07:15 18/07/2025

Huế: Xác minh nguyên nhân khiến lợn chết hàng loạt

Trước thông tin lợn chết chưa rõ nguyên nhân tại xã Nam Đông, ngành Chăn nuôi và Thú y thành phố Huế cùng địa phương khuyến cáo người dân không nên hoang mang, thay vào đó cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh liên cầu lợn, đồng thời tuân thủ nghiêm quy trình chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ thực phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Chú thích ảnh
Một con lợn bị chết và được gia đình ông Cao Viết Hùng đem đi tiêu hủy. Ảnh: Chụp lại màn hình điện thoại chủ nhà/dantri.com.vn

Ngày 18/7, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y thành phố Huế Nguyễn Văn Hưng cho biết, hiện cơ quan thú y đã lấy mẫu và đang kiểm tra, xác minh nguyên nhân khiến lợn chết vừa qua tại xã Nam Đông. Tình trạng lợn chết trên địa bàn diễn ra cục bộ, được xử lý ngay sau khi phát hiện.

Nguyên nhân lợn nhiễm bệnh, dẫn đến chết có thể xuất hiện trong tự nhiên, bởi sự thay đổi thời tiết, chăm sóc yếu khiến đàn lợn giảm sức đề kháng. Các dịch bệnh tả lợn châu Phi hay lợn tai xanh đến nay vẫn chưa ghi nhận tại thành phố Huế. Khi lợn mắc bệnh, chết, người chăn nuôi cần chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng bằng việc chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ thực phẩm đúng quy định và báo ngay cho cơ quan chức năng để theo dõi, quản lý - ông Nguyễn Văn Hưng giải thích.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nam Đông Cao Bé cho biết, gần đây địa phương nhận thông tin trường hợp lợn chết và đàn lợn yếu tại hộ chăn nuôi ông C.V.H. Sau khi nắm bắt, xã đã có công văn yêu cầu cập nhật số liệu hằng ngày và tuyên truyền, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh liên cầu lợn. Đồng thời, số lợn chết đã được tiến hành chôn lấp theo đúng quy định, cách xa khu vực dân cư, khử trùng đảm bảo vệ sinh môi trường. 

Ông C.V.H, chủ hộ chăn nuôi tại xã Nam Đông cho hay, lợn nái của gia đình bị bệnh với các biểu hiện đỏ da, sưng cổ, bỏ ăn từ đầu tháng. Dù được điều trị chủ động và mời cán bộ thú y đến kiểm tra nhưng đến nay, có 10 con đã chết, số lợn còn lại có dấu hiệu yếu đi. 

Theo thống kê của xã Nam Đông (gồm các xã Hương Xuân, Thượng Nhật và Hương Sơn của huyện Phú Lộc cũ) từ tháng 7 đến nay, địa phương ghi nhận hơn 200 con lợn chết. Chính quyền xã đã phối hợp cùng cơ quan thú y đến các cơ sở chăn nuôi, hộ gia đình kiểm tra, lấy mẫu, xử lý phun kháng sinh, khử trùng; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân không buôn bán, giết mổ mà tiêu hủy theo quy định, hỗ trợ vệ sinh, xử lý môi trường quanh khu vực chuồng trại. Đến nay, vẫn chưa có trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn nào xảy ra trên địa bàn xã Nam Đông.

Thành phố Huế ghi nhận 38 ca mắc liên cầu lợn từ đầu năm đến nay; trong đó có 2 ca tử vong, 3 ca nặng và 4 ca xin về. Tất cả đều là những ca bệnh xuất hiện ở người lớn. Một ca tử vong do nhập viện muộn khi đã có biểu hiện suy đa phủ tạng nên vấn đề hồi sức rất khó.

Giám đốc Sở Y tế Trần Kiêm Hảo cho biết, trường hợp mắc liên cầu lợn khác tử vong bởi bệnh lý khác. Hiện, các thuốc kháng sinh tại cơ sở y tế vẫn đang đáp ứng tốt điều trị theo kháng sinh đồ. Tỷ lệ tử vong/số ca mắc liên cầu lợn tại thành phố Huế tương đối thấp cho thấy địa phương đang làm tốt công tác quản lý, điều trị cho người dân.

Mai Trang (TTXVN)