01:11 17/01/2011

HPI (*)

Tôi thuộc tuýp người cổ hủ trong xã hội. Biểu hiện rõ nhất là việc tôi không cập nhật tin tức thường xuyên, không xem thời sự của đài truyền hình, không đọc báo, không nghe đài… Vì tất tần tật thời gian tôi phải dành cho việc mưu sinh và ngủ nghỉ.

Tôi thuộc tuýp người cổ hủ trong xã hội. Biểu hiện rõ nhất là việc tôi không cập nhật tin tức thường xuyên, không xem thời sự của đài truyền hình, không đọc báo, không nghe đài… Vì tất tần tật thời gian tôi phải dành cho việc mưu sinh và ngủ nghỉ. Thiếu tiền và thiếu sức khỏe thì không sống được chứ thiếu thông tin thì trái tim vẫn không ngừng đập. Nên trong những cuộc tranh luận về chính trị, tôi thường là người ngoài cuộc. Bạn bè bảo:

- Nói với mày cứ như vịt nghe sấm ấy. Thời đại này mà không bám lấy Internet là bị ra rìa liền.

Tôi cười cười, cãi lại:

- Tao tưởng thời buổi này không có tiền thì mới chết chứ.

Nó tỏ vẻ như không thèm nói chuyện với một đứa lạc hậu như tôi, thời gian ấy thà nó chúi đầu vào cái máy tính còn hơn. Tôi cũng chẳng nhàn rỗi gì mà quấy rầy nó. Đứa nào có việc đứa ấy làm, có vấn đề quan tâm để mà đốt 24 giờ một ngày.


Tôi nghĩ “thế là ok rồi”. Còn nó thì luôn bảo: “sao tao thấy chán bản thân, chán cái cuộc sống này thế không biết nữa…”. Cho rằng cái sự “buồn” của nó cũng vĩ đại hơn mình, cũng mang tính chất chính trị nên tôi cũng chẳng buồn can thiệp. Mà nó chắc cũng không cần một đứa lạc hậu như tôi động vào cái nỗi buồn to lớn ấy.

Tôi và nó chơi thân với nhau từ cái hồi mặc quần bục đít không thấy xấu hổ còn ngắt hoa sim tím cài lên đầu tranh nhau làm công chúa. Ngày ấy nó gầy và đen nhẳng nhưng cũng đã biết bảo với bọn con trai rằng đen như nó là đen duyên, và gầy thì mới đẹp. Sau này nhắc lại chuyện ấy nó cười hơ hớ bảo “hóa ra từ hồi ấy tao cũng đã biết thức thời ra phết”.


Bây giờ thì nó trắng hơn, cao hơn và sống cũng hiện đại đầu óc hơn nhiều. Giá vàng mỗi ngày lên xuống thế nào nó đều biết, sàn giao dịch chứng khoán, giá đô la trong ngày, tình hình bất động sản hay các cuộc chiến tranh trên thế giới đang yên ấm hay ác liệt… Nếu ai hỏi, nó nói cho một tràng đến mụ mẫm cả đầu óc, lần sau chừa hỏi luôn.


Thậm chí có lúc nó còn thống kê cho tôi đủ loại con số như Hàn Quốc có bao nhiêu người đang thất nghiệp, bao nhiêu người tự vẫn vì quá cô đơn. Một ngày Hà Nội sử dụng hết bao nhiêu năng lượng điện, xăng dầu, một ngày cả nước sử dụng hết bao nhiêu năng lượng điện, xăng dầu, cả thế giới một ngày sử dụng hết bao nhiêu năng lượng điện, xăng dầu… Đến khi tôi gần tẩu hỏa nhập ma rồi thì nó mới chịu buông tha. Có lúc tôi buột miệng hỏi:

- Bà biết những thứ ấy để làm cái quái gì?

Nó bảo:

- Để biết cuộc sống xung quanh đang và sẽ diễn ra như thế nào?

Tôi lại hỏi:

- Thế theo bà tương lai chúng ta sẽ như thế nào?

Nó bảo:

- Sẽ càng cô đơn hơn, càng buồn chán hơn, càng không thể thỏa mãn với cuộc sống của mình hơn.

Để kết thúc cuộc nói chuyện, tôi bảo nó “thế thì biết để làm gì?”. Nó không tranh cãi lại với tôi. Nó thở dài. Tự nhiên tôi lại thấy mình có lỗi.

Nó học đại học còn tôi tốt nghiệp trung cấp rồi xin vào bán hàng cho một hiệu thuốc. Thi thoảng tôi nhận làm thêm ngoài giờ để có đủ tiền chi tiêu cho cuộc sống ở thành phố.


Nó ra trường, làm cho một công ty nhà nước, lương thấp, chán trò nó lại nhảy ra làm tư nhân. Cái tài cùng với sự khôn khéo mang về cho nó lương mỗi tháng ngót nghét năm, sáu triệu.


Lấy một thằng chồng thành phố, nghiễm nhiên có nhà Hà Nội. So với nó tôi chỉ là cái “đinh gỉ”. Tôi chẳng kêu than thì thôi, đằng này hàng ngày phải nghe nó thở dài đến là ngao ngán. Đôi lúc qua phòng trọ của tôi, ngó mặt ra ngoài cửa sổ, nó bảo:

- Giá cứ điên điên, dại dại như cái anh kia lại sướng.

Cái nhân vật được nó nhắc đến chính là hàng xóm của tôi. Anh ấy cười suốt ngày, kể cả ngày nắng lẫn ngày mưa, cả mùa đông lạnh cóng đơ cho đến mùa hè nóng chảy mỡ.


Anh ấy xin ăn, ai cho anh cũng cười mà không cho cũng mỉm cười. Có hôm tôi thấy người ta đánh anh, không tự vệ, không chửi bới, cũng không kêu khóc. Anh chỉ mỉm cười, trong miệng toàn là máu.


Tôi hỏi “anh có đau lắm không?”. Anh mỉm cười. Tôi hỏi “bọn đó là bọn nào?”. Anh mỉm cười. Vừa bực vừa thương, tôi quát “sao hỏi cái gì anh cũng cười thế nhỉ?”. Dĩ nhiên là anh ấy lại đáp trả tôi bằng một nụ cười.

Thi thoảng anh ghé thăm tôi bằng cách đứng từ cửa sổ nhà anh vẫy tay sang phòng tôi cười cười. Hôm nào giỏ phong lan tím của tôi nở thì anh sẽ nán lại bên cửa sổ khá lâu.


Dù anh chưa bao giờ nói với tôi một lời nào nhưng chúng tôi hình như đã coi nhau là bạn. Không hiểu sao, sau mỗi lần nghe con bạn thở dài rồi kêu ca đủ thứ chuyện trên đời là tôi lại muốn được nhìn thấy anh. Để cái mỉm cười ngờ nghệch của anh làm tôi thấy thật nhẹ lòng.

Khu nhà trọ tôi thuê thật chẳng có nơi nào tệ hơn. Ấy là theo đánh giá của nhiều người trong xóm trọ, còn riêng tôi thì có một chỗ để chui ra chui vào là tốt lắm rồi.


Cả khu chia làm hai dãy, đi từ cổng vào nhìn tay phải là dãy nhà nữ, nhìn tay trái là dãy nhà nam. Tổng cộng 22 phòng, dùng chung hai cái nhà vệ sinh. Nên hầu như giờ nào cũng là giờ cao điểm.


Thi thoảng định vào nhà vệ sinh nữ thì thấy lù lù một cái biển vẽ thằng người quần đùi, áo cộc, còn cái biển vẽ cô gái mặc váy lại treo sang nhà vệ sinh nam.


Cả hai phòng đều đóng kín mít, chẳng biết nên gõ cửa phòng nào nên đành quay vào. Cũng có lần buồn đi vệ sinh quá, gõ vào phòng nữ thì lại thấy một cái đầu tóc ngắn thò ra, vừa cười nhe nhửn vừa bảo “thông cảm, nóng quá nên cần tắm gấp. Có dùng chung thì mời bạn cứ tự nhiên”. Hồn nhiên kiểu này thì xin khiếu cả nón. Chị nhà bên đi qua bịt miệng cười bảo:

- Phải sắm lấy cái bô để trong nhà ý. Lúc cần gấp là giải quyết tại chỗ. Chứ không chơi được với mấy ông này đâu.

Bây giờ thì tôi quen rồi, quen đến mức biết giờ nào chạy ra thì sẽ chiếm được nhà vệ sinh, chậm một phút cũng mất chỗ. Nói thật, mọi người ở xóm trọ chỗ tôi đều biết giờ đi vệ sinh, đi tắm của nhau.


Không phải vì quan tâm đến người khác, chỉ đơn giản là cái sự biết ấy nó cần thiết cho bản thân mình. Đôi khi, vào một ngày đẹp trời, tôi đã nghĩ “như thế cũng có cái hay của nó”.

                                                            *

                                                    *              *

Sáng nay, ra hàng bà béo đầu ngõ mua bốn nghìn xôi lạc. Thấy bà đang giơ mảnh báo gói xôi lên trước mặt như đang đánh vần từng chữ một.


Tôi nghĩ đến một bà bán xôi còn thích cập nhật tin tức hơn cả mình, tranh thủ những lúc không có khách là bà nạp ngay năng lượng cho bộ óc. Cho dù có thể đó là những tờ báo có thể cách đây đến vài năm. Bà bảo:

- Có hề gì, biết được thêm cái gì hay cái ấy. Này nhé, khối chuyện ngộ ra trò mà nếu không đọc được thì có xuống mồ cũng không biết được.

Tôi không quan tâm đến việc nạp năng lượng cho khối óc bằng việc nạp năng lượng cho cái dạ dày đang sôi lên ùng ục vì đói. Bà béo cầm ngay tờ báo vừa đọc gói cho tôi một gói xôi nhanh đến mức cảm tưởng như chỉ vừa kịp chớp mắt.


Bà béo bảo nhờ bán xôi mà bà nuôi được ba thằng con ăn học Đại học, một ông chồng nát rượu và một bà mẹ chồng “sắp xuỗng lỗ rồi vẫn còn lắm điều”. Tôi ngồi nhẩm đi nhẩm lại vẫn không hiểu bán xôi sao mà lãi thế. Tôi làm hùng hục suốt ngày, nuôi độc có cái mồm mà vẫn chẳng có thời gian đọc một mẩu báo.

Đến hiệu thuốc thấy chưa mở cửa, ngồi ngoài đường vừa ăn gói xôi vừa nhìn dòng người qua lại trên đường đến chóng cả mặt. Mùi khói xe, mùi mồ hôi, mùi của tắc đường, rú còi, rồ ga, chửi bậy và mùi của gói xôi dinh dính đủ làm tôi muốn nôn ngay cái thứ vừa cố nuốt vào trong bụng.


Nhưng đến lúc chỉ còn lại mảnh báo gói xôi bên cạnh, bỗng dưng tôi cũng thử nạp năng lượng cho cái bộ óc đã gần biến thành khối sắt của mình.


Những dòng chữ lướt nhanh qua đôi mắt đang thiếu ngủ: “Hạnh phúc là một trạng thái mà con người cảm thấy thỏa mãn với những gì mình đang có, với các điều kiện sống của mình. Nó chịu tác động của các yếu tố bên ngoài, nhưng quan trọng hơn là nó tùy thuộc vào từng đặc điểm nhân cách của mỗi cá nhân, vào thái độ và niềm tin vào các giá trị mà mỗi cá nhân theo đuổi”.


Thứ ấy gọi là HPI à? Không để tôi kịp hiểu thì chị chủ hiệu thuốc xuất hiện. Một bộ đầm rất đẹp, một cái mũ rộng vành, một khuôn mặt đầy cá tính đủ làm cho buổi sáng của tôi ở hiệu thuốc thấy dễ thở hơn.

Buổi trưa, hiệu thuốc đóng cửa một tiếng. Tôi nằm dài trên cái ghế gập vừa nhai bánh mì vừa dụ dỗ mình vào giấc ngủ. Bất chợt tôi nghĩ về cái định nghĩa HPI, cũng may mà tôi nhớ được rằng HPI là chỉ số hạnh phúc, còn chỉ số hạnh phúc là gì thì tôi quên khuấy mất rồi.


Trong giấc mơ chập chờn tôi nghĩ về con bạn với cuộc sống đủ đầy nhưng suốt ngày than thở, về anh hàng xóm suốt đời chỉ biết cười, nghĩ về bà béo bán xôi và mảnh báo bằng hai bàn tay mà cái chữ HPI đã choán gần hết.


Và nghĩ về bản thân tôi, một con người không thích Internet, không thích cập nhật tin tức và hay hài lòng về những gì mình có. Bất chợt một câu hỏi bật ra “liệu trong chúng tôi ai là người có chỉ số hạnh phúc cao hơn?”.


Thế rồi tôi chìm hẳn vào giấc mơ, có con búp bê rơm bị rơi xuống đường, xe cô, khói xe, rồ ga, rú còi, chửi bậy làm con búp bê hoảng sợ đến bật khóc. Tôi ngủ cho đến khi có người đập cửa uỳnh uỳnh để mua thuốc. Hôm nay rất nhiều người đến mua thuốc, có thể lại bắt đầu một bệnh dịch mới.

---

(*) HPI là viết tắt của Happy Planet Index - Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc do tổ chức phi chính phủ New Economics Foundation (NEF) có trụ sở tại Anh quốc lập ra để đánh giá mức độ thỏa mãn cuộc sống của người dân ở từng quốc gia, trong tương quan với tỉ lệ khai thác tài nguyên phục vụ cho sự phát triển của quốc gia đó. Tôi viết truyện ngắn này khi đọc được bài viết đăng trên báo Tuổi Trẻ “Chỉ số hạnh phúc: Không chỉ là mức độ hài lòng”.

Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang