08:06 10/08/2018

Hướng đến xây dựng nguồn nguyên liệu gỗ bền vững

Trong những năm gần đây, vấn đề truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp, người tiêu dùng ý thức cao về sử dụng đồ gỗ có xuất xứ rõ ràng để bảo vệ môi trường... đang được các nước đặt lên hàng đầu khi nhập khẩu gỗ.

Điều này cũng buộc các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam ý thức về trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ hợp pháp, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu có chứng chỉ về bền vững và bảo vệ sinh thái.

Chú thích ảnh
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt (Bình Định). Ảnh: Ly Kha/TTXVN

Từ chuyện của doanh nghiệp

Hơn một năm nay, mô hình liên kết hiệu quả giữa Công ty TNHH Scansia Pacific (Tp. Hồ Chí Minh) với các hộ dân có rừng trồng nhỏ lẻ để đạt chứng nhận FSC (quản trị bền vững và bảo vệ sinh thái, do Hội đồng Quản trị rừng thế giới cung cấp) đã được giới thiệu nhân rộng tại các hội nghị liên quan đến việc phát triển bền vững ngành chế biến gỗ. Scansia Pacific là một trong các doanh nghiệp cung cấp cho IKEA, một công ty Thụy Điển phân phối nội thất hàng đầu thế giới.

Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty TNHH Scansia Pacific, từ năm 2016, IKEA yêu cầu toàn bộ các sản phẩm gỗ phải được làm từ nguồn gỗ có chứng chỉ FSC. Vào thời điểm đó, Việt Nam có rất ít rừng có chứng chỉ FSC nên công ty đã chọn Thừa Thiên Huế (một trong 4 tỉnh được hưởng lợi từ Dự án Phát triển ngành Lâm nghiệp - WB3) để xây dựng mô hình liên kết giữa các hộ dân có rừng trồng nhỏ lẻ, thành diện tích đủ lớn để chứng nhận FSC. Và kết quả đáng khích lệ là từ năm 2016 đến nay, đã có 3.000 ha rừng keo của 609 hộ dân được cấp chứng chỉ FSC.

Thông qua các buổi làm việc với chính quyền địa phương và tiếp xúc với các hộ dân có rừng trồng, công ty quyết định hỗ trợ chi phí để đánh giá và duy trì chứng chỉ FSC trên diện tích 5.000 ha trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đồng thời, cam kết thu mua gỗ keo có chứng chỉ FSC có đường kính trên 13cm cao hơn gỗ không có chứng chỉ tại cùng thời điểm từ 15-20% tùy theo chất lượng gỗ, và không ép giá khi có thiên tai, rủi ro ảnh hưởng đến rừng keo FSC.

Đối với các hộ dân có rừng keo FSC khi gặp khó khăn về tài chính ở độ tuổi rừng từ 4-5 tuổi, quyết định tỉa thưa kéo dài tuổi thọ thêm 2-3 năm để nuôi cây lớn hơn, công ty sẽ hỗ trợ cho vay 4 triệu đồng/ha/năm với lãi suất thấp hơn lãi suất ngân hàng thương mại tại thời điểm vay là 2%/năm.

Đặc biệt, vốn vay và lãi suất sẽ được trả lại cho Công ty khi hộ dân đến kỳ khai thác bán gỗ. Ngoài ra, Công ty cũng thành lập nhóm cán bộ trực tiếp hỗ trợ các hộ dân trong quá trình triển khai để có giải pháp tháo gỡ kịp thời những vướng mắc.

Cũng theo ông Nguyễn Chiến Thắng, không chỉ giúp công ty có nguồn gỗ đạt chứng chỉ mà nhờ mô hình này, thu nhập của các hộ dân cũng cao hơn nhiều so với việc trồng keo ngắn ngày, bán dăm cho thương lái ngày trước.

Chẳng hạn, thu nhập ròng từ rừng keo trồng 5 tuổi bán gỗ dăm giấy (không FSC) là 70 triệu/ha/5 năm, tương đương 14 triệu/ha/năm. Với rừng keo trồng 8 năm khai thác bán gỗ xẻ FSC và dăm giấy, lợi nhuận lên đến 200 triệu/ha/ 8 năm, tương đương 25 triệu/ha/năm.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, không chỉ riêng mô hình của Công ty Scansia Pacific, nhiều mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp khác với các hộ trồng rừng cũng đang phát huy hiệu quả.

Đơn cử như mô hình của Công ty cổ phần Woodsland với các hộ gia đình trồng rừng tại tỉnh Tuyên Quang với tổng diện tích rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững khoảng 20.000 ha; Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Gỗ Nam Định xây dựng mô hình liên kết với hộ gia đình trồng rừng tại tỉnh Yên Bái….

Việc doanh nghiệp phát triển các mô hình liên kết như trên là nhu cầu cấp bách của thị trường. Một số thị trường lớn nhập khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam như Hoa Kỳ, Châu Âu, Australia… đang đòi hỏi ngày càng cao về sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp. Điều này buộc các doanh nghiệp xuất khẩu phải chủ động hoàn thiện hệ thống quản lý sản xuất và hợp tác với người dân trồng rừng để có được nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với yêu cầu của các thị trường.

Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có đến 732 doanh nghiệp có chứng nhận chuỗi hành trình (CoC/FSC), đứng đầu khu vực Đông Nam Á; trong đó, 49 doanh nghiệp được cấp chứng chỉ quản trị rừng bền vững với tổng diện tích 226.500 ha.

Hướng đến xây dựng trung tâm đồ gỗ hợp pháp uy tín thế giới

Trong vài năm gần đây, vấn đề chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp nhằm bảo vệ môi trường liên tục được các quốc gia đưa lên “báo động đỏ” thông qua các đạo luật cấm buôn bán gỗ bất hợp pháp, chính sách đóng cửa rừng tự nhiên... Tại Việt Nam, không chỉ có các doanh nghiệp mà ở góc độ quốc gia, Chính phủ Việt Nam cũng đang tích cực nỗ lực phối hợp với các nước trong vấn đề này.

Đáng chú ý, năm 2017 là năm đặc biệt quan trọng của ngành lâm nghiệp Việt Nam nói chung và của ngành chế biến gỗ xuất khẩu nói riêng khi Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện về Thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), sau tiến trình đàm phán kéo dài 6 năm. Theo đó, Việt Nam đang xây dựng và thực thi Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của quốc gia (VNTLAS) nhằm đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc gỗ và gỗ hợp pháp trong toàn bộ chuỗi cung.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, dự kiến tháng 10/2018, Việt Nam và EU sẽ ký kết Hiệp định VPA/FLEGT. Hiệp định sẽ mở ra cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho đồ gỗ Việt Nam khi xuất khẩu sang EU do tiết kiệm được chi phí, thời gian vì không phải thực hiện việc giải trình theo quy chế 995 của EU nếu được cấp phép FLEGT. Bên cạnh đó, Hiệp định VPA/FLEGT được ký kết sẽ tạo niềm tin cho các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia.

Không chỉ với EU, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh đàm phán và ký kết các hiệp định song phương về thương mại lâm sản với một số thị trường tiềm năng như: Australia, Nga, Canada, Ấn Độ; đàm phán về công nhận lẫn nhau các quy định gỗ hợp pháp để mở rộng và phát triển thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh cho rằng, ngành gỗ Việt Nam may mắn có được nguồn nguyên liệu hợp pháp từ rừng trồng để sản xuất đồ nội thất xuất khẩu. Nhờ có nguồn nguyên liệu trong nước, doanh nghiệp trong ngành có lợi thế hơn hẳn vì có nguồn nguyên liệu rẻ và ổn định so với nhập khẩu.

Lợi thế này giúp doanh nghiệp liên tục xuất siêu ở mức cao trên 70%. Đây chính là cơ sở để hình thành bản sắc riêng, niềm tự hào quốc gia - Việt Nam là trung tâm sản xuất đồ gỗ hợp pháp, chất lượng và bền vững của thế giới.

Tại hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu” vừa được tổ chức ở Tp.Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tái khẳng định chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên và không phá rừng làm cây công nghiệp. Điều này cho thấy những nỗ lực của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp gỗ Việt Nam trong việc xây dựng trung tâm sản xuất đồ gỗ hợp pháp uy tín cho thế giới.

Để thúc đẩy ngành chế biến gỗ phát triển bền vững, cũng tại hội nghị trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung làm tốt tuyên truyền, quảng bá, vận động người dân, doanh nghiệp thay đổi nhận thức về sử dụng gỗ hợp pháp, thay đổi tập quán sử dụng gỗ rừng tự nhiên sang rừng trồng; kiên quyết không sử dụng gỗ bất hợp pháp. Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp cần tôn trọng luật pháp quốc tế, sử dụng nguyên liệu hợp pháp, nghiên cứu thị trường quốc tế, phòng tránh tranh chấp có thể xảy ra...             

Bích Hồng - Hứa Chung (TTXVN)