01:22 18/01/2013

Hương Cảng không còn “thơm”!

Cái tên Hồng Công (Hương Cảng) có nghĩa là “cảng thơm”, nhưng hàng ngàn chiếc tàu chở hàng chạy nhiên liệu bẩn đang đẩy một trong những hải cảng bận rộn nhất thế giới này vào tình trạng ô nhiễm nặng nề, mỗi năm khiến hơn 3.000 người tử vong.

Cái tên Hồng Công (Hương Cảng) có nghĩa là “cảng thơm”, nhưng hàng ngàn chiếc tàu chở hàng chạy nhiên liệu bẩn đang đẩy một trong những hải cảng bận rộn nhất thế giới này vào tình trạng ô nhiễm nặng nề, mỗi năm khiến hơn 3.000 người tử vong.


 

Hồng Công đau đầu với tình trạng ô nhiễm từ hoạt động tàu biển.

 

Trong tuần này, chính quyền Hồng Công dự kiến sẽ công bố một loạt quy định nghiêm ngặt hơn về chất thải từ các tàu chở hàng nhằm làm cho môi trường thành phố trở nên trong sạch và thân thiện hơn.


Theo thống kê, có tổng cộng 410.560 con tàu đã vào ra Hương Cảng trong năm 2011, trong đó các tàu chở hàng chiếm một không gian lớn trên vùng nước đông đúc này, bên cạnh các tàu chở khách, tàu du lịch và du thuyền sang trọng. Tần suất hoạt động đó có nghĩa tàu thuyền là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm khiến mỗi năm có khoảng 3.200 người thiệt mạng tại Hồng Công (theo nghiên cứu của trường Đại học Hồng Công).


Ông Simon Ng, thuộc Công ty tư vấn Civic Exchange, cho rằng chính màn sương mù dày đặc thường xuyên bao phủ Hồng Công đã xua đuổi nguồn “chất xám” khỏi mảnh đất này. “Hãy tưởng tượng một nhà máy điện nằm ngay gần nhà bạn, ngày nào cũng thải ra chất ô nhiễm, khi đó bạn sẽ làm gì? Những con tàu hiện đang sản sinh ra nhiều chất ô nhiễm hơn từ chính chúng ta và chúng đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng mà Hồng Công cần giải quyết”, ông Simon nói.


Chất thải ngày càng nhiều từ các con tàu, vốn chạy bằng nhiên liệu gây ô nhiễm, được dự báo sẽ sớm vượt qua lượng chất thải từ ngành công nghiệp điện để trở thành nguồn lớn nhất thải khí độc sulphur dioxide. Năm ngoái, có tới gần 400 người Hồng Công đã thiệt mạng vì hít phải khí ô nhiễm từ các lò đốt than trên tàu.


Các nhà hoạt động xã hội thì chỉ trích, Hồng Công luôn đứng sau so với thế giới về các vấn đề môi trường, từ lĩnh vực tái chế cho đến giao thông cho người đi xe đạp. Về đường thủy, trong khi ở châu Âu và Bắc Mỹ, các con tàu buộc phải sử dụng nhiên liệu chứa dưới 1,0% khí sulphur, thì Hồng Công cho phép tỉ lệ cao tới 3,5%.


Năm ngoái, vùng lãnh thổ này đã áp dụng một bộ quy tắc tình nguyện, theo đó, nếu chủ tàu nào tuân thủ ở mức dưới hoặc bằng 0,5% thì sẽ được giảm 50% phí cảng. Tuy vậy, Hiệp hội chủ tàu Hồng Công cho rằng, quy định giảm phí cảng chỉ bù đắp được 30 - 40% chi phí hàng năm của việc sử dụng nhiên liệu sạch hơn. Vì thế “yêu cầu chủ tàu chi tiền để chuyển đổi nhiên liệu là rất khó”.


Trong khi đó, bà Christine Loh, một nhà vận động môi trường, hiện giữ cương vị Thứ trưởng Môi trường Hồng Công, cho biết, chương trình “tình nguyện” này mới chỉ là một “sự khởi đầu nhỏ”. “Chúng tôi muốn các quy định có tính chất bắt buộc, thậm chí đưa chương trình này ra ngoài phạm vi Hồng Công, sang cả Quảng Đông. Chúng tôi đã lên kế hoạch trong vài năm tới sẽ hợp tác với tỉnh Quảng Đông để đưa cả vùng châu thổ Châu Giang thành một khu vực ô nhiễm thấp”, bà Christine nói.


Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh cũng đã cam kết coi chống ô nhiễm là một trong những ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ 5 năm của ông. Nhưng khi ông Lương đưa vấn đề này ra trước cuộc họp chính sách đầu tiên trong tuần này, câu hỏi đặt ra sẽ không chỉ là phạm vi của chương trình này mà còn là liệu những tiêu chuẩn đặt ra có đủ mạnh. Còn nhớ, những mục tiêu về chất lượng không khí từng được công bố trong năm ngoái, về 7 loại chất ô nhiễm, trong đó có sulphur dioxide và carbon monoxide, đã bị chỉ trích là quá thấp, quá muộn. Và đến tháng 8/2012, Hồng Công đã chìm trong màn sương mù ô nhiễm tồi tệ nhất trong lịch sử.

 

Thu Hằng