12:09 08/12/2018

Huawei – mặt trận mới trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Cuộc chiến thương mại, công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang mở ra một mặt trận mới sau khi Phó Chủ tịch tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc bị Canada bắt giữ.

Vụ bắt giữ gây tranh cãi

Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, con gái người sáng lập Huawei, theo đề nghị của chính phủ Mỹ đã khiến Trung Quốc tức giận, các nhà đầu tư lo lắng và khiến dư luận dấy lên nghi ngờ về thỏa thuận đình chiến mong manh mà hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung đạt được cách đây vài ngày.

Chú thích ảnh
Bà Mạnh Vãn Chu. Ảnh: TASS

CNN dẫn lời ông Christopher Balding, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Fulbright Việt Nam, nhận định: “Phải coi đây là một sự leo thang đáng kể trong chiến tranh thương mại”.

Bị các cơ quan tình báo Mỹ coi là mối đe dọa an ninh quốc gia, tập đoàn Huawei là một trong những công ty công nghệ nổi tiếng nhất Trung Quốc. Công ty này bán nhiều điện thoại thông minh hơn cả Apple của Mỹ và xây dựng được các mạng lưới viễn thông tại nhiều nước.

Chính quyền Canada ngày 5/12 cho biết bà Mạnh Vãn Chu đã bị bắt ở Vancouver và Mỹ đang tìm cách dẫn độ bà này. Chính phủ Mỹ và Canada không nói rõ bà Mạnh Vãn Chu bị cáo buộc tội gì, nhưng vụ bắt giữ bà diễn ra sau khi có thông tin trong năm nay rằng Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra xem liệu tập đoàn Huawei có vi phạm lệnh trừng phạt Iran mà Mỹ áp đặt hay không.

Các nhà phân tích rủi ro chính trị tại Tổ chức Á Âu cho biết: “Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã kết án người Trung Quốc với các cáo buộc tương tự, nhưng ngần ngại trong thực hiện những hành động quyết liệt hơn như bắt giữ các cá nhân ở một nước thứ ba. Nguyên nhân là Mỹ lo sợ Trung Quốc sẽ trả đũa với các lợi ích Mỹ ở Trung Quốc hoặc ở các nước khác”. 

Điều xảy ra tiếp theo với bà Mạnh Vãn Châu có thể để lại hậu quả lớn với quan hệ Mỹ-Trung và công việc kinh doanh của tập đoàn Huawei.

Ảnh hưởng tới cuộc chiến thương mại

Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu diễn ra khi chính phủ Mỹ và Trung Quốc đang đàm phán các biện pháp để giải quyết vấn đề dẫn tới xung đột thương mại, khiến hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD của hai nước bị đánh thuế cao.

Chú thích ảnh
Vụ bắt giữ diễn ra khi Mỹ-Trung vừa đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại 90 ngày. Ảnh: AFP

Tổ chức Á Âu nhận định: “Loại hành động này sẽ ảnh hưởng tới không khí các cuộc đàm phán, khiến khó mà đạt được một giải pháp dàn xếp bền vững”.

Bộ Thương mại Trung Qruốc ngày 6/12 cho biết họ tin rầng vẫn có thể đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ kịp khoảng thời gian đình chiến thương mại trong 90 ngày như hai bên đã ký kết.

Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc rõ ràng giận dữ với vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu. Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Mỹ và Canada ngay lập tức sửa sai và trả tự do cá nhân cho bà Mạnh Vãn Châu.

Câu hỏi lớn là Bắc Kinh và Washington sẽ làm gì. Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có thể trả đũa và Mỹ có thể chuẩn bị các động thái khác chống lại lợi ích của Trung Quốc. Rủi ro đó hiện nay ở mức rất cao.

Ông Scott Kennedy, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington, nói: “Vụ việc này như một cú giật mạnh một sợi dây lỏng lẻo và có thể một phần khiến mối quan hệ đổ vỡ. Cả hai bên cần rất thận trọng và hiểu rõ lợi ích lâu dài của mình”.

Công nghệ chính là tâm điểm của cuộc chiến thương mại. Chính quyền của ông Donald Trump cho biết làn sóng thuế cao áp với hàng hóa Trung Quốc là một phần nỗ lực để ngăn chặn Trung Quốc đặt tay lên công nghệ Mỹ một cách không công bằng thông qua các hành vi như ăn cắp trên mạng, buộc các công ty Mỹ làm ăn ở Trung Quốc chuyển giao bí mật thương mại.

Việc quay trở lại bàn đàm phán bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Các nền kinh tế phát triển và mới nổi G20 đã giúp hai bên đạt kết quả là một thỏa thuận “ngừng bắn” 90 ngày. Điều trùng hợp là ngày đạt được thỏa thuận chính là ngày bà Mạnh Vãn Châu bị bắt ở Canada. 

Tác động với tập đoàn Huawei

Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu là một trong những động thái mạnh nhất mà chính quyền Mỹ thực hiện để chống lại Huawei. Công ty này bị cấm cửa phần lớn trong cung cấp thiết bị viễn thông cho các nhà mạng Mỹ. Các quan chức Mỹ đã liên tục cáo buộc rằng Chính phủ Trung Quốc sử dụng sản phẩm của Huawei để hoạt động gián điệp – cáo buộc mà Huawei luôn bác bỏ.

Chú thích ảnh
Một gian hàng của Huawei tại hội nghị trí thông minh nhân tại ở Thượng Hải. Ảnh: AP

Các nhà phân tích nhận định vụ của bà Mạnh Vãn Châu có thể là “khúc dạo đầu cho hành động xa hơn chống lại tập đoàn và các lãnh đạo cấp cao”.

Đối thủ của Huawei là tập đoàn ZTE là một ví dụ cho thấy chính phủ Mỹ có thể đi xa tới đâu. ZTE đã khốn đốn hàng tháng trời sau khi bị Bộ Thương mại Mỹ cấm mua các linh kiện quan trọng từ công ty Mỹ. Lệnh cấm đe dọa đẩy ZTE ra khỏi ngành kinh doanh và cho thấy Trung Quốc tiếp tục phụ thuộc vào công nghệ Mỹ, một đặc điểm dễ bị tổn thương mà Trung Quốc đang muốn giảm.

ZTE đã được giảm bớt lệnh cấm sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhờ Tổng thống Trump giúp đỡ. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng của ZTE đã gây gián đoạn với các nhà cung cấp viễn thông mà ZTE cung cấp trên toàn thế giới.

Nếu một lệnh cấm tương tự được áp dụng với Huawei, tác động sẽ lớn hơn nhiều vì thiết bị của Huawei được sử dụng nhiều hơn.

Trong một tuyên bố, Huawei cho biết được cung cấp rất ít thông tin về vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu và không biết bà bị cáo buộc tộigì. Tuyên bố có đoạn: “Huawei tuân thủ mọi luật pháp, quy định tại nơi hoạt động, gồm cả luật trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu, quy định của Liên hợp quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu”.

Điều quan trọng là những động thái tiếp theo trong vụ bà Mạnh Vãn Châu. Chuyên gia Balding nhận xét: “Có rất nhiều rắc rối pháp lý và ngoại giao phía trước. Mỹ và Canada sẽ không coi nhẹ việc này”.

Thùy Dương/Báo Tin tức