04:14 04/04/2019

Hướng tới mục tiêu 'quốc gia không còn tác động của bom mìn'

Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh đối với sức khỏe con người, môi trường sinh thái ở Việt Nam còn rất nặng nề. Đây là một trong những thách thức lớn trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam.

Chú thích ảnh
Lữ đoàn Công binh 25, Quân khu 9 vận chuyển bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh được thu gom trên địa bàn 7 tỉnh: Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và An Giang đến điểm hủy nổ. Ảnh: Thanh Sang/TTXVN

Những năm qua, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Đảng, Chính phủ, nhân dân Việt Nam đã nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn và đạt được những kết quả quan trọng trong vấn đề xây dựng hành lang pháp lý, công tác rà phá bom mìn, hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân…, với mục tiêu trở thành quốc gia không còn tác động của bom mìn.

Cần hàng trăm năm để làm sạch bom mìn tại Việt Nam

Bom mìn và vật nổ còn sót lại sau chiến tranh là hiểm họa hằng ngày đối với nhiều người dân tại Việt Nam. Ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800.000 tấn; diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha, chiếm 18,71% diện tích đất tự nhiên của cả nước. Số bom mìn, vật liệu nổ vẫn còn rải rác tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó tập trung nhiều nhất tại địa bàn một số tỉnh miền Trung.

Từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót lại phát nổ đã làm trên 40.000 người tử vong, trên 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn nạn nhân đều là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Ngoài ra, từ sau khi chiến tranh kết thúc đến nay, cả nước có trên 2.000 cán bộ, chiến sĩ công binh hy sinh và bị thương khi làm nhiệm vụ rà phá bom mìn để mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701, sự nỗ lực và hy sinh thầm lặng của lực lượng công binh là vô cùng to lớn, tuy nhiên vẫn chưa thể giúp chấm dứt hoàn toàn các vụ tai nạn do bom mìn gây ra.

Chương trình phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc cũng coi khắc phục hậu quả bom mìn và hậu quả chiến tranh là mục tiêu lớn của cả thế giới, trong đó có Việt Nam. Với thực trạng ô nhiễm bom mìn hiện nay, Việt Nam cần hàng trăm năm để làm sạch hoàn toàn bom mìn.

Những năm qua, Bộ Quốc phòng đã đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn tại những vùng bị ô nhiễm, tập trung ở những địa bàn có diện tích ô nhiễm cao như Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Hà Giang, Đồng bằng sông Cửu Long…

Tuy đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng để làm sạch hết bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam cần kinh phí hàng chục tỷ USD, với thời gian kéo dài hơn 100 năm, chưa kể hàng tỷ USD dành cho việc tái định cư, đảm bảo an sinh xã hội ở vùng ô nhiễm bom mìn.

Hướng tới tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế

Ngay sau khi kết thúc chiến tranh năm 1975, Đảng, Nhà nước ta đã xác định việc khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, lâu dài. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo công tác tập trung rà phá bom mìn, trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng; tập trung tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân.

Tháng 4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Hành động Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, giai đoạn 2010 - 2025 (Chương trình 504). Ngày 24/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 701 về việc thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) với nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp với Thủ tướng Chính phủ, giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh; các giải pháp huy động, vận động tài trợ, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam.

Ban Chỉ đạo 701 có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, xây dựng kế hoạch 5 năm và hằng năm để thực hiện chương trình, kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh; điều phối công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong những năm qua, các cơ quan, bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai khắc phục hậu quả bom mìn, đạt được nhiều kết quả quan trọng; đã dò tìm, tiêu hủy nhiều tấn bom đạn các loại; giải phóng, làm sạch hàng trăm nghìn héc ta đất; hỗ trợ, tạo sinh kế cho hàng vạn nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng…

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam, các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện công tác tuyên truyền khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bom mìn 4/4; vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước chung tay khắc phục hậu quả bom mìn; thông qua các kênh thông tin để phát hiện, nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả; hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng…

Năm 2018, Việt Nam tập trung ưu tiên, điều phối, thực hiện các dự án khảo sát kỹ thuật và rà phá bom mìn, trong đó có dự án khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Quảng Bình và Bình Định bằng nguồn tài trợ của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) với tổng kinh phí 20 triệu USD và chương trình khoa học công nghệ “Xây dựng hệ thống thông tin quản lý ô nhiễm bom mìn và phát triển hệ thống trang thiết bị, phương tiện phục vụ dò tìm, xử lý bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam” cấp Bộ Quốc phòng.

Đồng thời, Việt Nam đã tổ chức các chương trình, hội thảo ở trong nước và quốc tế, góp phần thể hiện thái độ, trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam đối với công tác khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung và bom mìn nói riêng, đồng thời để cho thế giới hiểu được, mặc dù rất nỗ lực nhưng những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề sau chiến tranh như Việt Nam vẫn rất cần nhận được sự ủng hộ, quan tâm của quốc tế.

Theo Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam, thành công lớn của năm 2018 trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn là việc các cơ quan liên quan đã đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định 18/2019/NĐ-CP về quản lý và thực hiện khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh.

Nghị định quy định rõ các nội dung về: Điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, đánh giá mức độ tồn dư, bom mìn vật nổ sau chiến tranh; rà phá bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh; công tác tuyên truyền, giáo dục, phòng chống tai nạn bom mìn, vật nổ sau chiến tranh cho nhân dân; hỗ trợ nạn nhân và đào tạo nghiên cứu khoa học - công nghệ liên quan đến khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ… bao quát theo tiêu chuẩn của Liên hợp quốc. Nghị định có hiệu lực từ ngày 20/3/2019.

Nghị định cũng đã đưa ra các chính sách nhằm thực hiện công tác khắc phục hậu quả bom mìn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bộ Quốc phòng chủ trì triển khai, điều phối các hoạt động trong Nghị định này.

Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá, đây là văn bản tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc khắc phục bom mìn, hậu quả sau chiến tranh ở Việt Nam; đồng thời cơ bản hệ thống hóa lại toàn bộ quy định về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam đã được ban hành qua các thời kỳ.

Nhiều nội dung trong văn bản đã tiếp cận với tiêu chuẩn về hành động bom mìn quốc tế, thể hiện sự hội nhập của Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Về mặt quản lý Nhà nước, Nghị định đã thể hiện cam kết mạnh mẽ, sự quan tâm thích đáng của Chính phủ đối với những nạn nhân của tai nạn bom mìn, sự thống nhất về điều hành; góp phần động viên, tập trung nguồn lực trong nước, quốc tế; phát huy được vai trò của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và gắn trách nhiệm của họ với hoạt động này.

Trong tháng 4/2018, Việt Nam đã công bố được bản đồ ô nhiễm bom mìn. Dữ liệu về khu vực ô nhiễm bom mìn là dữ liệu rất quan trọng đối với việc quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai; là cơ sở của việc xem xét sử dụng tài nguyên đất và thực hiện công tác rà phá. 2018 cũng là năm triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền về khắc phục hậu quả bom mìn theo chuỗi sự kiện tại nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Huế, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Cần Thơ, Kon Tum, Khánh Hòa…, thu hút sự tham gia của trên 20.000 người, đảm bảo sức lan tỏa, hiệu quả cao.

Ngoài ra, Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã tổ chức in truyện tranh dành cho thiếu niên, nhi đồng với chủ đề “Giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn sau chiến tranh” gồm 3.000 bộ với 11 đầu sách. Tổng số sách in đợt một là 33.000 cuốn. Truyện có nội dung, hình thức cuốn hút, mang tính giáo dục cao, phù hợp với trẻ em, được Hội và các chi hội địa phương tổ chức các hoạt động trao tặng cho học sinh tại các vùng ô nhiễm trên địa bàn toàn quốc. Tuy mới ra mắt thử nghiệm nhưng các đầu sách đã nhận được phản hồi tốt từ dư luận xã hội, các nhà trường và đông đảo học sinh.

Tập trung nguồn lực cho các địa phương bị ô nhiễm nặng

Với mong muốn trở thành quốc gia không còn tác động của bom mìn, Việt Nam cần nâng cao năng lực, đồng thời huy động nhiều nguồn lực tăng tốc độ rà phá bom mìn, để sau vài chục năm tiếp theo có thể giải quyết cơ bản hậu quả bom mìn sau chiến tranh, đó là nhiệm vụ của Chính phủ cũng như trăn trở của hơn 90 triệu người dân Việt Nam.

Sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, việc tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về Chương trình 701 nhằm thống nhất, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và mọi tầng lớp nhân dân… sẽ góp phần tạo ra động lực thực sự để hoàn thành mục tiêu này.

Theo Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, thời gian tới, Việt Nam cần hướng đến hoàn thành cơ bản kế hoạch Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025; đồng thời xây dựng hoàn chỉnh các Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định về quản lý, thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn.

Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan theo nhiệm vụ đã phân công cụ thể cần tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia rà phá, xử lý bom mìn; tập trung mở rộng quan hệ với các đối tác tiềm năng; củng cố, thực hiện hợp tác có hiệu quả, thiết thực với các đối tác, thúc đẩy các bên thực hiện Bản ghi nhớ đã ký kết.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thực trạng hậu quả bom mìn nhằm vận động tài trợ quốc tế; giáo dục ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho người dân; nâng cao nhận thức của cộng đồng về hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh; thực hiện các hoạt động hỗ trợ nạn nhân bom mìn ổn định cuộc sống… là những hoạt động hết sức cần thiết. Công tác điều phối, quản lý các dự án về khắc phục bom mìn theo Chương trình 504; hoạt động nâng cao năng lực cho các lực lượng cần được đảm bảo thực hiện an toàn, hiệu quả; phấn đấu triển khai thực hiện công tác rà phá bom mìn phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đạt khối lượng diện tích khoảng 50.000 ha/năm, từ đó làm giảm tỉ lệ bom mìn trên toàn quốc xuống dưới 15%, nhất là các tỉnh bị ô nhiễm nặng.

Trong những năm tiếp theo, Việt Nam cũng sẽ tiếp tục triển khai dự án “Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam”. Các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp xây dựng dự án, trình thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án khảo sát kỹ thuật và rà phá bom mìn khắc phục hậu quả chiến tranh tại 5 tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Nam, Quảng Trị bằng nguồn vốn ODA tài trợ của các nước, tổ chức trong nước và quốc tế.

Hiền Hạnh (TTXVN)