ cấu chăn nuôi, xây dựng các điểm để liên kết chuỗi, truy xuất nguồn gốc. Một số mô hình đã thành công như: HTX Gò Công, một số mô hình ở Long An… các công đoạn đều có giá trị gia tăng.

 

Chúng ta sắp ký Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), thuế suất các mặt hàng thịt nhập khẩu sẽ hạ xuống. Việt Nam đã chuẩn bị gì cho vấn đề này?


Đối với ngành chăn nuôi, hội nhập quốc tế có rất nhiều thách thức nhưng chúng ta vẫn phải có các bước chuyển mình. Đặc biệt, theo chỉ đạo chung là tất cả các sản phẩm chăn nuôi phải hạ giá thành, nâng cao chất lượng thì mới có thể cạnh tranh được. Ví dụ đối với con gà trắng công nghiệp thì không cạnh tranh được nhưng với gà mầu thả vườn thì ta có thể cạnh tranh được.


Cục đang nỗ lực triển khai nhiều vấn đề để chăn nuôi gia nhập TPP được tốt hơn, bằng cách huy động tất cả các nguồn lực từ giống, thức ăn, môi trường, phòng trừ dịch bệnh thì giá thành sản phẩm sẽ hạ, chất lượng sản phẩm sẽ tăng lên, năng suất vật nuôi tăng lên, lúc đó mới có thể cạnh trạnh được với thịt ngoại.

 

Hữu Vinh