01:08 11/01/2019

'Hung thần xa lộ': Không để cái thiếu trở thành cái ác!

Trong 10 ngày đầu năm 2019, một số vụ tai nạn giao thông gây chết người có liên quan đến xe tải, xe container đã xảy ra.

Mới đây nhất, chiều 8/1, một vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra trên đường Phan Văn Hớn hướng từ huyện Hóc Môn về quận 12 TP Hồ Chí Minh. Xe tải 78C-028.47 chạy cùng chiều đã cuốn cô gái đi xe máy vào gầm, kéo lê một đoạn khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ tai nạn giao thông trên đường Phan Văn Hớn hướng từ huyện Hóc Môn về quận 12 TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoài Nam

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác an toàn giao thông sáng 4/1/2019, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, sắp tới Bộ Giao thông Vận tải sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giảm thiểu tai nạn giao thông. Đặc biệt là sẽ siết lại hoạt động kiểm tra lái xe sử dụng rượu bia, ma túy và quản chặt thời gian lái xe của các tài xế. Động thái này diễn ra sau vụ tai nạn thảm khốc chiều 2/1 tại Long An, khi một chiếc xe container đâm vào dòng người đi xe máy đang dừng trước đèn đỏ khiến bốn người tử vong và 18 người bị thương. Việc xét nghiệm sau đó cho thấy, lái xe Phạm Thành Hiếu (32 tuổi, trú tại Long An) có phản ứng dương tính với rượu, bia và ma túy.

Thực tế cho thấy, tình trạng lái xe tải, xe container nghiện ma túy, uống rượu, bia trước khi lái xe hay chạy đua tăng chuyến trong tình trạng thiếu ngủ, mệt mỏi diễn ra từ lâu và cũng đã được cảnh báo từ lâu.

Các ngành Y tế, Cảnh sát Giao thông, Giao thông Vận tải trong ba năm 2010, 2011 và 2012 đã từng phối hợp kiểm tra các tài xế container, xe tải nặng, xe kéo, tài xế taxi..., phát hiện có tới 30% đến gần 40% số người lái dương tính với ma túy. Điều này trùng hợp với số liệu do Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó Phòng hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) đưa ra sau vụ tai nạn ngày 2/1 tại Long An. Ông cho biết, theo khảo sát khoảng 6 năm trước, có hơn 30% tài xế xe container (bằng lái FC) dương tính với ma túy. Ông gọi đây là con số “nhức nhối” và cho rằng nhiều năm qua ngành Giao thông “dường như bất lực”.

Tại sao việc tài xế, đặc biệt là tài xế xe container, nghiện ma túy gây “nhức nhối” cho xã hội? 

Bác sỹ Phạm Văn Trụ, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh cho biết: Nhiều lái xe đường dài nói rằng, họ từng phải dùng ma túy để giữ sự tỉnh táo sau vô lăng. Tuy nhiên, họ không nhận thức được rằng, điều này rất nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường vì thể chất, tinh thần các tài xế bị ảnh hưởng, nhất là não bộ. Lái xe khi sử dụng ma túy đá sẽ bị ảo giác và không làm chủ được quá trình điều khiển phương tiện giao thông. Chưa kể, những tài xế đồng thời sử dụng rượu và heroin khiến thần kinh bị ức chế quá mạnh và chậm phản xạ, đưa ra các quyết định xử lý tình huống sai lầm (thay vì đạp chân thắng thì đạp nhầm chân ga) gây ra các hậu quả nghiêm trọng.

Trong trường hợp các tài xế bị ảo giác hoặc chậm phản xạ, những chiếc xe container đồ sộ, phóng ầm ầm cùng các dòng xe khác, trong đó có xe máy, chẳng khác gì cỗ vũ khí giết người hàng loạt được “thả rông” trên xa lộ, đường phố.

Tại sao lại nói ngành Giao thông “dường như bất lực”?

Sau khi kết quả khảo sát về lái xe đường dài trong các năm 2010 – 2012 được công bố, tháng 5/2013, Bộ Y tế ra Thông tư số 14/2013 về hướng dẫn khám sức khỏe đối với tài xế. Theo đó, ngoài khám sức khỏe để thi lấy bằng lái các hạng, người đã có bằng cũng buộc phải kiểm tra sức khỏe theo định kỳ sáu tháng một lần. Nội dung khám cận lâm sàng gồm xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm sinh hóa máu, xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu… Mục đích của các khâu xét nghiệm trên là nhằm phát hiện, loại bỏ những người đã và sẽ cầm vô lăng có sử dụng ma túy.

Tại TP Hồ Chí Minh, tháng 3/2014, Sở Giao thông Vận tải thành phố ra Kế hoạch 1064 về kiểm tra sức khỏe tài xế kinh doanh vận tải. Theo đó, tất cả tài xế kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thuộc các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn thành phố phải được kiểm tra sức khỏe, gồm cả kiểm tra phản ứng với các chất ma túy. Bản Kế hoạch 1064 đề ra các biện pháp xử lý: Sở Giao thông Vận tải sẽ tạm thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô, các loại phù hiệu, biển hiệu đã cấp cho các xe đối với các doanh nghiệp vận tải không thực hiện nghiêm việc tổ chức kiểm tra sức khỏe, chất ma túy cho đội ngũ tài xế do doanh nghiệp vận tải. Đối với tài xế có sử dụng chất ma túy, doanh nghiệp vận tải chấm dứt ngay hợp đồng lao động, không cho hành nghề lái xe của doanh nghiệp vận tải.

Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, cả Thông tư số 14/2013 của Bộ Y tế lẫn Kế hoạch 1064 của Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh hoặc rơi vào quên lãng hoặc bị “qua mặt” một cách dễ dãi. Trong giới lái xe đường dài, việc nghiện ma túy được coi là “bình thường”, là “đặc thù nghề nghiệp”(!).

Tại sao việc đào tạo và cấp bằng lái xe cũng như khám sức khỏe định kỳ cho người lái, đặc biệt là tài xế đường dài, trong đó có xe container, lại bị buông lỏng trong nhiều năm bất chấp dư luận lên tiếng cảnh báo?

Lý do chính là áp lực từ phía các doanh nghiệp kinh doanh vận tải.

Nhu cầu về tài xế có bằng lái xe FC hiện nay trên thị trường lao động ở Việt Nam rất lớn nhưng nguồn cung rất hạn chế. Bởi vậy, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải dù có thể biết một số tài xế nghiện ma túy nhưng vì lợi nhuận của mình mà nhắm mắt làm ngơ. Việc đào tạo, cấp bằng lái, kiểm tra sức khỏe cho người lái xe, nhất là tài xế xe tải, container bi buông lỏng.

Thực tế nói trên được thể hiện rất rõ ở tỉnh Đắk Lắk. Thực hiện Công văn 7191/BGTVT-VT ngày 18/6/2014 của Bộ Giao thông Vận tải về việc tăng cường kiểm tra ma túy và các chất kích thích trong đội ngũ tài xế, tại Đắk Lắk, 636/1.288 tài xế đã nộp kết quả kiểm tra và tất cả số mẫu này đều có phản ứng dương tính với các chất ma túy. Theo kế hoạch, cơ quan chức năng sẽ tổ chức hai đợt để lấy mẫu nước tiểu tập trung tại các bệnh viện nhằm đề phòng các trường hợp tài xế xin nước tiểu người khác. Tuy nhiên sau đó, các đơn vị liên quan lại không tổ chức kiểm tra ma túy tập trung mà lại giao cho các đơn vị vận tải tự làm. Từ đó, việc kiểm tra ma túy đối với tài xế chỉ là hình thức, tài xế nghiện ma túy không nộp mẫu hoặc họ xin nước tiểu từ người khác để nộp. Các doanh nghiệp không có lợi ích kinh tế trong việc loại bớt các tài xế đường dài. Họ đã không “lấy dao tự chém vào chân”.

Không phải vào thời điểm bây giờ mà từ năm 2015, phần lớn các doanh nghiệp vận tải có xe đầu kéo ở Việt Nam đều "khát" lái xe có bằng FC. Nhiều doanh nghiệp mới mua xe đầu kéo chấp nhận trả lương thật cao để hút lái xe đường dài. Website của Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại VITRANIMEX có trụ sở ở Hà Nội trong năm đó liên tục đăng tải thông tin tuyển 15 tài xế có giấy phép lại xe hạng FC làm việc tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Doanh nghiệp này đưa ra mức lương từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng, ngoài ra, lái xe còn được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động..., tuy nhiên việc tuyển dụng vẫn gặp khó khăn. Các doanh nghiệp khác cũng gặp tình trạng tương tự, xe container đắp chiếu ở bãi trong khi hợp đồng chuyên chở bị phá vỡ, khoản nợ ngân hàng thúc ép. Không ít doanh nghiệp co kéo bằng được các lái xe có bằng FC bất chấp thể trạng sức khỏe và đạo đức của họ. Tình trạng này khiến các tài xế xe container giành quyền đặt điều kiện với doanh nghiệp chứ không phải ngược lại.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác an toàn giao thông diễn ra vào ngày 4/1/2019, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã khẳng định “tính mạng con người là trên hết”. Không thể vì lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải mà các tài xế container nghiện ma túy vẫn được ngang nhiên ngồi sau tay lái, khiến những người vô tội trở thành con tin của các cỗ máy giết người hàng loạt.

Chỉ đạo việc khắc phục hậu quả vụ xe container đâm vào dòng người đi xe máy đang dừng trước đèn đỏ tại Long An vào chiều 2/1, Phó Thủ tướng khẳng định: "Đây là một vụ đặc biệt nghiêm trọng, phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Không chỉ với lái xe mà cả chủ xe phải liên đới trách nhiệm, phải xem xét điều tra. Vì đã đưa người nghiện heroin điều khiển xe thì trách nhiệm ở đâu?".

Việc Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam siết lại chuyện học, thi cử và cấp giấy phép lái xe, đặc biệt là xe container, là động thái đúng đắn và cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Điều này tuy muộn, nhưng muộn còn hơn không.

Không thể lấy cái thiếu (lái xe có bằng loại FC) để biện minh cho cái ác (bỏ mặc lái xe nghiện ma túy với ảo giác của mình tung hoành trên xa lộ, đường phố)!

Trần Quang Vinh (TTXVN)