10:23 25/10/2015

Huy động doanh nghiệp tham gia

Phóng viên báo Tin Tức có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Trung (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH, về các giải pháp để tăng hiệu quả của hoạt động đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp.


Theo phản ánh, một trong những nguyên nhân khiến người lao động chưa mặn mà theo học nghề do các nghề được hỗ trợ đào tạo chủ yếu là trình độ sơ cấp. Vậy trong thời gian tới, hướng giải quyết của Cục như thế nào, thưa ông?


Không ít doanh nghiệp chỉ tuyển lao động có trình độ phổ thông, họ chỉ đào tạo 1 tuần là có thể đưa vào dây chuyền làm việc. Những lao động này có nguy cơ thất nghiệp cao do tay nghề thấp. Do đó, để có việc làm lâu dài, người lao động cần tìm kiếm một nghề có trình độ, kỹ năng cao hơn. Tuy nhiên, có một bất cập là để đào tạo thành thạo một nghề có chuyên môn kỹ thuật, phải mất ít nhất 12 tháng. Trong khi quy định hiện nay chỉ hỗ trợ người lao động thất nghiệp học nghề tối đa 6 tháng, như vậy sẽ chưa đủ để thành nghề.


Theo ông, để khuyến khích người thất nghiệp theo học nghề, cần có giải pháp gì?


Các trung tâm dịch vụ việc hiện nay chủ yếu làm chức năng tư vấn, giới thiệu việc làm và khi làm thủ tục giải quyết thất nghiệp thì giới thiệu người thất nghiệp đến các cơ sở đào tạo nghề để người lao động lựa chọn. Như vậy việc đào tạo nghề hiện nay phụ thuộc vào việc người lao động có nhu cầu hay không. Do đó, trước mắt chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền để người lao động hiểu về tác dụng của việc học nghề sau thất nghiệp. Bên cạnh đó, Cục sẽ cải thiện về mặt chính sách, mức hỗ trợ.

Tuy nhiên, tâm lý người lao động khi thất nghiệp muốn có việc làm ngay nên cần có sự gắn kết giữa cung và cầu lao động, mà ở đây là sự vào cuộc của các doanh nghiệp trên địa bàn, để người lao động học xong thì có việc làm ngay. Cụ thể, nếu doanh nghiệp cần lao động về ngành nghề, lĩnh vực gì thì sẽ trực tiếp mở lớp đào tạo cho người lao động về ngành nghề đó, kinh phí đào tạo sẽ do BHXH trích từ nguồn bảo hiểm thất nghiệp chi trả cho doanh nghiệp. Sau khi học xong, doanh nghiệp nhận lao động vào làm việc đúng với ngành nghề mà doanh nghiệp đã đào tạo cho họ. Chỉ khi thấy được “đầu ra”, mới là động lực để người lao động thất nghiệp đăng ký học nghề và chuyển đổi nghề một cách thích hợp.

Xin cảm ơn ông!
Xuân Minh (thực hiện)