02:13 14/02/2021

Hướng đến đích nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu

Với nhiều cách làm sáng tạo, công cuộc phát triển nông thôn mới tại tỉnh Thái Bình đã tạo nên diện mạo mới cho “quê hương năm tấn”, đời sống nhân dân được nâng cao. Đặc biệt hơn khi năm 2021 đánh dấu hành trình xây dựng nông thôn mới tại Thái Bình bước sang giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình từ trên cao. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Tại xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư sau khi về đích nông thôn mới năm 2015 đã tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Đến nay, xã đạt 11/11 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.

Chứng kiến sự thay đổi của quê hương Nguyên Xá, bà Trần Thị Phước (78 tuổi) vui mừng cho biết, Tết năm nay có ý nghĩa hơn với bà con khi địa phương nơi họ sinh sống là xã đầu tiên của huyện hoàn thành mục tiêu  xây dựng nông thôn mới nâng cao. Cuộc sống của người dân đã có nhiều thay đổi. Trước đường sá đi lại khó khăn, mùa mưa trơn trượt bùn đất, nay đường bê tông trải khắp từ nhà ra ngõ, việc đi lại thuận tiện. Người dân ai cũng phấn khởi, tự nguyện đóng góp công sức để xây dựng quê hương.

Từ 8 xã điểm xây dựng nông thôn mới năm 2009, đến nay 100% số xã trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã về đích nông thôn mới. Là địa phương ven biển, huyện Thái Thụy thực hiện xây dựng nông thôn mới với nhiều khó khăn như địa bàn rộng, địa giới hành chính lớn; hệ thống hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ; nguồn lực hạn hẹp; số tiêu chí đạt chuẩn còn thấp...

Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Thái Thụy đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới với 47/47 xã đạt chuẩn, xã Thụy Phúc đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Tháng 8/2020, xã Thụy Chính là xã thứ hai của tỉnh Thái Bình nói chung và huyện Thái Thụy nói riêng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Ông Vũ Thanh Vân, Bí thư Huyện ủy Thái Thụy cho biết, huyện Thái Thụy lấy phương châm “dễ làm trước, khó làm sau” trong xây dựng nông thôn mới. Ngay khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, huyện tập trung xây dựng đề án, kế hoạch triển khai xây dựng nông thôn mới cụ thể, chi tiết, xác định rõ nguồn lực, đảm bảo tính khả thi. Đồng thời, lựa chọn bước đi, cách làm phù hợp với điều kiện của từng địa phương và của huyện, lựa chọn các nội dung, tiêu chí thuận lợi, cần ít vốn đầu tư triển khai trước.

Huyện chọn dồn điền đổi thửa, tập trung, tích tụ ruộng đất là khâu đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, huyện ưu tiên đầu tư làm trước các công trình phục vụ phát triển kinh tế như giao thông, thủy lợi, các công trình phúc lợi xã hội.

Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Bình, thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh Thái Bình đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu, thực tiễn địa phương trong từng giai đoạn. Cùng với đó, huy động mọi nguồn lực xã hội, ban hành cơ chế trong phân cấp và quản lý đầu tư xây dựng công trình nhằm tạo tính chủ động, sáng tạo của các địa phương. Giai đoạn 2010 - 2020 tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đạt trên 22.835 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn huy động từ nhân dân gần 3.670 tỷ đồng.

Đến nay, tỉnh Thái Bình có 237/237 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 4 xã đã được thẩm định và đang hoàn thiện thủ tục công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 7/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh Thái Bình đang hoàn thiện các thủ tục trình Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Với phương châm xây dựng nông thôn mới là cuộc cách mạng không có điểm dừng, tỉnh Thái Bình tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu những năm tiếp theo.

Ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Bình cho biết, mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ có 20% số xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Để đạt mục tiêu này, tỉnh Thái Bình chỉ đạo các địa phương tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đồng thời lựa chọn các xã có nhiều thuận lợi xây dựng nông thôn mới nâng cao trong năm 2021. Các xã bám theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao; trong đó chú trọng thực hiện các tiêu chí khó như tiêu chí giao thông; tiêu chí tổ chức sản xuất với vùng sản xuất tập trung có liên kết; tiêu chí môi trường với trên 5% số hộ có phân loại rác thải tại nguồn.

Nhờ phát triển nông thôn mới, những ngày đầu Xuân Tân Sửu, nhiều làng quê Thái Bình khang trang sạch đẹp hơn, khoác lên mình màu áo rực rỡ. Với niềm tin và kỳ vọng mới khi bước vào năm 2021,  cùng tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân, mọi người dân kỳ vọng cuộc cách mạng nông thôn trên “quê lúa” sẽ tiếp tục gặt hái thành công, đạt và vượt các mục tiêu đề ra.

Thu Hoài (TTXVN)