05:13 10/05/2020

Hướng đến nền dịch vụ công trực tuyến hiện đại, hiệu quả

Ngày 10/5, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh và Đài HTV thành phố tổ chức Chương trình lắng nghe và trao đổi: “Dịch vụ công trực tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Thực trạng và giải pháp".

Nội dung được đưa ra bàn thảo tại chương trình xoay xung quanh việc Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai dịch vụ công trực tuyến đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nhất là hạn chế lây lan dịch COVID-19 trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn thành phố vẫn chưa cao, còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại cần sớm được tháo gỡ.

Chú thích ảnh
Số lượng dịch vụ công trực tuyến mà Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp cho người dân và doanh nghiệp có xu hướng tăng. Ảnh minh họa: Nguyễn Hoàng/Báo Tin tức

Gia tăng sử dụng dịch vụ công trực tuyến 

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Ban Đô thị, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, số lượng dịch vụ công trực tuyến mà thành phố cung cấp cho người dân và doanh nghiệp có xu hướng tăng, trong đó đáng chú ý là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 chiếm 40,2% tổng số dịch vụ công được cung cấp. Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến tăng mạnh, từ 4% năm 2016 lên 32% vào năm 2017, 40% trong năm 2018 và tăng lên 56% trong năm 2019. Riêng trong tháng 4/2020, thành phố triển khai gần 1.300 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 tập trung vào lĩnh vực lao động, kinh doanh và dịch vụ. 

Theo bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay toàn bộ bộ thủ tục hành chính của thành phố đã mức độ 2 và đang triển khai mạnh mẽ mức độ 3, mức độ 4. Các sở, ngành, quận, huyện thực hiện hiệu quả dịch vụ công trực tuyến như quận 1, quận Bình Tân, Bình Thạnh, huyện Hóc Môn, Sở Giáo dục và Đào tạo (cấp sao y chứng chỉ văn bằng, cấp phép cơ sở tổ chức dạy thi, học thêm), Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế (cấp phép đăng ký kinh doanh, kê khai, nộp thuế)… qua đó phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong việc gửi, nhận và trả kết quả hồ sơ, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19. 

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho biết: Từ năm 2014 đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng phần mềm giúp nhà đầu tư, quận, huyện đăng ký thành lập doanh nghiệp tại nhà, hỗ trợ doanh nghiệp để thao tác hoàn chỉnh hồ sơ nộp, tiếp nhận thuận lợi, giảm thời gian đi lại. Đơn cử sau khi tiếp nhận hồ sơ trực tuyến của người dân và doanh nghiệp, cán bộ chỉ cần hướng dẫn 2 lần là hoàn chỉnh hồ sơ để xử lý trong 48 giờ. 

Thuế là một trong những ngành sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến. Theo Nguyễn Nam Bình, Phó Cục trưởng cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh, ngành thuế đã thực hiện 133 thủ tục hành chính công mức độ 3, mức độ 4 trong đó có khai thuế, nộp, hoàn thuế điện tử. Hiện nay ngành thuế đang tiếp tục triển khai đề án liên thông với Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đất đai. 

Thông tin về từng lĩnh vực cụ thể, ông Nguyễn Nam Bình cho biết thêm, trong thủ tục khai thuế điện tử, trong quý 1/2020 thành phố có hơn 243.000 doanh nghiệp nộp thuế (chiếm 99,8% doanh nghiệp đang hoat động), đến cuối năm 2019 có 93% doanh nghiệp nộp thuế điện tử thông qua hệ thống ngân hàng thương mại...

“Dịch vụ công trực tuyến đang mang lại thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, tiết kiệm nguồn lực tăng khả năng cạnh tranh doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững đồng thời minh bạch hoạt động của cơ quan chính quyền. Thông qua đó người dân và doanh nghiệp cũng dễ dàng giám sát việc xử lý thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước”, ông Nguyễn Nam Bình chia sẻ thêm. 

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thủy Ngân Hà, Công ty TNHH Trạng Nguyên, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến diễn ra dễ dàng, giúp doanh nghiệp thuận tiện hơn trong báo cáo chế độ bảo hiểm xã hội, tiền lương người lao động. Sau khi nộp hồ sơ có thể theo dõi quá tình xử lý thông qua phản hồi của cán bộ xử lý trên tài khoản đã đăng ký. Khi được thông báo hồ sơ hợp lệ, doanh nghiệp sẽ lên nộp bộ hồ sơ hợp lệ đó mà không phải đi lại để bổ sung nhiều lần như trước đây.

Trong khi đó, ông Lê Nguyễn Bảo Quốc, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, từ cuối năm 2019 ông nộp hồ sơ trực tuyến xin phép xây dựng nhà ở riêng lẻ và thời gian ngắn sau đó đã được giải quyết mà không phải đi lại nhiều lần. Tuy nhiên trong quá trình khai báo hồ sơ vẫn diễn ra tình trạng trùng lắp, khai báo nhiều lần, gây bất tiện. 

Tiếp tục cải cách, đổi mới

Mặc dù đạt được nhiều kết quả nhất định nhưng việc triển khai dịch vụ công trực tuyến tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn. Theo bà Nguyễn Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, việc tuyên tuyền sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế, người sử dụng còn thiếu tin tưởng liên quan đến bảo mật thông tin. Trong khi đó, thói quen sử dụng hồ sơ giấy, đến nộp hồ sơ trực tiếp vẫn còn phổ biến. Nhiều thủ tục hành chính chưa được đơn giản, tinh gọn để thực hiện trên môi trường mạng; thiếu hệ thống dùng chung giữa Trung ương với địa phương, giữa các bộ, ngành với các sở, ngành thành phố như hệ thống dân cư, đất đai nên vẫn còn nhiều trường hợp vừa phải giải quyết trên hệ thống cổng dịch vụ công quốc gia và của thành phố.

Để đẩy mạnh việc sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, bà Nguyễn Thị Trung Trinh cho rằng, thực hiện được chỉ tiêu đề ra của Chính phủ là đến năm 2025 toàn bộ thủ tục hành chính phải được cung cấp qua mức độ 3, mức độ 4 cần có giải pháp tổng thể, tinh giản thủ tục hành chính để dễ dàng triển khai trên môi trường mạng trực tuyến. Khẩn trương hoàn thiện cơ sở dùng chung trong đó có hệ thống dữ liệu về dân cư, hộ tịch, đất đai; đưa vào nền tảng chia sẻ dùng chung giữa Trung ương và thành phố, giữa các sở, ngành, quận, huyện đồng thời cung cấp phần mềm dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 trên điện thoại. 

Theo đề xuất của Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Anh Tuấn, thành phố cần kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét việc áp dụng đồng bộ chữ ký số đối với dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo an toàn, bảo mật tránh việc lợi dung thông tin cá nhân của người này để làm hồ sơ cho người khác. Theo ông Nguyễn Nam Bình, Phó Cục trưởng cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, ngành thuế thành phố sẽ đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến hướng đến người nộp thuế là cá nhân vốn đang tương tác hạn chế với ngành thuế đồng thời mong muốn được chia sẻ nền tảng dùng chung giữa các bộ, ngành như vấn đề mua bán xe, quản lý đất đai.

Dưới góc độ quản lý địa phương, bà Phạm Thị Ngọc Diệu, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho rằng, trong thời gian tới quận sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền ở địa bàn dân cư, nhất là phát huy vai trò Tổ tư vấn dịch vụ công trực tuyến tại 134 khu phố trên địa bàn quận; rà soát thủ tục hành chính để kiến nghị đơn giản hóa và tiến hành chỉnh lý, số hóa tài liệu phát huy môi trường mạng. Ngoài ra UBND quận Bình Tân sẽ phối hợp các sở, ngành để tối ưu hóa tính năng phần mềm dịch vụ công, đề xuất với UBND thành phố kiến nghị các bộ, ngành kết nối dữ liệu dùng chung để các địa phương sử dụng; kiến nghị Bộ Tài chính ban hành quy định cho phép chi trả chi phí dịch vụ thanh toán qua mạng khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Theo ông Đỗ Thanh Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, là một trong những địa bàn triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, UBND huyện Hóc Môn sẽ tiếp tục nâng cấp hoàn thiện phần mềm khung kiến trúc chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, phối hợp với ngành bưu điện để đẩy mạnh bưu chính công trong việc trả kết quả hồ sơ; xây dựng cơ sở dùng chung lĩnh vực đô thị trong đó có cấp phép xây dựng…

Trần Xuân Tình (TTXVN)