02:23 16/02/2014

Hướng tới thị trường viễn thông cạnh tranh

Theo Đề án tái cơ cấu thị trường viễn thông được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) trình Chính phủ, MobiFone sẽ tách ra khỏi VNPT và thành lập Tổng công ty Thông tin di động.

Theo Đề án tái cơ cấu thị trường viễn thông được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) trình Chính phủ, MobiFone sẽ tách ra khỏi VNPT và thành lập Tổng công ty Thông tin di động. Giới viễn thông cho rằng: Việc cổ phần hóa MobiFone khi tách nhà mạng này khỏi VNPT sẽ giúp thị trường viễn thông tăng tính cạnh tranh, mở đường cho xu hướng tư nhân hóa, tránh lãng phí đầu tư từ "bầu sữa" ngân sách nhà nước.


Cạnh tranh để nâng dịch vụ


Ông Trần Mạnh Hùng- Tổng Giám đốc VNPT cho biết: Từ tháng 5/2012, VNPT đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tái cơ cấu tập đoàn, trong đó quan điểm của VNPT là không quản lý cùng lúc hai mạng di động. “Sau một thời gian thảo luận, họp bàn với Bộ TT-TT cuối cùng đi đến thống nhất tách MobiFone nhằm đảm bảo tập đoàn có bức tranh tài chính lành mạnh và MobiFone vẫn tiếp tục phát triển tốt trong thời gian tới”, ông Hùng nói.


MobiFone sẽ tách khỏi VNPT để hoạt động độc lập.


Theo ông Phạm Hồng Hải - Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), tách MobiFone vì đây là thương hiệu mạnh, hoạt động độc lập hơn so với VinaPhone thuộc VNPT. Khi tách ra sẽ giúp cho chủ trương cổ phần hóa của Chính phủ nhanh hơn. Tách MobiFone song vẫn đảm bảo VNPT có bức tranh tài chính lành mạnh và MobiFone vẫn có nhiều điều kiện phát triển.


Trao đổi với báo giới, TS Mai Liêm Trực - nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT-TT) cho rằng: Muốn thị trường viễn thông cạnh tranh hoàn thiện thì phải có 1- 2 doanh nghiệp không phải của Nhà nước, chiếm 1/3 thị phần của thị trường viễn thông Việt Nam. “Không nên đặt mục tiêu thành lập tổng công ty mới mà phải là cổ phần hóa MobiFone, tránh chuyện tách MobiFone thành một tổng công ty nhà nước. Nếu cứ để cả 3 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất đều là doanh nghiệp nhà nước (Viettel, VinaPhone và MobiFone- PV) thì thị trường sẽ khó cạnh tranh lành mạnh", ông Trực nói. Chuyên gia này cho rằng: Nhà nước phải thành lập một ban cổ phần hóa MobiFone, không chỉ doanh nghiệp, Bộ TT-TT mà phải có sự vào cuộc của các chuyên gia kinh tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.


Theo TS.Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, MobiFone phải cổ phần hóa để tìm các nhà đầu tư chiến lược có năng lực công nghệ tốt, buộc các doanh nghiệp còn lại phải cung cấp dịch vụ tốt hơn. Ông Lê Ngọc Minh, Chủ tịch MobiFone khẳng định: Nếu đề án được Thủ tướng phê duyệt, MobiFone sẽ là một doanh nghiệp độc lập và sẽ triển khai đa dịch vụ hơn ở lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, chứ không chỉ dừng lại “nghề chính” là di động như hiện nay.


Trước câu hỏi liệu khi cổ phần hóa MobiFone sẽ có bao nhiêu % vốn của doanh nghiệp nước ngoài, không đưa ra con số cụ thể, ông Hải chỉ nói rằng theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, doanh nghiệp nước ngoài có thể sở hữu 49% vốn trong các doanh nghiệp hạ tầng. Đại diện Bộ TT-TT dự đoán: Có thể giai đoạn 2014- 2015 hoặc đầu năm 2016, việc cổ phần hóa MobiFone sẽ được hoàn tất.


Thời điểm chín muồi để tái cấu trúc


Theo các chuyên gia viễn thông, 2014 được xem là năm quyết liệt tái cấu trúc bởi cả 3 nhà mạng chiếm hơn 97% thị phần viễn thông của Việt Nam là Viettel, MobiFone và VinaPhone sẽ bước vào giai đoạn quyết định phương án tái cấu trúc. Thị trường viễn thông không còn là “miếng bánh ngon” nữa và “khai tử”, mua bán sáp nhập doanh nghiệp viễn thông tất yếu sẽ xảy ra. Năm 2014 được xem là thời điểm chín muồi cho các đơn vị thực hiện.


Bên cạnh việc tái cấu trúc VNPT, Thủ tướng đã có Quyết định số 753/QĐ-TTg phê duyệt Đề ái Tái cơ cấu Viettel giai đoạn 2013- 2015. Theo đó, Viettel sẽ có 11 đơn vị, 63 chi nhánh tại các tỉnh, thành phố trong nước hạch toán phụ thuộc công ty mẹ, 3 công ty TNHH một thành viên là đơn vị độc lập do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ. Viettel sẽ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tại 7 đơn vị, nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ tại 4 đơn vị và sẽ phải thoái vốn tại 5 công ty cổ phần khác.


Trả lời phóng viên TTXVN, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son cho hay: Bộ đang chỉ đạo Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC xây dựng, báo cáo phương án tách Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC về trực thuộc Bộ theo Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ. Sau đó, sẽ xây dựng phương án tổ chức lại VTC để phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng. “Tôi tin rằng khi hoàn thành việc thực hiện tái cơ cấu VNPT, chắc chắn thị trường viễn thông Việt Nam sẽ có những đột phá mới”, Bộ trưởng nói.


“Tách khỏi VNPT, MobiFone sẽ trở thành một doanh nghiệp mới hoạt động độc lập, có khả năng cạnh tranh với Viettel và VinaPhone. Khi đó, thị trường viễn thông Việt Nam sẽ hình thành ít nhất 3 doanh nghiệp tương đối mạnh, tạo thế chân vạc đảm bảo cho thị trường cạnh tranh, phát triển bền vững hơn”. Đại diện Cục Viễn thông

Minh Phương