10:07 22/10/2015

Hứng gió sông khuya

1. Thị trấn nhỏ, nghèo thiu thắt. Thị trấn buồn, buồn đến nỗi mà mấy cọng gió sông thổi phà phà qua mặt mà cũng hửi được hơi hám mùi buồn. Con sông Cái chảy ngang qua thị trấn, xui khiến sao tẻ thành ba nhánh sông. Thị trấn nằm giữa ngã ba nhánh sông.


Dân sống quần cư cất chái nhà lá xập xệ cập theo bờ sông. Chỉ có đi ngang qua khúc chợ thị trấn là tương đối sầm uất một chút, có hàng chục căn nhà xây kiên cố, cao hai ba tầng. Đối diện chợ là bãi sông rộng. Nơi đây còn gọi chợ đầu mối. Dân thương hồ từ khắp nơi xuôi ghe chất đầy hàng nông sản, rau cải, trái cây theo sông Cái về đây họp chợ. Chợ họp nửa đêm, đến sáng là tan.

2. Dân ở đây quen gọi thị trấn này cái tên xưa cũ, nghe rùng mình: Thị trấn Săn Máu. Những ngày cuối cùng của tháng tư năm 1975, tại cây cầu bắc chung qua khúc ngã ba sông, có nguyên một tiểu đoàn mãnh hổ ngụy quyết bám trụ chân cầu để chặn đường bước như gió bão của quân giải phóng tiến về chiếm thị xã. Hai bên giằng co nhau ác liệt. Hỏa lực pháo của quân giải phóng mạnh hơn, bắn xối xả qua phía chân cầu. Sau suốt ba ngày ba đêm cầm cự, tiểu đoàn mãnh hổ ngụy tan tác xác xương. Máu chảy nhuộm đỏ một khoảng sông rộng. Dĩ nhiên bên phía quân giải phóng tổn thất không kém. 40 năm trôi qua, dấu vết chiến tranh ở thị trấn Săn Máu vẫn còn hiện hữu. Tấm bia tưởng niệm 220 dân quân du kích ngã xuống, hàng chữ khắc tên sơn đỏ. Tôi chạnh lòng sờ từng tên liệt sĩ, năm sinh. Họ quá trẻ.

Minh họa: Trần Thắng

Sau ngày đổi mới, thị trấn Săn Máu chính thức mang cái tên hành chính mới là thị trấn An Bình. Xe chạy gần đến địa phận này hỏi thị trấn An Bình chẳng ai biết. Vậy mà nhắc tên Săn Máu thì ông xe ôm già nua, ốm tong teo đậu xe chờ khách bên vệ đường "à" lên một tiếng sù sụ, đưa cánh tay xương xẩu chỉ thằng về con đường phía trước, qua hết câu cầu khỉ đó rồi quẹo phải là tới liền hà.

3. Đến thị trấn Săn Máu này, à không thị trấn An Bình này mà hổng tìm quán “cà phê ma” uống thử một ly đen là coi như lãng phí vượt hàng trăm cây số đường dài. Sở dĩ gọi là “cà phê ma” vì quán bán độc nhất khung giờ "linh": Mở bán lúc đúng 00 giờ và đóng cửa lúc 5 giờ sáng.

Quán cũng là căn nhà nhỏ cấp 4 bình thường nằm hướng cái mặt tiền ra ngã ba sông có tên là quán Sáu Cụt. Đồng hồ báo đúng 00 giờ, là cái bóng đèn trái ớt trước cửa quán bật sáng là dấu hiệu biết hai vợ chồng ông Sáu Cụt đã dậy, mở cửa để bán cà phê khuya. Dưới sông đã nghe láo nháo hàng chục ghe, chiếc xuồng đuôi tôm chở hàng hóa của dân thương hồ tứ xứ tụ về họp chợ. Quán cà phê này chủ yếu phục vụ cho dân bán buôn dưới sông là chính.

Tiếng kho khù khụ của một ông già tầm hơn 70, bị cà thọt một chân trái, cưa đến sát háng. Ông già chống nạnh bước ra sau chái bếp múc ấm nước nấu, dáng đi nghiêng hẳn một bên. Còn bên trong bà già cũng xấp xỉ tuổi như ông đang lui cui, bày xếp mấy cái bàn nhựa nhỏ đem đặt ra trước cửa nhà. Bà già bị mất một tay phải, cụt đến tận vai, nhưng thao tác của cái bàn tay trái khá nhanh nhẹn. Hai vợ chồng già thương binh này đúng là số kiếp cho họ bù trừ lẫn nhau, ông cụt một chân trái, còn bà cụt tay phải. Ông già thứ sáu nên dân ở đây gọi là ông Sáu Cụt. Hai vợ chồng ông Sáu Cụt mở quán bán cà phê mấy chục năm trời nên dân đây gọi nôm na cái quán là quán cà phê Sáu Cụt, riết thành quen tên.

4. Ông Sáu nguyên là một chiến sĩ đội biệt động. Hồi Mậu Thân khói lửa, ông cùng đồng đội kéo về đánh căn cứ quân sự Mỹ đóng ở thị xã. Nhóm nhỏ biệt động chỉ có 12 chiến sĩ trẻ măng mà gan dạ dám chống chọi với tiểu đội hàng trăm lính Mỹ thiện chiến, lính ngụy bảo an. Lực lượng không tương đồng, 11 người đồng đội ông Sáu gục ngã ngay trên những con đường đầy xác lá me rơi vào đúng đêm mùng 2 Tết năm đó. Riêng ông Sáu bị thương ở chân rồi bị bắt làm tù binh, rồi bị đày ải qua mấy nhà tù khét tiếng. Còn bà Sáu vốn là nữ giao liên hợp pháp của huyện ủy bấy giờ. Một lần chèo ghe đưa công văn từ chiến khu ra vùng tạm chiếm, bà Sáu bị địch phục kích bắn trọng thương, gãy tay. Bà bị bắt, đem về đồn tra tấn rồi tống vào tù. Định mệnh xui khiến làm sao, sau cái hồi khi ký hiệp định Paris 1973 trao trả tù binh ở Lộc Ninh, Bình Phước. Họ gặp nhau, tình đồng chí thôi thúc khiến họ nên duyên nên nghĩa kết thành vợ chồng. Ngày giải phóng, ông bà Sáu dìu dắt nhau về thị trấn Săn Máu lập nghiệp. Di chứng đòn tra tấn ác ôn trong tù của giặc khiến hai ông bà không sinh nổi mụn con nào. Ngồi nghe kể lại "sự tích" hai ông bà già Sáu Cụt, tôi thấy thoáng buồn nhưng cũng tự hào một thời tuổi trẻ sôi nổi dân thân vì lý tưởng cao đẹp của họ.

5. Quán cà phê khuya bắt đầu đón những khách đầu tiên. Họ là những tài công lái tàu dưới chợ nổi, tranh thủ người ta bốc hàng, họ kéo nhau lên quán ông Sáu Cụt nhâm nhi ly cà phê đen nóng. Cách pha cà phê ở đây cũng rất lạ, không dùng cái phin như thông thường, mà pha bằng cái phễu rất lớn. Ông Sáu cho cà phê bột vào cái phễu lớn, rồi chế nước sôi ùn ụt rưới lên cái phễu. Hứng dưới cái phễu là một cái tô cũng to. Vài phút sau, cái tô đã thấy lưng lưng cái nước màu nâu óng ánh, sền sệt. Ông Sáu múc ra từng ly nhỏ rồi rộng cái ly vô cái chén có nước sôi cho ly cà phê nhỏ luôn giữ độ nóng. Cách uống cà phê của dân ở đây cũng là lạ. Họ không bỏ đường cát trắng, có người uống cà phê đen không đường, có người bẻ nửa thanh thỏi đường vàng khè liệng vào ly cà phê rồi nhấp nhẹ từng hớp, mắt lim dim tận hưởng những cơn gió khuya từ ngoài sông thổi vào mơn trớn cơn mát lạnh da thịt.

- Chú em này hình như không phải người vùng này, đâu đến quá của qua vậy? Bưng chén cà phê đặt trước mặt tôi, ông Sáu xởi lởi dò hỏi. Tôi phải "dạ thưa" liên tục và rõ ràng về sự xuất hiện của mình.

6.Khuya hôm sau, tôi cũng lò mò tới quán ông Sáu Cụt lần nữa. Cái cảm giác nửa đêm, buồn ngủ muốn chết, hai mí mắt muốn nhắm lại sát rụp mà cũng cố cuốc bộ muốn rã cặp giò từ khu nhà khách của Huyện ủy ra khu chợ để uống bằng được ly cà phê đen sóng sánh. Quán luôn nhộn nhịp về khuya. Người nói người cười ra rả. Khuya nay chỉ thấy mình ông Sáu lui cui một mình xoay xở, nhìn bên trong trên chiếc gường tre ọp ẹp, bà Sáu trùm mềm kín mít.

- Sáu à, cho tao ly đen nhà mậy? Ủa mà con vợ mày đâu rồi? Giọng nói sang sảng của một ông già khác, tóc bạc trắng như mây nhưng da mặt còn rất hồng hào, tướng tá phương phi. Tôi đoán chừng chắc là bạn vong niên của ông Sáu. Mấy ông già vùng này hình như có thói quen đi uống cà phê khuya thì phải. Tôi ngồi đếm chắc phải bốn ông tóc trắng da nhăn trổ đồi mồi, ngồi túm bụm bàn chuyện thời sự. Câu chuyện của họ cứ rù rì liên quan đến thời cuộc, đến tham nhũng, đến cái chuyện thời sự tận bên kia tây bán cầu là ông Obama ký hiệp định bình thường hóa quan hệ toàn diện với ông Cu Ba, cái tổ chức nhà nước Hồi giáo IS hành quyết con tin ác quá, y chang thời xưa tụi biệt kích Mỹ đi ruồng bố tàn sát dân mình.

Ông Sáu một mình loay hoay phục vụ khách rồi cũng xong. Ông ngồi xuống chiếc ghế con, ngồi đối diện với ông bạn vong niên, bắt đầu cuộc trò chuyện:
- Anh Tư à, hổm rày trời trở gió rồi nóng lạnh bất thường, bả mệt, bả ngã bệnh rồi. Cái thời ở tù bị tụi nó đánh ác quá, giờ tuổi xế chiều già cả phải lãnh đủ...
- Ủa Sáu, cái vụ vợ mày làm hồ sơ tặng kỷ niệm chương địch bắt tù đày lần này được không?

- Chán quá anh Tư ơi, mấy ổng nói phải xác minh xác miết thêm gì đó. Tui nói thôi đi, gần xuống lỗ mẹ nó rồi cần cái quái gì cái kỷ niệm chương đó nữa.
Thời bả làm giao liên cho huyện ủy. Địch phục kích bắt được, tụi nó treo bả lên tòn ten trên trần nhà để điều tra cái "hộp thư" nằm ở đâu trong dân. Tui biết vì bả muốn bảo vệ và cứu cái bào thai bốn tháng của ông chồng trước nên khai bậy nhưng cũng có cố tình đánh lạc hướng nhằm cho tụi địch đỡ đánh. Không hiểu sao đường dây giao liên bị đứt hẳn, huyện ủy bị tổn thất nặng. Rồi cái thai bả cũng giữ không được, mà những ngày còn lại trong tù bị mang tiếng là phản bội tổ chức...

Tiếng thở dài thườn thượt của ông bạn già vong niên của ông Sáu mà tôi nghe được, tưởng như tiếng gió sông lướt qua cái quán cà phê nghèo nàn.

- Ờ... tao mong Đảng xác minh rõ nguồn cơn, tặng cái kỷ niệm chương địch bắt tù đày cho con Sáu hòng minh oan đeo đẳng mấy chục năm trời. Danh dự con người phải như bàn tay, có mặt trắng mặt đen cho rõ mày ơi. Mà tao có niềm tin con Sáu hồi xưa trong tù vẫn giữ tròn khí tiết...

- Anh Tư à... chắc hai vợ chồng tui dẹp quán quá. Tuổi cao sức yếu, thức khuya dậy sớm riết chắc kham không nổi. Tiền lương hưu cộng với tiền thương binh cũng đủ hai vợ chồng già rau cháo qua ngày.

- Bậy nè Sáu. Quán này nằm đối diện ngã ba sông là điểm hẹn của đồng đội mình khắp nơi quy tụ về dịp lễ lạt, dù biết rằng mỗi lần tụ họp là thiếu một thằng, mất một người. Dẹp quán sao đành lòng hả mậy Sáu. Kìa, mày có nhìn thấy trước mặt mình là ngã ba sông, cây cầu, lòng sông. Tại sao suốt mấy chục năm qua, nửa đêm nửa hôm nào tao cứ ngồi đây nhìn ra ngã ba sông không? Vì tao có thấy thấp thoáng đồng đội mình còn lặn hụp dưới dòng sông... Tụi mình già rồi, cứ sống no đầy bằng ký ức rồi chết cũng mãn nguyện. Mày cố cứ giữ quán này đi Sáu Cụt ơi. Đời già mình biết còn đi qua mấy mùa trăng nữa.

Ông Sáu im lặng, cúi đầu hớp tách trà, rồi ngẩng đầu mắt duỗi về hướng ngã ba sông.

7.Tôi cũng rời thị trấn Săn Máu trước khi bình mình lên. Xe chạy lên cầu, tôi cho xe dừng ngay giữa điểm ngã ba sông. Đứng tại đây, tôi thấy cái quán cà phê xập xệ của ông Sáu đã khép hờ cánh cửa. Đời người dài nhưng thoáng qua đi như cái chớp mắt. Biết chừng khi tôi quay lại, ngã ba sông vẫn còn, nhưng cái quán cà phê ven sông của ông Sáu Cụt biết có còn mở cửa bán mỗi đêm để hứng những cơn gió sông khuya không?
Bùi Trường Trí