01:16 19/01/2014

Hương quê ngày Tết

Cứ mỗi độ xuân về, dù ở thị thành hay miền quê chân chất, trong lòng cư dân Nam Bộ vẫn nhớ hoài bức tranh quê êm ả với bao món ăn dân dã.

Cứ mỗi độ xuân về, dù ở thị thành hay miền quê chân chất, trong lòng cư dân Nam Bộ vẫn nhớ hoài bức tranh quê êm ả với bao món ăn dân dã.


Nhớ lúc nhỏ, gần Tết là xóm tôi tất bật xay gạo chuẩn bị đổ bánh xèo, tiếng xay gạo kẽo kẹt rộn rã khắp nơi, vừa xay vừa kể chuyện làng, chuyện xóm, chuyện mùa màng, cưới hỏi, sắm sửa vật dụng trong nhà... Chuyện pha bột thấy vậy nhưng vô cùng khó khăn, thường chỉ để cho mấy bà nội trợ có tay nghề “lão luyện” đảm nhận mới có bột ngon.


Xóm quê đâu đâu cũng thấy những liếp phơi bằng tre, bằng dừa, trên đó đầy bánh tráng, bánh phồng đủ loại, đủ màu, trẻ con thường được phân công coi chừng trở bánh cho khô đều dưới nắng. Vậy là vừa tụ tập đánh đáo, bắn cu li, bông dụ, đánh đũa... vừa làm nhiệm vụ trở bánh.


Quê tôi ngoài chuyện tráng bánh tráng, quết bánh phồng còn làm bánh in nhân đậu xanh, hấp bánh hồng đào, củ cải, gói bánh tét, bánh ít, bánh ú. Ngon và hấp dẫn nhất là bánh nấu với lá cẩm, nước tro. Cạnh đó còn hấp bánh thốt nốt, bánh bí, bánh kèn, sên mứt dừa, mứt gừng, mứt chuối…


Dù vất vả, tốn công nhưng xóm tôi vẫn còn vài hộ giữ nguyên cái nếp có tự lâu đời là cả nhà cùng đan lát, dệt chiếu. Người cao tuổi vừa hướng dẫn bọn trẻ đan, dệt, vừa kể chuyện cổ tích về lòng nhân ái, thủy chung, sự trung thực, dũng cảm của con người. Nhiều nhà khác tổ chức thắt lá dừa trang trí với nhiều hình dáng 12 con giáp rất lạ lẫm và thú vị, đẹp mắt.


Thường thì cả xóm chỉ có một vài ông đồ có tay nghề viết thư pháp. Ngày Tết mọi người thường tới nhờ ông đồ viết cho vài câu đối đỏ để cầu mong phước, lộc, thọ, tiền tài vô như nước, sức khỏe dồi dào, gia đình hạnh phúc, con cái ăn học thành đạt. Cạnh đó nhiều nhà còn nhờ viết những câu để trừ tà, ếm quỷ không cho chúng vào nhà. Ông đồ uy nghi đĩnh đạc vận áo dài đen, quần trắng, đầu đội khăn đống nhã từng chữ như rồng bay phượng múa. Cạnh đó có người luôn túc trực để mài mực tàu cho thầy.


Tết đến nhà nào cùng treo cây nêu trước ngõ đến mùng 7 mới hạ xuống. Trên bàn thờ luôn có mâm ngũ quả thường theo truyền tụng dân gian là: sung cầu vùa đủ xài. Vậy là những loại trái cây quen thuộc đó gồm trái sung, mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài. Ngoài ra có thể chưng thêm một số loại trái cây khác.


Bây giờ thời buổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Muốn ăn loại bánh mứt nào, mua sắm gì ra siêu thị, chợ đều có cả không phải mất thời gian lại dễ đổi món theo sở thích. Hàng mua nhiều có người mang giao tận nhà. Trái cây thờ cúng cũng như vậy đâu cần phải nắn nót vun trồng. Gần Tết những ông đồ viết thư pháp xuất hiện đầy trên đường phố, trẻ có, già có, chuyên nghiệp có, không chuyên có.


Riêng với tôi, hương quê ngày xuân cứ luôn thổn thức đeo bám tâm hồn không lúc nào quên. Đâu đây cứ văng vẳng tiếng bà tôi kể chuyện đời xưa trong tiếng giã gạo, ngào mứt, xay bột, tráng bánh trong làn gió xuân tràn ngập.


Vân Anh