12:13 19/12/2018

Hướng đi cho du lịch nông nghiệp, sinh thái ở ĐBSCL - Bài 2: Còn nhiều nút thắt

Du lịch nông nghiệp mang đến thu nhập "kép" cho nông dân. Tuy nhiên hiện nay, loại hình du lịch này chưa phát triển đồng bộ.

Chú thích ảnh
Trải nghiệm "một ngày làm ngư dân" tại vườn quốc gia Tràm Chim ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Chương Đài/TTXVN

Nhiều chuyên gia cho rằng, loại hình du lịch này vẫn chỉ phát triển mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, trùng lặp, chưa thực sự hấp dẫn du khách… Vì vậy, loại hình du lịch này vẫn còn nhiều "nút thắt" cần được tháo gỡ để phát triển.

Nguồn nhân lực yếu

Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, thu nhập của nông dân từ sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 27%. Trong khi đó, thu nhập từ các hoạt động phi nông nghiệp và dịch vụ chiếm 73%. Thế nhưng, tỷ lệ này vẫn không đồng đều giữa các địa phương. Những địa phương có kế hoạch phát triển du lịch nông nghiệp bài bản, thu nhập của nông dân mới cao và đảm bảo ổn định. Sự chênh lệch này xuất phát trước tiên từ yếu tố nhân lực phục vụ cho ngành. 

Theo ông Lưu Quang Định, Tổng Biên tập Báo Nông thôn ngày nay, phần lớn nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, không có đủ các kỹ năng để phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp. Điều này cho thấy, nguồn nhân lực chuyên nghiệp phục vụ cho du lịch nông nghiệp sinh thái của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn đang thiếu trầm trọng. Đồng thời, các tỉnh, thành vẫn chưa có sự liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực hỗ trợ cho ngành du lịch mang tính đặc thù nông nghiệp. 

Đặc trưng của loại hình du lịch này là khách đi tour chỉ là những nhóm nhỏ theo gia đình hoặc bạn bè. Đồng thời, khi đến những điểm tham quan là những hoạt động sản xuất, chế biến, họ sẽ trực tiếp tham gia cùng nông dân, không thụ động nghe hướng dẫn viên thuyết minh như các loại hình du lịch đền chùa, thắng cảnh... 

Thế nhưng, các hướng dẫn viên được đào tạo bài bản tại các trường du lịch lại thiếu phần đào tạo đi sâu vào thực tế sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, nhiều địa phương ĐBSCL đang khan hiếm nguồn nhân lực, đặc biệt là những người có kỹ năng phục vụ và khả năng sáng tạo cao. Trong khi đó, nhiều điểm du lịch có lao động nhưng tỷ lệ qua đào tạo thấp, chủ yếu là lao động giản đơn, không đáp ứng được yêu cầu phát triển.. Ngược lại, nông dân lại thừa kiến thức về sản xuất, nhưng lại thiếu kỹ năng hướng dẫn thu hút khách, tạo ấn tượng sâu sắc cho khách tham quan khi dừng chân tại trang trại của mình. 

Tình trạng thiếu nguồn nhân lực phục vụ du lịch nông nghiệp là một thực tế không thể... chối cãi. Khảo sát tại nhiều điểm du lịch nông nghiệp sinh thái tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp cho thấy, nguồn nhân lực có đào tạo chỉ đảm nhiệm khâu đưa khách đến điểm du lịch. Các khâu tổ chức, vui chơi, tìm hiểu lại do những nông dân thực hiện.

Ông Nguyễn Trường An, ngụ xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, khi bắt tay vào làm du lịch đồng sen cách đây 3 năm, gia đình ông phải tự “mày mò”, học hỏi kinh nghiệm làm du lịch, phục vụ, hướng dẫn khách từ các trang mạng xã hội. Để có thể phục vụ du khách tận tình, ông An huy động tất cả anh em cùng làm để có thể thu hút du khách đến vào những lần tiếp theo. 

Hạ tầng chưa tương xứng

Chú thích ảnh
Du khách nước ngoài thường chọn tham quan các điểm du lịch sinh thái ở Cần Thơ bằng xe đạp. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong năm 2017, ĐBSCL đã đón hơn 34 triệu lượt khách du lịch, tăng trung bình 9%/năm. Dù lượt khách tăng đều mỗi năm nhưng số lượng khách lưu trú tại khu vực rất thấp, ước tính, chỉ 10% lượt khách lưu trú lại điểm du lịch.

Chính vì thiếu hạ tầng cho du khách cũng như các dịch vụ du lịch đi kèm, nên khi đến đây du khách muốn chi tiêu cũng không thể. Mức chi tiêu của du khách khi đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn thấp hơn mức chi tiêu bình quân của khách du lịch cả nước. 

Đại diện một công ty du lịch chia sẻ, du lịch nông nghiệp vùng ĐBSCL có nhiều thế mạnh, nhưng trở ngại lớn là các khu lưu trú. Tại nhiều điểm du lịch, cơ sở hạ tầng lưu trú chưa được đầu tư đúng mức, chưa làm du khách hài lòng và lựa chọn là điểm đến trong những lần tiếp theo. 

Theo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, mức độ phát triển du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và vị trí của vùng. Nguyên nhân của thực trạng này là do xuất phát điểm thấp nên chưa khai thác triệt để lợi thế sông nước, nông nghiệp, nông thôn miệt vườn, đặc biệt còn xem nhẹ vai trò hợp tác, liên kết giữa các địa phương và giữa các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài vùng.

Bến Tre là địa phương có nhiều điểm du lịch nông nghiệp như khu Phú An Khang sản xuất dưa lưới, rau sạch, vườn trái cây và làng nghề truyền thống Chợ Lách, Châu Thành, Thạnh Phú. Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre cho biết, các sản phẩm du lịch tại Bến Tre mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống.

Trải nghiệm của du khách chỉ ở mức đơn giản, chưa tận dụng hết lợi thế thu hút khách cũng như tăng khả năng chi tiêu của khách qua các dịch vụ bổ trợ khác như mua sắm, trực tiếp tham gia dây chuyền sản xuất một loại sản phẩm, các dịch vụ tiện ích cao cấp... Cơ sở hạ tầng để phục vụ cho du lịch nông nghiệp vẫn chưa được đầu tư hết mức. Đây không chỉ là nhược điểm của tỉnh Bến Tre mà cũng chính là nhược điểm cần được khắc phục của đa số các địa phương vùng ĐBSCL, nếu muốn đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp tại khu vực này.  

Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định, đầu tư du lịch hiện nay chủ yếu gắn với đầu tư bất động sản du lịch, còn đầu tư du lịch gắn với nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều hộ sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL có quy mô vừa và nhỏ, việc đầu tư hạ tầng cho phát triển du lịch nông nghiệp gặp khó khăn nếu không có chiến lược phát triển và chính sách hỗ trợ phù hợp.

Để khai thác đúng mức lợi thế của loại hình du lịch này, cần đầu tư để tạo dựng cảnh quan, xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo, thu hút lao động, bồi dưỡng thuyết minh, hướng dẫn viên...

Bài cuối: Nhiều giải pháp tháo gỡ bất cập

Hồng Nhung (TTXVN)