02:16 17/02/2012

Hướng thực hiện các dự án khuyến nông trọng điểm

Tại hội nghị bàn phương hướng kế hoạch khuyến nông 2012 tại Hà Nội vào ngày 16/2, đại diện các tỉnh, thành đánh giá cao phương thức chuyển kế hoạch khuyến nông hàng năm sang thực hiện các dự án khuyến nông trọng điểm, ổn định từ 2-3 năm.

Tại hội nghị bàn phương hướng kế hoạch khuyến nông 2012 tại Hà Nội vào ngày 16/2, đại diện các tỉnh, thành đánh giá cao phương thức chuyển kế hoạch khuyến nông hàng năm sang thực hiện các dự án khuyến nông trọng điểm, ổn định từ 2-3 năm.

Tại các địa phương, mức độ và phương thức hỗ trợ khác nhau nhưng một số tỉnh đã chỉ đạo xây dựng, phê duyệt và triển khai các chương trình, dự án khuyến nông ổn định 3-5 năm để thúc đẩy phát triển một số loại cây con, sản phẩm hàng hoá thế mạnh của địa phương.


Nông dân xã Dậu Dương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ sử dụng giàn sạ vào sản xuất vụ chiêm xuân. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN.



Do mới triển khai nên cơ chế đầu thấu các chương trình, dự án khuyến nông còn lúng túng; quy mô xây dựng mô hình trình diễn nhìn chung còn mang tính bình quân, chưa có sự phân biệt giữa mô hình khuyến nông sản xuất nhỏ, phục vụ xoá đói giảm nghèo với mô hình phục vụ sản xuất hàng hoá lớn; giữ mô hình kỹ thuật cải tiến và mô hình ứng dụng công nghệ cao. Một số nơi đầu tư dàn trải, manh mún làm tăng chi phí quản lý và khó tạo sự bứt phá mạnh trong sản xuất; nhất là lĩnh vực lâm nghiệp, chăn nuôi, thuỷ sản, cơ giới hoá, áp dụng công nghệ cao…

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, đến hết năm 2011, tổng số cán bộ khuyến nông viên trong cả nước là 34.750 người, tăng 3% so với năm trước; trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 34,8%. Tuy vậy, khuyến nông cơ sở là tổ chức trực tiếp gắn bó với nông dân nhưng còn 11 tỉnh chưa có mạng lưới khuyến nông viên cấp xã; một số địa phương có số lượng chưa đủ theo yêu cầu. Hiện chỉ có 4 tỉnh (Sơn La, Thanh Hoá, Tiền Giang, Trà Vinh) xây dựng được 780 CLB khuyến nông thôn bản thu hút gần 20.000 người… Kinh phí đầu tư cho khuyến nông còn thấp, bình quân khoảng 40.000 đồng/hộ sản xuất nông nghiệp. Việc khai thác các nguồn kinh phí ngoài ngân sách cho khuyến nông còn rất hạn chế. Khâu tổ chức dịch vụ khuyến nông của các tổ chức Nhà nước còn yếu, nhất là các tỉnh miền Bắc.

Để công tác khuyến nông hiệu quả, Bộ NNPTNT đề nghị Bộ Tài Chính phối hợp đề xuất sửa Nghị định số 02/2010/NĐ-CP theo hướng phân biệt rõ quy mô và cơ chế hỗ trợ khuyến nông cho hai phương thức sản xuất khác nhau gồm: khuyến nông cho người sản xuất nhỏ (chủ yếu tự cung tự cấp, người nghèo) vẫn áp dụng như cũ và khuyến nông cho người sản xuất hàng hoá, áp dụng công nghệ cao theo hướng nâng mức hỗ trợ tối đa gấp 2-3 lần so với quy định hiện nay. Năm 2012, tổng kinh phí khuyến nông trung ương là 248.6 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2011; kinh phí khuyến nông từ ngân sách địa phương dự kiến là 290 tỷ đồng và kinh phí từ nguồn khác dự kiến là 13 tỷ đồng.


X
uân Minh