01:20 27/01/2016

Hướng đến sản phẩm “sạch”

Doanh nghiệp Việt đang chủ động đầu tư sản xuất, chế biến nông sản theo chuẩn thiên nhiên, hữu cơ nhằm tạo nên sức mạnh cạnh tranh cho sản phẩm.

“Cuộc cách mạng xanh”


Hội nhập kinh tế thế giới từ các hiệp định thương mại đang tạo điều kiện để sản phẩm nông sản Việt Nam trụ vững ở sân nhà, đồng thời tiến xa hơn nữa sang thị trường các nước. Song, để làm được điều đó, theo các chuyên gia kinh tế, với giới kinh doanh, vấn đề bức thiết phải hướng đến hiện nay là nông sản Việt rất cần một “cuộc cách mạng xanh” với những sản phẩm sạch. Chỉ có thể phát triển chuỗi sản xuất, chế biến thiên nhiên, hữu cơ mới đủ sức cạnh tranh và mang lại giá trị giá tăng cao.


Ông Phạm Minh Thiện, Giám đốc kinh doanh doanh nghiệp tư nhân Cỏ May, chia sẻ, xác định rõ nhu cầu thị trường cần, vì vậy doanh nghiệp chủ động sản xuất nấm rơm theo quy trình “sạch”. Rơm được mua từ vùng lúa đạt chuẩn VietGap, sau đó hấp và xử lý trong nhà kính. Từ nấm rơm trồng trong nhà kính chúng tôi chủ động đem sản phẩm kiểm tra ở nước ngoài. Kết quả, sản phẩm không nhiễm kim loại nặng. Nấm rơm sản xuất trong nhà kính sẽ hướng đến cung cấp cho thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.

Người tiêu dùng thường tin dùng các ông sản "sạch" được bày bán trong siêu thị.


Nổi tiếng với các sản phẩm nông sản phong phú và đa dạng, nhưng nông sản Việt Nam liên tục rơi vào tình trạng “dội chợ”, rớt giá, trồng – chặt, chặt – trồng. Điệp khúc được mùa, mất giá liên tục tiếp diễn đối với các sản phẩm như: vải thiều, dưa hấu, thanh long… Điều này đã đẩy thị trường rơi vào tình trạng “lo dồn, đói góp”. Nhằm hạn chế thấp nhất sự thiệt hại về mùa vụ, không ít doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch tích trữ hàng hóa bằng cách sấy khô, đóng gói sản phẩm.


Ông Đỗ Văn Dũng, chủ đơn vị ép dẻo thanh long đóng gói (Bình Thuận) cho hay, thị trường thanh long ngày càng dội nguồn cung trong khi nhu cầu trong nước không cao, sản phẩm này buộc xuất sang Trung Quốc với giá rẻ. Chia sẻ với những khó khăn náy của người trồng thanh long, ông dân ông Dũng mạnh dạn quyết định đầu tư máy chế biến thanh long ép dẻo. Đến nay sản phẩm được thị trường tiếp nhận sản phẩm khá nhiệt tình.


Cũng với mong muốn ngành nông nghiệp phát triển ổn định cùng những sản phẩm sạch nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất theo hướng vừa thiên nhiên, vừa hiện đại, là đơn vị đi đầu và thành công lớn trong đầu tư, phát triển trái cây sấy khô theo công nghệ thiên nhiên, Vinamit cũng đang tiếp tục tập trung mở rộng sản xuất theo mô hình sạch organic. Hoặc như Công ty Đức Việt cũng áp dụng tốt nguồn nguyên liệu xoài đạt chuẩn VietGap vào sấy dẻo và đóng gói theo chuẩn ISO, HACCP hiện đại đê cho ra sản phẩm an toàn với người tiêu dùng.


Chưa đáp ứng đủ


Áp dụng dây chuyền sản xuất sạch, công nghệ chế biến hiện đại cũng được trang bị, nhưng không ít người bày tỏ quan ngại về đầu ra cho nông sản “sạch”. Đặc biệt, các doanh nghiệp còn lo lắng nông sản Việt không thể cạnh tranh nổi với sản phẩm của một số nước mặc dù đó là sản phẩm hoàn toàn thiên nhiên, hữu cơ.


Nguyên nhân chủ yếu là do giá cả nông sản đóng gói “made in Vietnam” thường cao hơn giá một số mặt hàng nội – ngoại nhập khác. Ví dụ như thanh long ép dẻo sản xuất “sạch” có giá 600.000 đồng/kg; nấm rơm có giá 300.000 – 400.000 đồng/kg...


Đại diện nhiều doanh nghiệp khẳng định, hoàn toàn không lo đầu ra, nhu cầu sản phẩm “sạch” trên thị trường rất lớn. Giá gấp đôi sản phẩm thông thường nhưng vẫn tiêu thụ hết, chứng tỏ nhu cầu sử dụng sản phẩm nông sản “sạch” hiện rất lớn.


Ông Nguyễn Phát Triển, Giám đốc Việt Đức, cho biết: "Khách hàng ở Đức đặt mỗi tháng 3 container loại 40 feet các sản phẩm “sạch” của công ty nhưng doanh nghiệp không dám nhận vì chưa thể đáp ứng đủ".


“Thị trường các nước nhập khẩu đang phản ứng rất tốt với nông sản “sạch”, kể cả thị trường trong nước. Nông sản hữu cơ qua chế biến làm tăng giá trị gia tăng lên ít nhất là 50% so với sẩn phẩm thường. Nghĩa là, từ những sản phẩm rẻ mạt, giá trị nông sản được nâng lên một mức cao hơn. Việc đầu tư trồng trọt cho đến chế biến nông sản hữu cơ đang tạo ra lợi nhuận mấy chục phần trăm, thậm chí từ 100 – 200%”, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit, cũng cho hay.


Nhận định về tình hình chung cũng như định hướng phát triển của ngành nông nghiệp các chuyên gia cho rằng, hội nhập sâu, rộng đang buộc nông sản Việt phải cạnh tranh gay gắt với các nước có nền nông sản hiện đại. Phát triển nông sản sạch là hướng đi mới của thị trường ngách phù hợp trong bối cảnh cạnh tranh, thay vì nông nghiệp Việt Nam phát triển theo kiểu đại quy mô. Kiểu phát triển đại quy mô mức độ cạnh tranh không bằng và chắc chắn gai góc hơn thị trường ngách.


“Hội nhập kinh tế đến rất gần. Vấn đề còn lại đòi hỏi doanh nghiệp chủ động thay đổi và sáng tạo ra những sản phẩm 3C. Tức là, sản phẩm phải đạt chất lượng, công nghệ, chuỗi giá trị”, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ. 


Hoàng Tuyết