01:16 23/01/2021

Hưng Yên hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP

Tỉnh Hưng Yên đã dành gần 30 tỷ đồng khuyến khích các địa phương thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), với nhiều giải pháp thiết thực, giúp các chủ thể tham gia phát triển sản phẩm OCOP đạt hiệu quả cao.

Chú thích ảnh
Sản xuất tinh dầu nghệ tại xã Chí Tân, huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Tỉnh đã hỗ trợ 3 mô hình phát triển, nâng hạng sản phẩm OCOP cho 4 Hợp tác xã về máy móc, thiết bị, đường giao thông để phát triển, nâng hạng sản phẩm. Trong đó, giúp Hợp tác xã nghệ Chí Tân (Khoái Châu) phát triển, nâng hạng sản phẩm từ nghệ như: bột nghệ, tinh bột nghệ, Nanocurcumin. Hợp tác xã sản xuất cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát và Hợp tác xã Nông nghiệp Ngũ Phúc (Phù Cừ) được hỗ trợ phát triển, nâng hạng sản phẩm dưa lưới, dưa vàng. Hợp tác xã Nhãn Miền Thiết huyện Khoái Châu phát triển, nâng hạng sản phẩm nhãn quả tươi, chế biến từ nhãn. Ngoài ra, các huyện, thị xã, thành phố lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản phẩm.

Tỉnh cũng tạo điều kiện để các địa phương thành lập mới 113 Hợp tác xã nông nghiệp, hỗ trợ một phần kinh phí mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh, xây dựng kết cấu hạ tầng; hỗ trợ 50 Hợp tác xã mua máy, thiết bị sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm và xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Với nguồn kinh phí hỗ trợ gần 17 tỷ đồng, mỗi Hợp tác xã được hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng. Đồng thời, tỉnh thành lập mới 99 tổ hợp tác nông nghiệp tư vấn hướng dẫn tổ chức, xây dựng phương án hoạt động sản xuất kinh doanh, mua sắm một số máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động. Kinh phí hỗ trợ 1,98 tỷ đồng (20 triệu đồng/tổ hợp tác).

Tại các huyện đã hình thành 5 mô hình Hợp tác xã kiểu mới như: 2 Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Xuân Quan (Văn Giang) và Yên Phú (Yên Mỹ); 3 Hợp tác xã nông nghiệp chuyên ngành gồm: Hợp tác xã chăn nuôi - dịch vụ an toàn Siêu Việt (Văn Lâm); Hợp tác xã sản xuất cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát (Phù Cừ); Hợp tác xã sản xuất rau quả và dịch vụ thương mại xã Đồng Thanh (Kim Động).

Các Hợp tác xã kiểu mới được hỗ trợ hướng dẫn xây dựng tổ chức bộ máy theo quy định của Luật Hợp tác xã, thành lập các tổ, nhóm chuyên môn; hướng dẫn phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, triển khai thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị thông qua hợp đồng hợp tác. Mỗi Hợp tác xã được hỗ trợ 280 triệu đồng kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng và mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ hoạt động, sản xuất, kinh doanh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên cũng đang phối hợp với các huyện triển khai hỗ trợ các địa phương xây dựng 4 mô hình Hợp tác xã phát triển sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm gồm: Hợp tác xã thủy sản Hưng Phát (Phù Cừ), 2 Hợp tác xã chăn nuôi - kinh doanh gà Đông Tảo xã Dạ Trạch và xã Đông Tảo (Khoái Châu), Hợp tác xã chăn nuôi con giống gia cầm Ngô Đức Thắng, xã Phạm Ngũ Lão (Kim Động).

Các thành viên Hợp tác xã được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống, vật tư để chăn nuôi triển khai mô hình đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; tìm kiếm thị trường, đối tác tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Với nguồn kinh phí hỗ trợ 2 tỷ đồng, mỗi Hợp tác xã được hỗ trợ bình quân 300 - 400 triệu đồng.

Đến nay, toàn tỉnh Hưng Yên đã đánh giá, phân hạng và xếp hạng được 67 sản phẩm của 34 chủ thể sản xuất (Hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp và chủ cơ sở). Trong đó 1 sản phẩm đạt 5 sao, 17 sản phẩm đạt 4 sao, 49 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm được công nhận thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống và thảo dược đều đảm bảo chất lượng, an toàn theo quy định.

Mai Ngoan (TTXVN)