12:17 07/12/2022

HSBC: Lần đầu tiên trong 2 năm, xuất khẩu Việt Nam có dấu hiệu giảm tốc

Báo cáo Vietnam At A Glance tháng 12/2022 của Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC nhận định: Việt Nam đã bị ảnh hưởng “không nhẹ” khi thương mại toàn cầu chậm lại, lần đầu tiên chứng kiến xuất khẩu sụt giảm đáng kể so với 2 năm gần đây.

Chú thích ảnh
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải (COFIDEC), huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
 

Theo đó, lĩnh vực điện tử và dệt may/da giày, hai trụ cột xuất khẩu của Việt Nam đã giảm tốc do nhu cầu “hạ nhiệt” ở các nước phương Tây.

Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương cho hay: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11/2022 ước đạt 29,18 tỷ USD, giảm 3,9% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính chung 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 342,21 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 11 tháng năm nay tiếp tục đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu với kim ngạch ước đạt 294,5 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 86% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.

Đối với lĩnh vực dệt may, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết: “Những doanh nghiệp lớn có khách hàng truyền thống, lâu dài vẫn có đơn hàng đến đầu năm 2023 nhưng nhiều doanh nghiệp đang thiếu đơn hàng, đơn giá sụt giảm. Nhiều khách đặt hàng đưa ra mức giá chỉ đạt 50%, thậm chí 40% so với mức bình thường”.

Tình hình thiếu đơn hàng thực tế không chỉ diễn ra với riêng dệt may mà nhiều ngành khác, bởi tình hình chung do các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU lạm phát tăng cao 6 - 7%, thậm chí có thời điểm lạm phát lên tới 10%, tăng trưởng kinh tế không đạt kỳ vọng, ảnh hưởng lớn đến sức tiêu dùng của người dân, trước đó là 2 năm đại dịch đã tác động lớn rồi. 

Báo cáo “Khó khăn bên ngoài gia tăng” của HSBC nêu: Hai năm qua, các nhà xuất khẩu châu Á đã hưởng lợi nhiều nhờ nhu cầu đối với một số sản phẩm tăng lên. Trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều lần xảy ra, Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu kể từ khi xảy ra căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc. Đà tăng trưởng này đã kéo dài tới nửa đầu năm nay nhưng các dấu hiệu mới nhất cho thấy ngành xuất nhập khẩu của Việt Nam cần chuẩn bị cho một đoạn đường không mấy bằng phẳng sắp tới.

Cụ thể: Dữ liệu tháng 11/2022 cho thấy xuất khẩu giảm đã 7,4% so với cùng kỳ năm trước, giảm sâu hơn so với dự báo của HSBC và thị trường (dự báo ban đầu giảm 2,3%).

Kể từ khi xảy ra những căng thẳng thương mại Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất xét về thương mại và chuyển hướng đầu tư nước ngoài (FDI), đặc biệt thúc đẩy thị phần xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Và cũng chính do đó mà Việt Nam bị  ảnh hưởng nhiều hơn khi  kinh tế Mỹ suy giảm. HSBC nhận thấy: Xuất khẩu 2 lĩnh vực là máy móc và thiết bị - bên cạnh sản phẩm gỗ đã bắt đầu đi xuống.

Bất chấp các yếu tố bên ngoài suy yếu, nhu cầu trong nước tiếp tục bùng nổ phần nào đem tới cứu cánh. Tuy tốc độ bắt đầu giảm nhiệt, doanh thu bán lẻ vẫn là trụ cột vững mạnh cho tăng trưởng trong tháng 11/2022. Mặc dù vậy, lạm phát đang là một vấn đề ngày càng đáng lưu tâm, vượt mức trần 4% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lần thứ 2. 

Đại diện Bộ Công thương cho biết: Bộ sẽ tích cực hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại đã ký kết, đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào thị trường truyền thống; tranh thủ nhu cầu khi các nước EU cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, phân bón, thép...Triển khai mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu thông qua các kênh hệ thống thương vụ, thương mại điện tử xuyên quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chính sách mới của từng thị trường tháo gỡ các rào cản để đa dạng hóa thị trường thúc đẩy xuất khẩu.

Trong thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục có những giải pháp nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; đồng thời thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu; cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp.

Minh Phương/Báo Tin tức