09:16 10/09/2020

Hướng chọn nghề gắn với việc làm

Sau khi điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 công bố, nhiều trường cao đẳng và trung cấp cũng tiến hành đợt nhập học. Điểm dễ nhận thấy trong kỳ tuyển sinh các trường cao đẳng, trung cấp năm nay là việc lựa chọn nghề gắn với việc làm.

Lựa chọn nghề rõ nét

Sáng 10/9, nhiều học sinh đăng ký nhập học khóa 47 trường Cao đẳng Điện tử - điện lạnh Hà Nội. Ông Đinh Văn Hội và con là Đinh Đại Nghĩa (xã Văn Phú, Nho Quan, Ninh Bình) lên nhập học từ sáng sớm vào nghề Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí.

Chú thích ảnh
Bố con ông Đinh Văn Hội (Ninh Bình) xem hồ sơ thủ tục nhập học trường Cao đẳng Điện tử  - Điện lạnh Hà Nội.

Em Định Đại Nghĩa cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp PTTH vừa rồi em được 21 điểm (chưa tính cộng điểm ưu tiên) và đủ điểm vào đại học. Nếu học các trường đại học top trung bình thì sau này khó xin việc, nên em chọn học nghề vì xác định ra trường sẽ có việc làm ngay, nếu đủ điều kiện thì đi xuất khẩu lao động.

Còn ông Đinh Văn Hội, phụ huynh em Đinh Đại Nghĩa thì cho biết: “Ở quê tôi, người dân hiện nay không đặt nặng việc đỗ đại học. Quan trọng là học xong phải có việc làm. Các khu công nghiệp ở quê đều tuyển lao động có tay nghề nên khi cháu đề xuất học nghề, tôi ủng hộ ngay. Mong sao cháu học có nghề để tìm việc tại các khu công nghiệp ngay gần nhà”.

Còn chị Thanh Nhàn (Đống Đa, Hà Nội) đang chờ con Hà Mạnh Quân đến đăng ký vào nghề điện công nghiệp thì cho biết: Con chị có kết quả thi tốt nghiệp PTTH là 23 điểm, đủ điểm đỗ một số trường đại học nhưng cháu muốn chọn nghề yêu thích. Sau khi tìm hiểu về nghề mà các trường đang đào tạo cùng đánh giá khả năng ra trường có việc làm nên cháu quyết định đăng ký học tại đây. Sau này có công việc ổn định sẽ tính học tiếp.

Chú thích ảnh
Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội làm hồ sơ thủ tục nhập học.

Ngay từ đầu tháng 9, Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội đã thông báo trúng tuyển cho trên 450 em trong tổng số 1.000 chỉ tiêu tuyển của năm nay và đón học sinh, sinh viên nhập trường vào ngày 10/9. Sau đợt này, trường tiếp tục tiếp tuyển sinh các đợt tiếp theo đến tháng 10. Trước đó vào tháng 8, trường tuyển sinh 60 học sinh học theo mô hình 9+ và 40 học sinh vào hệ cao đẳng. Do tình hình dịch COVID-19 diễn ra phức tạp nên trường tư vấn tuyển sinh online và có hơn 1.000 học sinh đăng ký. Dựa trên thông tin đăng ký, cán bộ tuyển sinh của trường đó có tư vấn cụ thể về lĩnh vực ngành nghề theo học dựa trên khả năng của từng em.

Ông Phạm Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội cho biết: Xu hướng lựa chọn nghề gắn với việc làm khi tốt nghiệp năm nay từ các thí sinh đến nộp hồ sơ rất rõ nét. Thí sinh đến tìm hiểu rất kỹ về các khoa sẽ theo học. Chính vì vậy, một số nghề mà thị trường lao động có nhu cầu cao như: Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông, điện tử công nghiệp … có nhiều thí sinh đăng ký.

“Điều này cho thấy các em tốt nghiệp PTTH xác định học nghề gắn với việc làm đã định hình cụ thể, không còn chung chung và phụ thuộc bố mẹ như trước”, ông Phạm Tiến Dũng chia sẻ.

Trong khi đó, ông Trương Tường Lân, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề du lịch Hà Nội cho biết: Ngay đầu tháng 9, trường tuyển đủ 100 học sinh hệ song bằng (học nghề kết hợp học văn hóa) và 40 học sinh hệ trung cấp trên tổng số chỉ tiêu 100. Bên cạnh đó, hệ sơ cấp đã tuyển được 300/500 học sinh.

“Các em đăng ký học nghề trung cấp thường là có hoàn cảnh khó khăn và muốn học xong có việc làm. Năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên khi nhập học, nhiều học sinh cũng đặt câu hỏi khi tốt nghiệp ra trường liệu có thể tìm được việc làm hay không. Trường vẫn cam kết học sinh tốt nghiệp ra trường là có việc bởi theo tính toán của chúng tôi, dịch COVID-19 sẽ bị khống chế vào đầu sang năm và khi du lịch phục hồi sẽ là cơ hội để tìm kiếm việc làm thuận lợi”, ông Trương Tường Lân chia sẻ.

Trong khi đó, trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng, nơi tâm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thời gian qua cũng nhận được số lượng hồ sơ tăng gấp 2 lần so với mọi năm. Cụ thể, nhà trường đã nhận được 500 hồ sơ của sinh viên đến nộp trực tiếp và 3.000 hồ sơ nộp online, tăng gấp 2 lần so với năm 2019. Trong đó, học sinh, sinh viên tập trung vào các ngành nghề như du lịch, công nghệ thông tin, tự động hoá và may mặc.

Chủ động liên kết đào tạo theo nhu cầu thị trường

Theo thống kê, trong số trên 900.000 học sinh dự thi thi tốt nghiệp THPT năm 2020, có gần 30 % không có nguyện vọng vào đại học. Xu hướng học sinh không lựa chọn đại học mà tìm ngã rẽ sang học nghề phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, học lực cho thấy sự dịch chuyển trong quan điểm lựa chọn nghề nghiệp của cha mẹ và học sinh. Đây cũng là tín hiệu tích cực trong công tác phân luồng sau trung học phổ thông, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay.

Chú thích ảnh
Đào tạo nghề gắn với việc làm.

Để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đã đề ra là 2.260.000 người, trong đó trung cấp và cao đẳng là 580.000 người, ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết: Các trường đẩy mạnh tuyển sinh từ tháng 6/2020 và tập trung cao điểm từ tháng 7 đến tháng 10. Các trường đã đến các trường THCS, THPT để tư vấn ngành nghề đang đào tạo, cơ hội việc làm và mức lương; đồng thời đẩy mạnh tư vấn trực tuyến, giới thiệu qua kênh mạng xã hội... Nhiều trường cũng đề xuất mở những ngành nghề đào tạo mới để đáp ứng sự chuyển dịch thị trường lao động do dịch COVID-19 và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19, các trường cao đẳng, trung cấp phải nỗ lực trong việc đổi mới phương thức dạy và học; nâng cao chất lượng đào tạo, kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp.

Từ góc độ của nhà trường, ông Phạm Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội cho biết: Việc liên kết với doanh nghiệp trong công tác đào tạo, cho sinh viên thực hành là yêu cầu sống còn với nhà trường. Ngay đầu tháng 9, nhà trường ký kết hợp tác với các doanh nghiệp trong việc xây dựng, chỉnh lý chương trình, chuyển giao công nghệ, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Đây cũng là xu hướng mà các trường nghề triển khai mạnh mẽ trong vài năm gần đây và thu được những kết quả đáng kích lệ khi có tới 90% học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm.

 

Xuân Cường/Báo Tin tức