10:11 10/10/2022

Hướng tới việc chuyển đổi số toàn diện lực lượng quản lý thị trường

Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, Tổng cục Quản lý thị trường xây dựng Kế hoạch hành động với mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành quản lý thị trường số theo định hướng Chính phủ số.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Minh Quyết/TTXVN

Theo ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của thời đại, ngay từ khi Tổng cục Quản lý thị trường được thành lập đã quán triệt ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ trọng tâm triển khai đồng bộ toàn lực lượng.

Định hướng này đã trở thành kim chỉ nam xuyên suốt toàn bộ hoạt động của lực lượng, đưa Tổng cục Quản lý thị trường trở thành một trong những đơn vị đi đầu của ngành công thương thực hiện theo đúng chủ trương của Chính phủ về chuyển đổi số.

Ông Trần Hữu Linh cho biết, ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg về Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, ngày 10/10 hàng năm được lấy là Ngày Chuyển đổi số quốc gia.

Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, nâng cao nhận thức của toàn dân về vai trò, ý nghĩa của chuyển đổi số; thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị, bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số. Vì vậy, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) xây dựng Kế hoạch hành động với mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành quản lý thị trường số theo định hướng Chính phủ số.

Bên cạnh đó, Tổng cục sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý thực hiện chuyển đổi số toàn diện lực lượng quản lý thị trường.

Nhằm phát triển, hiện đại hóa toàn diện lực lượng, Tổng cục Quản lý thị trường  tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý nhà nước, đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện chuyển đổi số toàn diện lực lượng.

Ngoài ra, hoàn thiện chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ theo hướng tập trung hóa, hiện đại hóa, tự động hóa việc quản lý điều hành nghiệp vụ quản lý thị trường

Mặt khác, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý điều hành trong lực lượng; xây dựng và tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian từ Tổng cục tới các Cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố đáp ứng thực hiện quản lý thị trường số hướng tới chuyển đổi số toàn diện lực lượng.

Tổng cục Quản lý thị trường còn hướng tới việc xây dựng và vận hành Hệ thống công nghệ thông tin quản lý thị trường đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện lực lượng theo định hướng chung của Bộ Công Thương xử lý nghiệp vụ thống nhất trên cùng hệ thống, sẵn sàng kết nối và chia sẻ dữ liệu số với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan; đảm bảo tiếp nhận và chia sẻ các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao...

Đặc biệt, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả thực chất nhằm phục vụ thực thi pháp luật; thúc đẩy hợp tác, trao đổi thông tin nghiệp vụ với quản lý thị trường khu vực và trên thế giới nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại hợp pháp, phòng chống và ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại.

Ông Trần Hữu Linh chia sẻ: Ngay khi nhận nhiệm vụ, Tổng cục Quản lý thị trường đã quyết tâm mang “công nghệ số” bao phủ lên toàn bộ hoạt động của lực lượng. Vì vậy, chỉ sau vài tháng hoạt động theo mô hình ngành dọc, 100% văn bản đi đến của Tổng cục Quản lý thị trường được thực hiện trên môi trường điện tử, Hệ thống Cổng thông tin điện tử Tổng cục liên thông 63 Cục Quản lý thị trường địa phương được triển khai thông suốt.

Cùng đó, các phần mềm kế toán, phần mềm tổ chức cán bộ, phần mềm thi đua khen thưởng… đã được ứng dụng vào hoạt động hàng ngày góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, giúp công chức dễ dàng thống kê, tổng hợp với độ chính xác cao.

Dấu ấn đậm nét trong công cuộc chuyển đổi số của lực lượng quản lý thị trường là việc triển khai Hệ thống INS. Khởi tạo từ đầu năm 2019, đến 01/12/2020, hệ thống được đưa vào vận hành để kiểm soát viên làm quen với việc nhập dữ liệu, phát hiện những tồn tại, thiếu sót để chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với hoạt động thực tế.

Bắt đầu từ ngày 1/2/2022, Hệ thống INS chính thức được thi hành đồng bộ, thống nhất toàn lực lượng. Kể từ thời điểm này, các Đoàn kiểm tra, các Đội Quản lý thị trường thực hiện hoạt động công vụ thay vì mang một cặp tài liệu với vô số sổ sách sẽ mang theo máy tính xách tay. Toàn bộ thao tác xử lý vi phạm được thực hiện trên máy tính.

Thời gian đầu, rất nhiều kiểm soát viên chưa quen với các thao tác nhập liệu trên hệ thống hiện đại như INS. Tuy nhiên, trước quyết tâm đổi mới của Người đứng đầu lực lượng, tất cả những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Hệ thống đã được nhanh chóng khắc phục.

Nhiều cuộc tập huấn từ cấp Tổng cục, Cục, đến cập Đội đã diễn ra trong nhiều tháng, trên phạm vi cả nước. Đến nay, kiểm soát viên tại các Đội đã thực hiện nhuần nhuyễn và tự tin với từng thao tác của hệ thống. INS từ đây cũng trở thành “linh hồn” của lực lượng.

Nhờ cập nhật tất cả các dữ liệu lên INS theo từng quy trình, với các biểu mẫu liên thông, liên kết với nhau, việc xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng quản lý thị trường đảm bảo minh bạch, chính xác. Bên cạnh đó, hệ thống cũng sẽ giảm thiểu ngân sách rất lớn cho khoản in mẫu ấn chỉ sẵn.

Theo ông Trần Hữu Linh, định hướng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động công vụ được Tổng cục Quản lý thị trường thực hiện theo đúng chủ trương của Chính phủ về chuyển đổi số. Đây được coi là bước tiên phong trong chuyển đổi số ở lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính của bộ máy công quyền hiện nay mà lực lượng quản lý thị trường đã triển khai thành công.

Uyên Hương (TTXVN)